Nghĩa của việc thiết lập quan hệ ngoại giao

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 68)

Quan hệ việ t trung từ năm 1950 đến năm

3.1.3. nghĩa của việc thiết lập quan hệ ngoại giao

Thiết lập quan hệ ngoại giao là một sự kiện lớn trong quan hệ hai nước. Trong thời kỳ 1945-1949, hai Đảng, hai nước đã có quan hệ gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau nhưng quan hệ này chưa chính thức và chưa công khai và chưa phát triển toàn diện. Từ đây, quan hệ hai Đảng, hai nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, có điều kiện để ủng hộ và giúp đỡ nhau một cách công khai, thiết thực hơn. Sự kiện này càng có ý nghĩa đối với nước ta khi cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn, bị phong toả bốn bề và cần sự cổ vũ cả về vật chất, tinh thần.

Với sự công nhận của Trung Quốc và sau này là Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, nước ta bắt đầu có địa vị trên trường quốc tế, làm thay đổi môi trường quốc tế của nước ta. Từ đây, Đảng Cộng sản Đông Dương xác định Việt Nam là tiền đồn của phòng tuyến chống đế quốc ở Đông Nam á; cuộc kháng chiến của chúng ta là một bộ phận khăng khít trong cuộc đấu tranh của các nước dân chủ thế giới. Đánh giá thắng lợi ngoại giao đầu năm 1950, trong lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám ngày 19-8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mấy năm kháng chiến đã đưa lại cho nước ta một cuộc thắng lợi to nhất trong lịch sử Việt Nam, tức là hai nước lớn trên thế giới - Liên Xô và Trung Quốc dân chủ và các nước dân chủ mới đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà là một nước ngang hàng trong đại gia đình dân chủ thế giới. Nghĩa là ta đã đứng hẳn về phe dân chủ và nhập vào khối 800 triệu nhân dân chống đế

quốc. Chắc rằng cuộc thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này” [23, 81].

Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, tăng thêm niềm tin vào cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi bởi từ nay chúng ta không còn chiến đấu trong vòng vây. Cuộc kháng chiến của chúng ta đã có sự cổ vũ, hỗ trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, của gần 500 triệu nhân dân Trung Quốc. Ngày 27-1-1950 Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám trả lời phỏng vấn của Đài tiếng nói Việt Nam nói: “Hiện nay chúng tôi đã có một người bạn láng giềng tốt. Sự xuất hiện của người bạn này sẽ cổ vũ rất lớn cho quân và dân chúng tôi” [43,25]. Ngày 9- 2-1950, chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về việc Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân thừa nhận Chính phủ ta cũng coi sự kiện này là “một thắng lợi về chính trị của ta và cũng là một việc rất trọng yếu trong lịch sử nước ta. Nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc kháng chiến hiện thời”. Thắng lợi chính trị này khiến nhân dân ta vô cùng phấn khởi, hoạt động chúc mừng diễn ra khắp nơi. Các báo đều đăng xã luận, bình luận và chúc mừng. Nhân dịp này Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về các hoạt động như việc vận động nhân dân hoan nghênh Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, Liên Xô, giới thiệu với nhân dân ta tình hình chung về mọi mặt của Trung Quốc, Liên Xô; dùng mọi hình thức tuyên truyền cổ động như ra sách báo đặc biệt, tổ chức các buổi phát thanh riêng và các cuộc mít tinh. Các tổ chức của nước ta như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam, Hội liên hiệp nông dân Việt Nam đều gửi điện tới Trung Quốc, nhiệt liệt chúc mừng hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cũng có ý nghĩa to lớn về mặt vật chất bởi từ đây cuộc kháng chiến chống Pháp của ta sẽ nhận được sự giúp đỡ thiết thực của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, đồng thời

Trung Quốc cũng trở thành cầu nối để viện trợ của các nước XHCN khác đến nước ta. Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc, bàn với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề viện trợ Việt Nam kháng chiến. Trung Quốc đã trở thành nước đầu tiên viện trợ cho Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã dành được thắng lợi cuối cùng có một phần đóng góp không nhỏ của những viện trợ này.

Việc Trung Quốc công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta cũng như những thắng lợi về ngoại giao đầu năm 1950 đã tạo nên bầu không khí nô nức chiến đấu trong quân và dân ta. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cũng kịp thời uốn nắn, khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ ngoại viện, đòi hỏi tăng cường, phát huy tính chủ động, tự lực cánh sinh. Một trong những việc cần làm ngay mà Nghị quyết của Thường vụ Trung ương đưa ra ngày 4-2-1950 nhân việc các nước công nhận nước ta là “có một kế hoạch tuyên truyền cổ động có hệ thống để động viên tinh thần nhân dân, chống các phần tử lo sợ, đồng thời cũng chống tinh thần tếu, ỷ lại” [22, 222]. Từ Trung Quốc trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi phải do sự nỗ lực của chính bản thân ta quyết định” [11, 414]. Hội nghị Trung ương tháng 3-1951 một lần nữa xác định cuộc đấu tranh của nhân dân ta là cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ và tự lực cánh sinh là chính. Nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám và ngày độc lập, ngày 2-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Nhân dân, bộ đội và cán bộ thấm nhuần tư tưởng: kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ, gian khổ và phải tự lực cánh sinh” [23, 552].

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)