Để phát triển bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên khác cũng phải quản lý một cách thống nhất theo lưu vực sông. Trong phương pháp quản lý này sẽ lấy lưu vực sông làm cơ sở và xem đó là một hệ thống thống nhất trong đó có những tác động qua lại giữa nước, đất và môi trường. Phương pháp này cũng nhằm quản lý lưu vực sông như một thực thể với những mục đích bảo vệ toàn bộ năng suất của các nguồn tài nguyên trong một thời gian lâu dài, đồng thời bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường của lưu vực sông. Vì thế, “quản lý theo lưu vực sông” nếu gọi một cách đầy đủ sẽ là “quản lý tổng hợp lưu vực sông”.
Để thực hiện quản lý theo lưu vực sông thì điều trước tiên phải thành lập trên lưu vực sông một cơ quan quản lý lưu vực sông và xác định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức phù hợp với yêu cầu quản lý của lưu vực.
Mô hình quản lý tổng hợp lưu vực sông Đà hướng tới việc thành lập Tổ chức lưu vực sông Đà không phụ thuộc Ban quản lý quy hoạch lưu vực sông Hồng, theo cách tiếp cận từ dưới lên với các lý do:
Một là, lưu vực sông Đà chỉ phụ thuộc vào lưu vực sông Hồng về mặt địa lý, không phụ thuộc về mặt hành chính (không có cấp vùng trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước). Tuy vậy, với nhiệm vụ được quy định, Ban quản lý quy hoạch lưu vực sông Hồng có ảnh hưởng (chi phối) nhất định đến Tổ chức lưu vực sông Đà về chuyên môn kỹ thuật và thực hiện phối hợp với Tổ chức này như với các cơ quan có liên quan khác trên toàn lưu vực sông Hồng. Như vậy, mỗi lưu vực sông nhánh trong lưu vực sông Hồng là một đơn vị phối hợp (không phải đơn vị trực thuộc), bao gồm phối hợp trong việc điều tra cơ bản về tài nguyên, trong việc lập và theo dõi quy hoạch lưu vực sông nhánh thuộc hệ thống sông Hồng.
Hai là, mỗi lưu vực sông, dù sông chính hay sông nhánh, đều có những đặc thù và những vấn đề quan tâm riêng. Với những đặc thù mang tính lợi thế của sông Đà như đã phân tích ở phần trên về vai trò, vị trí phát triển kinh tế - xã hội của lưu vực đối với Tây Bắc và toàn quốc; về tiềm năng và những tác động của bậc thang thuỷ điện; về sự suy giảm tài nguyên và môi trường lưu vực; về những mâu thuẫn xung đột trong khai thác và sử dụng nước; những vấn đề nhạy cảm về xã hội, an ninh quốc phòng... lưu vực sông Đà cần có một tổ chức quản lý lưu vực độc lập nhằm phát huy cao nhất những lợi thế, hạn chế những tác động tiêu cực, những rủi ro trong quá trình phát triển.
Ba là, đối với những hệ thống sông có các lưu vực sông nhánh lớn như hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình thì việc tổ chức quản lý theo các lưu
vực sông nhánh là phù hợp, bảo đảm cho việc quản lý được sâu sát và linh hoạt.
Trên cơ sở những luận giải trên; với đặc điểm quản lý theo lưu vực sông rất mới mẻ, còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh, mô hình quản lý lưu vực sông Đà được đề xuất như sau:
Cơ cấu tổ chức
Tổ chức quản lý lưu vực sông Đà gồm có:
- Hội đồng lưu vực sông là cơ quan có chức năng chỉ đạo, phối hợp, lồng ghép, thúc đẩy các hoạt động, các dự án liên quan đến tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trong lưu vực sông;
Hội đồng lưu vực sông Đà gồm lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh có lãnh thổ nằm trong lưu vực sông, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành có liên quan khác và các đơn vị quản lý công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có quy mô lớn (nếu có) trong lưu vực sông. Một lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong lưu vực sông làm Chủ tịch Hội đồng theo hình thức luân phiên nhau giữa các tỉnh có nguồn nước chung của lưu vực với nhiệm kỳ 2 năm;
- Ban quản lý lưu vực sông: Ban quản lý lưu vực sông Đà là cơ quan trực tiếp giúp việc Hội đồng lưu vực sông. Ban quản lý lưu vực sông là đơn vị sự nghiệp của cơ quan quản lý chuyên ngành tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập
Chức năng và nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông Đà:
- Hội đồng lưu vực sông có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Chỉ đạo việc tổ chức lập quy hoạch lưu vực sông trình cấp có thẩm quyền
b) Theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch lưu vực sông của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân; chủ trì phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch lưu vực sông;
c) Điều hoà việc chia sẻ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường lưu vực sông, hoà giải hoặc đề xuất giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước trong lưu vực sông;
d) Vận động thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên trên lưu vực phòng, chống và giảm thiểu tác hại do nước gây ra trong lưu vực sông.
- Ban quản lý lưu vực sông có các nhiệm vụ
a) Tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội đồng lưu vực sông;
b) Tổ chức điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, quan trắc và phân tích môi trường có liên quan đến tài nguyên nước, phục hồi và cải thiện môi trường lưu vực sông;
c) Xây dựng cơ sở dữ liệu, danh bạ dữ liệu tài nguyên nước và dữ liệu về môi trường có liên quan đến tài nguyên nước trong lưu vực sông;
d) Báo cáo Hội đồng lưu vực sông về tình hình thực hiện quy hoạch lưu vực sông, tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, công tác kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, hiện trạng môi trường có liên quan đến tài nguyên nước; việc trao đổi thông tin, dữ liệu tài nguyên nước và dữ liệu môi trường có liên quan đến tài nguyên nước trong lưu vực sông.
Phương thức hoạt động
Thảo luận và đồng thuận là phương thức hoạt động chủ yếu. Phương thức này ràng buộc các bên liên quan (đại diện các trách nhiệm và các quyền lợi) trên lưu vực với nhau bằng những quy định vừa có tính pháp lý vừa có
tính thoả hiệp do chính họ định đoạt trên các nguyên tắc cùng có lợi, hướng tới phát triển bền vững.
Trên đây là những định hướng chủ yếu cho mô hình quản lý lưu vực sông Đà. Tuy còn nhiều điều cần phải bàn bạc, song mô hình có một số ưu điểm sau:
Mô hình tổ chức lưu vực sông Đà, được coi là giải pháp "...bảo đảm quản lý thống nhất quy hoạch lưu vực với địa bàn hành chính" và "...bảo đảm tính hệ thống của lưu vực sông, không chia cắt theo địa giới hành chính", mục tiêu quan trọng mà Luật Tài nguyên nước đề ra.
Hoạt động của mô hình này tạo điều kiện để lồng ghép các mối quan tâm về tài nguyên và môi trường vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, của từng ngành ở cấp lưu vực sông. Các dự án phát triển khác cũng được kiểm soát tốt hơn, hướng vào việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trên lưu vực và hạn chế những tác động bất lợi đến tài nguyên, môi trường của lưu vực.
Mô hình này có thẩm quyền quản lý nhà nước trên lưu vực đủ mạnh để thực thi các quyết định (đồng thuận) của Hội đồng phối hợp thành mệnh lệnh hành chính xuyên suốt các tỉnh trong lưu vực sông Đà. Như vậy, địa bàn quyền lực của tỉnh được mở rộng trên phạm vi toàn lưu vực với sự cộng tác của các tỉnh trong một hành động thống nhất; thực chất là quyền lực hoá Tổ chức lưu vực sông Đà thông qua chức năng quản lý nhà nước của các địa bàn hành chính (tỉnh, huyện) trong lưu vực để thực thi các cam kết và xử lý các vi phạm quy hoạch hoặc các cam kết đã được thống nhất.
Thông qua hoạt động của Tổ chức lưu vực sông Đà, tất cả các hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên được xem xét và xử lý một cách thống nhất và nhanh chóng, không phải thông qua bất cứ một cơ chế phối hợp phức tạp nào mà các cấp quản lý theo địa giới hành chính thường gặp phải
Sơ đồ tổ chức lưu vực sông Đà
CHÍNH PHỦ
HỘI ĐỒNG LƯU VỰC SÔNG ĐÀ:
Thành viên:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công nghiệp
- Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Thủy sản
- Bộ Giao thông
- Ủy ban nhân dân các tỉnh Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên
BAN QUẢN LÝ LƯU VỰC SÔNG ĐÀ
Phòng điều tra cơ bản Phòng quản lý dữ liệu Phòng Bảo vệ môi trường Phòng Quy hoạch Phòng Chính sách Phòng Quản lý khai thác, sử dụng và Điều hòa phân phối Phòng
Hợp tác quốc tế
KẾT LUẬN
Trong bối cảnh của nước ta, việc xây dựng các mô hình quản lý tổng hợp lưu vực sông là hoàn toàn phù hợp với tiến trình phát triển thế giới, tuy nhiên tuỳ từng hoàn cảnh và điều kiện của từng quốc gia mà các tổ chức lưu vực sông có hình thức tổ chức khác nhau. Thông qua việc nghiên cứu và đề xuất xây dựng mô hình quản lý tổng hợp lưu vực sông Đà như đã nêu trong luận văn, tôi thấy rằng để xây dựng tổ chức quản lý tổng hợp lưu vực sông phù hợp ở Việt Nam cần đáp ứng những yêu cầu sau:
- Nhiệm vụ của TCLVS không được trùng lặp với nhiệm vụ của các tổ chức khác trên lưu vực sông, đặc biệt là nhiệm vụ quản lý nước của hệ thống quản lý nước hiện hành của các tỉnh trên lưu vực.
- TCLVS cần có cơ chế phù hợp để có thể phối hợp hoạt động với các cơ quan và tổ chức khác trong quản lý nước, đất và môi trường. Việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong phạm vi lưu vực phải được sự thống nhất tất cả các bên liên quan đến quản lý nước và môi trường đặc biệt có sự tham gia của cộng đồng.
- Việc lập, trình duyệt và theo dõi thực hiện quy hoạch lưu vực sông là một trong những chức năng cần có của các TCLVS trên thế giới kể cả ở nước ta. TCLVS là tổ chức phù hợp nhất đảm nhiệm công tác quy hoạch lưu vực sông để xác định các chính sách và chiến lược thực hiện quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên nước, đất và các tài nguyên môi trường liên quan khác, quản lý và bảo vệ lưu vực sông.
- Tài nguyên nước phải được quản lý theo đơn vị lưu vực sông và TCLVS chịu trách nhiệm quản lý nước, giải quyết các vấn đề về quản lý nguồn nước trên toàn bộ lưu vực sông cả số lượng và chất lượng
- Các TCLVS ở nước ta không nên tham gia vào các hoạt động quản lý khai thác và sử dụng nước của hệ thống quản lý nước theo địa giới hành chính hiện hành mà TCLVS chỉ nên đóng vai trò theo dõi, kiểm soát và trợ giúp cho hoạt động quản lý nước của các tỉnh và địa phương trên lưu vực sông hài hoà với nhau, vì quyền lợi riêng của các tỉnh cũng như cả lợi ích chung của toàn bộ lưu vực sông.
- TCLVS là một tổ chức có một vị trí độc lập, có cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, phù hợp với hoạt động điều phối, theo dõi giám sát và tư vấn cho nhà nước và các tỉnh về các hoạt động sử dụng nước và xâm phạm đến tài nguyên nước. Có sự tham gia đầy đủ của các thành phần liên quan thông qua các đại diện có vị trí tương xứng trong Ban hay Hội đồng điều hành của TCLVS. Hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro của các tỉnh và các ngành dùng nước trên lưu vực. TCLVS cần sử dụng quyền lực của các Tỉnh, Bộ và ngành liên quan thông qua vai trò và vị trí của các thành viên đại diện của tỉnh, Bộ và ngành tham gia trong Hội đồng đại diện của TCLVS để thực hiện các quyết định điều phối và quản lý.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Asian Development Bank and Ministry of Agriculture and Rural Development, Report of Institutional Framework and Red River Basin Organisation, December 2000. TA No 2871-VIE Red River Basin Water Resources Management Project
2. Bộ Khoa học công nghệ, Báo cáo đánh giá ảnh hưởng của hồ Hoà
Bình đến môi trường sinh thái vùng cửa sông ven biển, Đề tài KC-08-04 “Nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên lưu vực sông Đà”, Hà Nội, 2003
3. Bộ Khoa học công nghệ, Báo cáo kết quả nghiên cứu nước mặt lưu
vực sông Đà, Đề tài KC-08-04 “Nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên lưu vực sông Đà”, Hà Nội, 2003
4. Bộ NN&PTNT, Tuyển tập báo cáo hội thảo quốc gia về nước cho thế kỷ 21, Hà Nội 22-23/10/2001, Nhà xuất bản xây dựng
5. Chương trình Nghị sự 21,
6. Luật Bảo vệ Môi trường, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, 2005 7. Luật khoáng sản, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, 1994
8. Luật Tài nguyên nước, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, 1998
9. Lưu Văn Diệu, Nguyễn Thị Phương và nnk, 2000. Đánh giá mức
độ ô nhiễm do nguồn thải từ lục địa, đề xuất giải pháp kiểm soát quản lý ô nhiễm vùng biển ven bờ phía Bắc (từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá), Phân viên Hải Dương học Hải Phòng
10. Nguyễn Công Con, Phạm Quốc Huy, Lại Duy Phương, 2002. Nguồn lợi tôm vùng Vịnh Bắc Bộ năm 2002. Tuyển tập báo cáo hội thảo khoa học “Điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường Vịnh Bắc Bộ”. Hải Phòng, 2002
11. Nguyễn Trọng Sinh, Cân bằng, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước quốc gia. Tạp chí hoạt động KH, phụ trương 10/1995
12. Nguyễn Văn Thắng, Phạm Ngọc Lan, Quản lý tổng hợp lưu vực
sông. Giáo trình trường Đại học Thuỷ lợi, 2004
13. Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, 1994
14. Sở KHCN và MT tỉnh Sơn La, Báo cáo hiện trạng môi trường Sơn
La năm 2000, Sơn La 2001
15. Sở NN và PTNT tỉnh Hoà Bình, Quy hoạch tổng thể ngành nông
nghiệp tỉnh Hoà bình giai đoạn 2000-2010, Hoà Bình tháng 12/2000
16. Trần Đức Thạnh, Đinh Văn Huy và Trần Đình Lâm, 1996. Đặc điểm phát triển vùng đất bồi ngập triều ven bờ châu thổ sông Hồng. Tạp chí các khoa học về trái đất. Hà Nội
17. Trần Đức Thạnh, Đỗ Công Chung và nnk, 1999. Điều tra cơ bản
môi trường Bạch Long Vỹ, Đề tài cấp thành phố Hải Phòng. Lưu trữ tại Phân viện Hải Dương học tại Hải Phòng
18. Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hoà Bình, thời kỳ 2001-2020, Hoà Bình tháng 8/2000
19. Viện Quy hoạch thuỷ lợi, Quy hoạch phòng chống lũ cho đồng bằng sông Hồng, Hà Nội 1992