Từ năm 1858 đến những năm 20 của thế kỷ

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 25 - 30)

1.2.1.1. ảnh hưởng và giúp đỡ của những nhà cách mạng Trung Quốc đối với Việt Nam

Cuộc chiến tranh nha phiến năm 1840 bắt đầu thời kỳ lịch sử cận đại Trung Quốc. Đất nước Trung Hoa rộng lớn bắt đầu bị đế quốc xâu xé, nô dịch. Triều đình Mãn Thanh yếu hèn từ hiệp ước Nam Kinh năm 1842 đến hiệp ước Mã Quan 1895 từng bước bán rẻ Trung Quốc cho đế quốc. Về hình thức, Trung Quốc vẫn là một nước có chủ quyền do triều đình Mãn Thanh đứng đầu, nhưng thực chất thì không còn là một nước hoàn toàn độc lập mà luôn chịu sức ép, phụ thuộc vào các nước phương Tây. Còn Việt Nam, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp ở bán đảo Sơn Trà ngày 1-9- 1858 đã mở đầu thời kỳ đen tối của đất nước. Triều đình nhà Nguyễn cũng từng bước đầu hàng, cắt đất cho thực dân, còn thực dân Pháp thì ngày càng lấn tới và cuối cùng đã biến nước ta thành nước thuộc địa. Những điểm tương đồng này đã làm cho hai nước có mối đồng cảm sâu sắc, gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh chống thực dân đế quốc.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong điều kiện chiến tranh và sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của văn minh phương Tây, các chí sĩ yêu nước tiến bộ của Việt Nam khao khát tiếp cận với những tư tưởng mới, tìm tòi con đường đánh Pháp, giành độc lập dân tộc. Trong giai đoạn đầu, khi ảnh hưởng tư tưởng dân chủ tư sản Pháp còn hạn chế và gián tiếp thì các sĩ phu Việt Nam hướng đến tư tưởng mới chủ yếu qua làn sóng cải lương ở Trung Quốc.

Những trước tác của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu như Đại đồng thư, ẩm băng thất văn tập có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, tình cảm của sĩ phu yêu nước Việt Nam. Báo Thần chung tháng 11 - 1929 viết: "Tập ẩm băng thất của Lương tiên sinh với sĩ phu ta chẳng khác chi thuốc hay với

người mang bệnh trầm kha. Còn Trung Quốc hồn của Lương là tập sách vài mươi trang mà thay đổi lòng người như chớp, một tập sách nói chuyện nước Tàu mà 20 triệu dân Nam ta phấn khởi".

Trong hoạt động thực tế, các chí sĩ yêu nước Việt Nam cũng nhận được sự gợi mở, giúp đỡ nhiệt tình của những nhà cách mạng Trung Quốc. Khi Phan Bội Châu mới đặt chân đến Nhật Bản chưa có mối liên hệ nào thì Lương Khải Siêu là người giới thiệu ông với các chính khách Nhật Bản, đưa đến gặp những người có uy tín như Bá tước Đại Ôi, Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị. Lương Khải Siêu còn đọc, đề tựa cuốn Việt Nam vong quốc sử và in giúp cuốn này và cuốn Khuyến quốc tư trợ du học văn. Cuộc gặp gỡ của ông với Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn trên đất Nhật có ảnh hưởng lớn đến những chuyển biến về tư tưởng, đường lối của ông sau này. Lương Khải Siêu khuyên Phan Bội Châu nên viết nhiều bài văn nói lên thảm trạng của đất nước, mưu độc cướp nước diệt chủng của giặc để dư luận thế giới biết và bênh vực mình. Mặt khác nên cổ động cho nhiều thanh niên xuất dương du học để chấn hưng dân khí, mở mang dân trí, chờ thời cơ. Phan tâm sự: "Nghe Lương nói, óc tôi mở rộng, mắt tôi sáng ra, nghĩ lại những tư tưởng cũng như hoạt động của tôi trước kia thật là lông bông, không có điều gì khả thủ" [10, 58]. Sau này, chính Phan Bội Châu đã thừa nhận, do trao đổi ý kiến với nhiều đảng viên đảng cách mạng Trung Quốc nên ngày càng thấm nhuần tư tưởng dân chủ, tuy chưa mạnh dạn phát biểu nhưng trong lòng đã bắt đầu có ý muốn thay đổi. Cách mạng Tân Hợi năm 1911 thắng lợi, Phan Bội Châu yên tâm từ bỏ tư tưởng quân chủ lập hiến, kêu gọi nhân dân gương cao ngọn cờ dân chủ cộng hoà.

Sau khi bị chính phủ Nhật Bản trục xuất, hoạt động của những nhà yêu nước Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn. Lúc này, Quảng Châu có sức hút mạnh mẽ với thanh niên yêu nước Việt Nam. Hơn 100 anh em từ trong nước, hoặc từ Thái Lan, hoặc từ các nơi khác ở Trung Quốc đã kéo đến

Quảng Đông chia nhau ở nhà bà Chu Bá Linh và nhà Lưu Vĩnh Phúc. Tại nhà Lưu Vĩnh Phúc, Phan Bội Châu đã mở hội nghị toàn thể tuyên bố giải tán Duy Tân hội, thành lập Việt Nam Quang phục hội với tôn chỉ: đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước cộng hoà dân quốc Việt Nam.

Trong cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống âm mưu thôn tính toàn bộ nước ta của thực dân Pháp, quân Cờ đen của tướng Lưu Vĩnh Phúc đã góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn và làm chậm bước tiến xâm lược của thực dân Pháp. Ngày 21-12-1873, quân Cờ đen đã phối hợp cùng với nhân dân Bắc Kỳ tiêu diệt đội quân của Gácniê và giết chết tên tướng này. Sau đó, năm 1883 đội quân của ông lại cùng nhân dân ta tiêu diệt gần 100 tên Pháp trong đó có tướng Henri Riviere. Trong Niên biểu, Phan Bội Châu đã viết về Lưu Vĩnh Phúc: "Lúc giặc Pháp hai lần tấn công Hà Nội, nếu không có đám quân ông thì ta không có một giọt máu nào để rửa cổ giặc, xét ra ông cũng là một anh hùng".

1.2.1.2. Tình hữu nghị của nhân dân ta dành cho cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc

Trước tình cảnh bị các liệt cường xâu xé, tranh giành quyền lợi, khai thác tài nguyên của Trung Quốc, nhân dân ta cũng có mối đồng cảm sâu sắc. Trong cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc, nhân dân Việt Nam từ các chí sĩ yêu nước cho đến những người dân bình thường đều ủng hộ, làm nhiều việc để giúp đỡ, cổ vũ.

"Việt Nam thay vì dùng Trung Quốc như một căn cứ địa cho cuộc cách mạng, lại trở thành căn cứ địa cho cuộc cách mạng Trung Quốc vào những năm 1907, 1908" [3, 27]. Từ năm 1900 đến năm 1908, Tôn Trung Sơn đã 5 lần đến Việt Nam tiến hành hoạt động và ở nước ta trong khoảng năm. Trong thời gian này, Tôn Trung Sơn đã đến nhiều nơi, tiếp xúc rộng

rãi với Hoa kiều, tuyên truyền cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước của Hoa kiều. Năm 1907, ông đã quyết định đặt cơ quan Tổng bộ Đồng Minh hội tại Hà Nội để trực tiếp chỉ huy kế hoạch quân sự của ba tỉnh Việt - Quế - Điền (tức Quảng Đông - Quảng Tây - Vân Nam) vì lúc bấy giờ Đồng Minh hội chủ trương phải tấn công vũ trang cướp chính quyền ở ba tỉnh này.

Các cán bộ và hội viên Đồng Minh hội ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn đã ủng hộ quân cách mạng bằng đủ mọi cách. "Có người đã mở quán hàng bán đậu phụ, rau để lấy tiền ủng hộ mặt trận, có thương nhân rút tiền cổ phần trong "Đông Dương ngân hàng" để ủng hộ, có người thì đi quyên góp trong bà con Hoa kiều và cả trong nhân dân Việt Nam để ủng hộ quân cách mạng" [9, 231]. Cùng với Hoa kiều, nhân dân ta cũng nhiệt tình hưởng ứng, coi việc quyên góp cho cách mạng là một việc nghĩa.

Tôn Trung Sơn đã lấy Việt Nam làm cơ sở để phát động và chỉ huy mấy cuộc khởi nghĩa vũ trang. Trận đánh Trấn Nam Quan tháng 10-1907 thất bại, quân cách mạng phải rút về địa phận Việt Nam, đóng quân ở dãy núi Con én chờ thời cơ hành động. Lúc này, lương thực trở thành vấn đề lớn, nhân dân ta đã tìm mọi cách để giúp đỡ khiến đội quân này qua một thời gian nghỉ ngơi, 5 tháng sau lại xuất quân đánh Hà Khẩu.

Bên cạnh những đóng góp của nhân dân ta thì phong trào cách mạng Việt Nam cũng có những đóng góp tích cực trong việc ủng hộ cách mạng Trung Quốc.

Trong thời gian hoạt động ở Nhật Bản, ngoài hoạt động cho Duy Tân hội, Phan Bội Châu còn là uỷ viên biên tập phụ trách mục xã thuyết của Vân Nam tạp chí, tờ báo của lưu học sinh Vân Nam ở Đông Kinh (tức Tôkyô). Những bài viết của Phan Bội Châu như Những dòng chép sau khi đọc lời nói đầu, Chính sách thôn tính Trung Quốc của Nhật Bản được các chí sĩ Trung Quốc đánh giá rất cao và cũng có tác dụng nhất định trong

việc thức tỉnh nhân dân Trung Quốc về cái hoạ mất nước, bày tỏ đồng cảm với tình cảnh của nhân dân Trung Quốc. Ngoài ra, tác phẩm văn thơ của các chí sĩ Việt Nam khác như Nguyễn Thượng Hiền cũng đã góp phần tuyên truyền tư tưởng yêu nước, căm thù giặc, tư tưởng dân tộc, dân quyền, dân sinh của Trung Quốc.

Sau khi sang Nhật, biết rõ không thể dựa vào Nhật nên Phan Bội Châu đã chuyển hướng sang Trung Quốc và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Phan Bội Châu cùng một số người Nhật, Trung Quốc, Triều Tiên… thành lập Hội Đông á đồng minh vào tháng 11-1908. Đồng thời, ông liên lạc với lưu học sinh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam lập Hội liên minh Điền - Quế - Việt. Mặc dù Hội Đông á đồng minh chỉ tồn tại trong 5 tháng và Hội liên minh Điền - Quế - Việt chỉ tồn tại trong 3 tháng nhưng nó đã thể hiện ý thức đoàn kết với Trung Quốc để cùng đấu tranh chống kẻ thù chung của Phan Bội Châu.

Phan Bội Châu cũng có đóng góp thiết thực cho cách mạng Trung Quốc, đó là việc ông đã tặng 500 khẩu súng mua bằng số tiền 2500 đồng từ trong nước gửi ra cho quân cách mạng Trung Quốc khi chuẩn bị tập kích hạ thành Quảng Đông. Ngoài ra, một số hội viên Duy Tân hội sau khi phong trào Đông Du bị giải tán đã tiếp tục hoạt động và học tập ở Trung Quốc, nhiều người tham gia quân đội cách mạng của phái cách mạng, tiêu biểu là Nguyễn Quỳnh Lâm.

Kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta cho đến những năm 20 của thế kỷ XX, cùng với những cuộc khởi nghĩa chống Pháp liên tiếp nổ ra thì hoạt động của các chí sĩ yêu nước cũng hết sức sôi nổi. Trong giai đoạn này, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước càng phát triển, các nhà cách mạng của hai dân tộc đã gắn bó, sát cánh bên nhau. Họ đã nhận thức được mục tiêu đấu tranh chung là thực dân, đế quốc, nhận thức được tầm quan trọng và sức mạnh của đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức. Vì thế, hoạt

động của họ không chỉ nhằm mục đích đấu tranh cho dân tộc mình mà còn luôn nghĩ đến nước láng giềng đồng cảnh. Từ thập kỷ 20 đến năm 1945 của thế kỷ XX, sau khi ĐCS Trung Quốc ra đời và những nhà cách mạng tiếp thu chủ nghĩa Mác của Việt Nam, sau này là ĐCS Việt Nam đã nắm lấy sứ mệnh lịch sử thì quan hệ giữa hai nước, cách mạng hai nước càng gắn bó hơn. Tình hữu nghị Việt - Trung vì thế cũng sâu sắc và lan toả hơn.

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)