Quan hệ giáo dục, văn hoá

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 90 - 100)

Quan hệ việ t trung từ năm 1950 đến năm

3.2.4. Quan hệ giáo dục, văn hoá

Cùng với sự phát triển của các lĩnh vực hợp tác, quan hệ giáo dục, văn hoá giữa hai nước trong giai đoạn này cũng được Đảng và Nhà nước ta chú trọng và có phát triển bước đầu.

Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng, Chính phủ đã tính đến việc mở những lớp đào tạo cán bộ trong và sau chiến tranh cho các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, thương nghiệp… đặc biệt là đào tạo cán bộ ở nước ngoài. Ngay từ sau cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề gửi sinh viên đi học ở Mỹ. Tuy nhiên trong hoàn cảnh lúc đó, nguyện vọng này chưa thể thực hiện được. Đến năm 1949, Chính phủ lại đặt vấn đề tuyển chọn những thanh niên xuất sắc để cử đi học ở nước ngoài. Hàng loạt người đã được tuyển chọn, tập trung về Việt Bắc, nhưng lúc đó cũng chưa có nơi nhận. Năm 1950, nước ta đã cử một số cán bộ trẻ đi học ngoại ngữ và nghiệp vụ ngoại giao ở Trung Quốc. Đây là lớp cán bộ đầu tiên được gửi đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài, sau này trở thành những cán bộ cốt cán của Bộ Ngoại giao. Sang năm 1951, một số nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô, bắt đầu tiếp nhận du học sinh Việt Nam. Lúc này Chính phủ cũng đặt vấn đề với Trung Quốc về việc mở một trường đào tạo ở ngay bên kia biên giới. Giải pháp này khiến một lúc có thể giải quyết được cả hai vấn đề lớn cần thiết lúc bấy giờ đó là: đào tạo ngay một số lượng lớn cán bộ đang rất cần cho sự nghiệp kiến quốc và giảm nhẹ khó khăn trong việc nuôi dưỡng du học sinh ở những nước quá xa. Trên tinh thần đó, năm 1951, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận mở 2 cơ sở đào tạo lớn cho Việt Nam đó là Khu học xá ở Nam Ninh và Trường thiếu sinh quân ở Lư Sơn, sau chuyển về Quế Lâm. Đến năm 1955, hai trường này mới chuyển về Việt Nam.

Khu học xá Nam Ninh là một cơ sở đào tạo lớn và đa dạng, chính thức nhập học từ 1-1-1952. ở đây có nhiều ngành đạo tạo mà về sau này, khi hoà

bình lập lại đã làm nên bộ khung của hệ thống các trường đại học trong nước. Đó là trường dự bị đại học với 200 học sinh đã tốt nghiệp lớp 9 phổ thông trong nước; trường khoa học cơ bản có 102 học sinh, bộ khung chính của trường này là tiền thân của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau này; trường Sư phạm cao cấp cơ bản với 27 người, tiền thân của Trường Đại học Sư phạm I và II sau này; trường Đại học Y khoa đào tạo các bác sĩ phục vụ kháng chiến, sau này Chính phủ đã dựa trên bộ khung của trường này để xây dựng trường Đại học Y dược Hà Nội. Trường sư phạm trung cấp với 1400 học sinh đào tạo giáo viên cho các trường trung học trong nước. Trường sư phạm sơ cấp với 500 học sinh đào tạo giáo viên cấp I, phục vụ cho nhu cầu học tiếp của dân sau khi đã xoá nạn mù chữ.

Được sự giúp đỡ tận tình của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, trường thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm chính thức thành lập ngày 9-7-1953. Trường chủ yếu đảm đương việc nuôi dưỡng và giáo dục con em của các cán bộ trong nước, các liệt sĩ… những người không có điều kiện lo toan cho gia đình, con cái. Ban đầu ngôi trường đặt ở Lư Sơn, Giang Tây nhưng do khí hậu ở đây lạnh, không phù hợp với thiếu nhi Việt Nam. Do đó, 6 tháng sau trường chuyển về Quế Lâm. Tại đây, dưới sự chăm sóc trực tiếp của các thày cô giáo Trung Quốc và Việt Nam, học sinh Việt Nam được hưởng nền giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mỹ - lao động, học hành thống nhất. Các em được chăm sóc đặc biệt, ăn uống đầy đủ, mùa đông được cấp thêm quần áo, mũ, tất và giày bông. Tuy chỉ tồn tại trong 5 năm nhưng ngôi trường Lư Sơn - Quế Lâm đã có công lớn trong việc giáo dục đào tạo ngay từ buổi ấu thơ một lớp người mà sau này nhiều người đã trở thành cán bộ cốt cán của Đảng và Nhà nước ta.

Bên cạnh đó, các cố vấn Trung Quốc cũng tham gia giảng dạy cho học sinh Việt Nam. Cố vấn kế toán Trung Quốc như Lưu cố vấn (thương nghiệp), Vương cố vấn (ngân hàng), Triệu cố vấn và sau đó Tiết cố vấn (tài

chính) đã từng giảng dạy tại trường Kinh tế - Tài chính trung ương thành lập năm 1953 tại Việt Bắc.

Về phim ảnh, từ năm 1951-1952 mới bắt đầu được chiếu tại các vùng kháng chiến. Trong điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, phim ảnh lúc đó là món ăn tinh thần quý giá nhất. Ngoài các phim của Liên Xô như Lửa căm hờn, Chiến công anh tình báo, của Hung-ga-ri như Anh Jo và chị Marina, thì những bộ phim Bạch mao nữ, Cờ hồng trên núi Thuý, Tám nữ anh hùng được chiếu ở nước ta. Đặc biệt bộ phim Bạch mao nữ đã được chiếu rộng rãi trong những vùng phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Riêng trong năm 1953, ở 6 tỉnh Việt Bắc đã có tới trên 36 vạn lượt người xem. Ngoài phim truyện còn có một số phim thời sự, giới thiệu về chiến tranh giải phóng của Trung Quốc, về Hồng quân Trung Hoa vượt sông Dương Tử. Những bộ phim này không chỉ góp phần làm phong phú đời sống của nhân dân ta mà còn làm cho nhân dân ta hiểu hơn về Trung Quốc, khích lệ tinh thần, thêm tin tưởng vào cuộc kháng chiến cũng như công cuộc xây dựng CHXH ở miền Bắc nhất định thành công.

Việt Nam kháng chiến, bộ phim đầu tiên về cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi của nhân dân ta, là kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các nghệ sĩ Việt Nam cùng với Đoàn nghệ sĩ Trung Quốc và trưởng đoàn Xướng Hạc Linh nhiệt tình, tận tuỵ làm việc trong 7 tháng để xây dựng nên bộ phim này. Vì vậy, “Việt Nam kháng chiến” không những là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị phục vụ công cuộc bảo vệ hoà bình mà còn là kết quả quý báu của mối tình thắm thiết giữa hai dân tộc Việt - Hoa. Bộ phim đã được Đại hội điện ảnh quốc tế ở Tiệp Khắc trao giải thưởng “Nhân dân lao động đấu tranh bảo vệ hoà bình”. Bộ phim được chiếu các thành phố lớn của Trung Quốc, góp phần làm cho nhân dân hiểu hơn về cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Quan hệ Việt - Trung từ 1950-1954 mở đầu bằng việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện này diễn ra khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mới ra đời chưa được các nước trên thế giới công nhận và chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược trong thế không cân sức. Vì thế, nó có ý nghĩa vô cùng to lớn. Từ đây, quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn phát triển mới và cũng từ đây, sau 4 năm chiến đấu trong vòng vây, nhân dân ta đã có sự ủng hộ và giúp đỡ của Chính phủ và gần 500 triệu nhân dân Trung Quốc.

Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước có những nét nổi bật sau:

Mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước trở nên công khai, chính thức. Đảng, Chính phủ hai nước thường xuyên quan tâm đến những sự kiện trọng đại của mỗi bên. Các đoàn đại biểu của hai nước thăm hỏi lẫn nhau ngày càng nhiều.

Chính phủ và nhân dân Trung Quốc ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Trung Quốc không chỉ viện trợ cho nước ta về vật chất như vũ khí, lương thực, thuốc men, quần áo mà còn cử đoàn cố vấn chính trị, đoàn cố vấn quân sự trực tiếp sát cánh cùng chiến đấu với nhân dân ta. Sự giúp đỡ thiết thực này đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của từng chiến dịch cũng như thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong Hội nghị Giơnevơ, đoàn đại biểu Trung Quốc đứng về phía Việt Nam, có đóng góp tích cực cho việc ký kết hiệp định đình chiến, lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Quan hệ kinh tế thương mại cũng như các lĩnh vực khác bước vào giai đoạn phát triển mới sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã có quan hệ thương mại trong lúc thực dân Pháp đang thực hiện chính sách phong toả vùng giải phóng của Việt Nam. Trung Quốc là nước đầu

tiên có quan hệ thương mại với Việt Nam, cũng là nước duy nhất buôn bán với nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ngoài chính trị, kinh tế, quan hệ giáo dục và văn hoá giữa hai nước đã được triển khai, góp phần tích cực vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đi vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn.

Kết luận

Nếu đặt quan hệ Việt - Trung giai đoạn 1945-1954 trong toàn bộ lịch sử quan hệ hiện đại giữa hai nước thì có thể coi đây vừa là giai đoạn khởi đầu, vừa là giai đoạn tốt đẹp nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi quan hệ giai đoạn này là “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, còn các học giả phương Tây gọi đây là “thời kỳ trăng mật của quan hệ Việt - Trung”.

Quan hệ Việt - Trung giai đoạn 1945-1954 là sự kế thừa và phát huy truyền thống hữu nghị vốn có lâu đời giữa nhân dân hai nước. Ngay cả khi hai nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, Đảng và nhân dân hai nước vẫn luôn quan tâm, đồng tình và ủng hộ lẫn nhau.

Quan hệ Việt - Trung giai đoạn này cũng là sự thể hiện một cách rõ nét, sinh động tinh thần quốc tế vô sản của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việt Nam đã coi việc giúp Trung Quốc như tự giúp mình, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đã làm nhiều việc có ý nghĩa cho cuộc chiến đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khi bản thân đang gặp muôn vàn khó khăn và rất cần được sự giúp đỡ từ bên ngoài. Điều này đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đánh giá rất cao. Chủ tịch Mao Trạch Đông gặp gỡ đoàn cố vấn quân sự trước khi sang giúp Việt Nam đã nói: “Cách mạng Trung Quốc đã thắng lợi, nhân dân ta đã được giải phóng, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn còn chịu đau khổ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, mọi người không nên chỉ đồng tình với họ mà còn phải đưa tay ra giúp đỡ họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất nhiều người Việt Nam đã từng tham gia và giúp đỡ cuộc đấu tranh cách mạng của Trung Quốc, có người đã đổ máu hi sinh. Bây giờ chúng ta viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Pháp của họ là điều hoàn toàn nên làm” [43,55]. Còn Trung Quốc với gần 500 triệu dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã thực

sự trở thành điểm tựa tinh thần vững chãi của nhân dân ta. Hơn nữa, Trung Quốc còn là cầu nối để viện trợ của các nước XHCN khác đến với nước ta. Sự thay đổi về môi trường quốc tế, sự ủng hộ, viện trợ của Trung Quốc và các nước sau năm 1950 là một trong những nhân tố góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh ở nước ta, giúp chúng ta nhanh chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” phát triển phù hợp với hoàn cảnh, yêu cầu của mỗi nước, có nguồn gốc sâu xa từ sự đồng cảm, cùng cảnh ngộ. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp thì Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang trong cuộc nội chiến với Quốc Dân đảng. Khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chưa được các nước trên thế giới công nhận thì nước Trung Quốc mới cũng cần có nhiều đồng minh, cũng cần khẳng định vai trò cường quốc của mình. Việt Nam cần viện trợ, giúp đỡ trong kháng chiến chống Pháp còn Trung Quốc muốn một môi trường quốc tế ổn định để phát triển kinh tế đất nước. Vì thế, hai nước, hai Đảng đã xích lại gần nhau, ủng hộ lẫn nhau, điều này vừa có lợi cho mỗi nước, vừa có lợi cho việc củng cố mặt trận XHCN thế giới.

Quan hệ Việt - Trung giai đoạn này phát triển tốt đẹp như vậy cũng một phần do ảnh hưởng của quan hệ quốc tế. Thời kỳ này, cục diện hai cực đã bắt đầu hình thành và củng cố. Liên Xô và Trung Quốc sát cánh bên nhau trong cuộc đối đầu với các nước tư bản mà đứng đầu là Mỹ. Đường lối ngoại giao của Trung Quốc lúc đó là “bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; ủng hộ hoà bình lâu dài trên thế giới và sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân các nước, phản đối chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc”. Phương châm ngoại giao của Trung Quốc là “nhất biên đảo” (ngả về một bên; Trung Quốc ngả về mặt trận hoà bình, dân chủ do Liên Xô đứng đầu). Vì thế, quan hệ giữa hai

nước đứng đầu phe XHCN là Liên Xô và Trung Quốc rất tốt đẹp, chưa có dấu hiệu rạn nứt. Điều này có ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển của quan hệ Việt - Trung giai đoạn này.

Sẽ là một thiếu xót nếu nói về quan hệ Việt - Trung giai đoạn 1945- 1954 mà không nhắc đến đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn coi trọng truyền thống hữu nghị lâu đời và đánh giá đúng tầm quan trọng của quan hệ Việt - Trung cũng như nước láng giềng khổng lồ ở phía Bắc này. Ngay khi hai nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt giữ quan hệ tốt với chính quyền Trung Hoa dân quốc, một mặt hết sức ủng hộ, tự nguyện giúp đỡ cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao thì mối quan tâm của Hồ Chí Minh đến Trung Quốc càng lớn hơn. Người trở thành một cầu nối để quan hệ hai Đảng Cộng sản trở nên gắn kết, hai nước như anh em. Người coi Hoa kiều sinh sống trên đất nước Việt Nam như đồng bào mình, như anh em, cốt nhục của dân tộc Việt Nam, có niềm vui cũng chia sẻ, có khổ cũng cảm thông. Nước Việt Nam độc lập, Hồ Chủ tịch viết ngay thư cho Hoa kiều, hoan nghênh họ cùng nhân dân Việt Nam chung sức xây dựng đất nước. Khi toàn quốc kháng chiến, Người lại viết thư cho Hoa kiều, bày tỏ nỗi cảm thông với cảnh Hoa kiều bị Pháp giết chóc, đốt nhà cửa, khẳng định bảo vệ tài sản, tính mạng cho họ. Những việc làm, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Trung Quốc, đối với Hoa kiều đã góp phần tô đậm tình đồng chí, tình anh em giữa hai nước trong giai đoạn này. Bức điện chia buồn của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi cho Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì chủ nghĩa quốc tế vô sản, tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản, nhân dân và các dân tộc bị áp bức của các nước. Trong những ngày nhân dân Trung Quốc

tiến hành đấu tranh cách mạng dân tộc, dân chủ, Người đã nhiều lần đến Trung Quốc, cùng nhân dân Trung Quốc chịu đựng gian khổ, kề vai chiến đấu, đã kết tình giai cấp vô sản sâu sắc với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 90 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)