Tình hình Trung Quốc

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 40 - 43)

Quan hệ Việt Trung từ năm 1945 đến năm 1949 2.1 Tình hình Việt Nam, Trung Quốc và thế giớ

2.1.2. Tình hình Trung Quốc

Ngày 15-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngày 2- 9, văn kiện Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện các nước đồng minh đã được ký kết. Cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc hơn tám năm, từ 7-7-1937 đã kết thúc thắng lợi. Nhân dân Trung Quốc được giải phóng khỏi ách chiếm đóng và thống trị tàn bạo của chủ nghĩa quân phiệt Nhật nhưng một vấn đề trọng đại đặt ra ngay lúc này là đi theo con đường hoà bình, hoà hợp dân tộc và dân chủ tiến bộ hay đi theo con đường nội chiến, chia rẽ, độc tài? Trả lời câu hỏi này như thế nào gắn liền với vận mệnh của dân tộc Trung Hoa. Cuộc kháng chiến vừa kết thúc nhưng ở Trung Quốc đã xuất hiện mầm mống của một cuộc chiến mới. Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương vừa cố gắng tranh thủ hoà bình, phản đối nội chiến, vừa chuẩn bị chiến tranh, kiên quyết chiến đấu bảo vệ thành quả đấu tranh của nhân dân. Trong khi đó, Quốc Dân đảng có Mỹ làm hậu thuẫn, được ủng hộ và giúp đỡ trong việc giải giáp quân Nhật, viện trợ tài chính. Ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng, Tưởng Giới Thạch cho gấp rút vận chuyển quân lính đến khu mới giải phóng, ngăn cản Quân giải phóng tiếp

nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Mặc dù Đảng Cộng sản và Quốc Dân đảng đã ngồi vào đàm phán và ký với nhau Hiệp định song thập vào ngày 10-10-1945 cam kết cùng hợp tác lâu dài trên cơ sở hoà bình, dân chủ, đoàn kết, thống nhất, kiên quyết tránh nội chiến nhưng trên thực tế xung đột quân sự vẫn liên tiếp xảy ra.

Cuối tháng 6 năm 1946, Tưởng Giới Thạch công khai phá bỏ Hiệp định đình chiến và Nghị quyết của Hội nghị hiệp thương chính trị họp ngày 1- 1-1946, ra lệnh cho quân đội mở cuộc tấn công vào vùng giải phóng của Đảng Cộng sản ở trung nguyên, mở đầu cuộc nội chiến Quốc - Cộng. Từ đây, cuộc đấu tranh giữa hai đảng diễn ra gay gắt và quyết liệt. Về tương quan lực lượng, Quốc Dân đảng mạnh hơn Đảng Cộng sản về mọi mặt, từ quân đội cho đến vùng chiếm đóng, hậu phương. Quốc Dân đảng tấn công toàn diện vào lực lượng của Đảng Cộng sản ở khu giải phóng với ý đồ nhanh chóng tiêu diệt chủ lực của Quân giải phóng. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra một loạt phương châm chính trị, kinh tế, quân sự nhằm vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa phát triển lực lượng để thay đổi tình thế. Cùng với những hành động tiến hành nội chiến, tấn công tiêu diệt lực lượng của Đảng Cộng sản, Quốc Dân đảng còn tăng cường đàn áp phong trào dân chủ, phong trào phản chiến của nhân dân trong vùng chiếm đóng.

Cùng với nội chiến, bức tranh kinh tế xã hội của Trung Quốc cũng chia làm hai mảng đối lập: mảng kinh tế ở vùng do Quốc Dân đảng cai trị và mảng kinh tế vùng giải phóng. Tình hình kinh tế trong khu vực cai trị của chính phủ Quốc Dân đảng rơi vào khủng hoảng trầm trọng với sự lũng đoạn của bốn gia tộc Tưởng, Tống, Khổng, Trần. Để cung cấp cho cuộc nội chiến, các nhà tư bản lớn và Chính phủ Quốc Dân đảng đã tăng cường bóc lột quần chúng lao động. Trong khi đó, tư bản Mỹ cũng tăng cường xâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Tình hình kinh tế xã hội hết sức hỗn loạn: các doanh nghiệp phá sản, lạm phát và vật giá lên cao, thanh niên bị bắt

lính, ruộng đất bỏ hoang, đê điều không tu sửa, thiên tai, lụt lội ở khắp nơi. Theo thống kê, chỉ riêng tỉnh Hồ Nam đã có hơn 3,2 triệu người chết đói trong năm 1946 [28, 219].

ở vùng giải phóng, Đảng Cộng sản tiến hành cải cách ruộng đất. Ngày 10-10-1947, Đảng Cộng sản ban bố “Đề cương luật ruộng đất”. Trong thời gian khoảng một năm kể từ khi công bố đề cương này, khoảng 100 triệu nông dân vùng giải phóng đã được chia ruộng đất. Mao Trạch Đông chủ trương tịch thu ruộng đất của giai cấp phong kiến chia cho nông dân, tịch thu tư bản độc quyền do Tưởng Giới Thạch, Tống Tử Văn, Khổng Tường Hy, Trần Lập Phu cầm đầu về cho nhà nước dân chủ mới, bảo hộ công thương nghiệp dân tộc. Cải cách ruộng đất và những chủ trương này khiến tình hình kinh tế từng bước được cải thiện, nông nghiệp được khôi phục và phát triển, công thương nghiệp hoạt động có hiệu quả, khó khăn về tài chính từng bước được khắc phục. Tháng 12 năm 1948, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc ra đời, phát hành đồng Nhân dân tệ và lưu thông trong vùng giải phóng. Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản xây dựng, phát triển sự nghiệp báo chí, giáo dục, khoa học xã hội trong vùng giải phóng.

Có thể nói, kể từ khi Nhật đầu hàng năm 1945 cho đến khi thành lập nước CHND Trung Hoa, đất nước Trung Quốc như một bức tranh với hai mảng màu sáng tối đối lập. Hai mảng màu này đấu tranh, xâm lấn và cuối cùng đổi chỗ cho nhau. Một bên là Quốc Dân đảng ban đầu chiếm ưu thế nhưng ngày càng suy yếu, địa bàn thu hẹp và kinh tế rối ren, khủng hoảng, một bên là Đảng Cộng sản với những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, lực lượng lớn mạnh, địa bàn ngày càng mở rộng, kinh tế ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Cuộc nội chiến này cuối cùng đã khẳng định lực lượng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc là ai, và trả lời một cách rõ ràng câu hỏi tiền đồ của Trung Quốc như thế nào. Tuy nhiên, có được câu

trả lời này, Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã phải trải qua một cuộc chiến đấu cam go và đầy hi sinh, mất mát.

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)