Thực trạng của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền và sự vận dụng trong quá trình đổi mới ở Việt Nam (Trang 72)

2.1.2.1. Những thành tựu cơ bản

Qua hơn hai mươi năm đổi mới đất nước, hệ thống pháp luật nước ta ngày càng được củng cố, phát triển, hoàn thiện với hàng loạt văn bản pháp luật mới được ban hành thuộc nhiều ngành luật khác nhau. Sự xuất hiện nhiều văn bản mới đã đáp ứng sự điều chỉnh pháp luật cấp bách đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hệ thống pháp luật được xây dựng trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế kinh tế - xã hội tập trung bao cấp sang cơ chế kinh tế mới của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần đã và đang đóng một vai trò quan trọng đối với những thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, trở thành công cụ quan trọng để nhà nước quản lý các quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò của pháp luật ngày càng được khẳng định, uy tín, giá trị xã hội của pháp luật ngày càng nâng cao. Bước chuyển biến cơ bản nhất, rõ nét nhất của hệ thống pháp

luật thể hiện ở chỗ: pháp luật một mặt, từng bước loại bỏ, khắc phục các hậu quả của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp trước đây, mặt khác, củng cố các thắng lợi của đổi mới làm cho quá trình đổi mới trở nên tất yếu. Nguyên tắc pháp quyền ngày càng được khẳng định và phát huy hiệu quả trên thực tế.

Hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng trở nên công khai hơn, dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện để nhân dân tham gia và thực hiện quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước từ lập pháp, hành pháp, đến tư pháp, trong đó có quyền khởi kiện cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước trước Tòa án. Phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" do Đại hội VI đề ra, từng bước đã được khẳng định trong thực tế. Trong hơn 20 năm qua, số văn bản luật và pháp lệnh được ban hành nhiều gấp hơn ba lần so với cả 40 năm trước cộng lại, về cơ bản đã tạo được khung pháp luật phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước thay thế cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mệnh lệnh hành chính bao cấp trước đây; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới toàn diện đất nước, cụ thể là:

- Tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, xác định chế độ sở hữu và các hình thức sở hữu, địa vị pháp lý của các doanh nghiệp, thương gia, quyền tự do kinh doanh, quyền tự do hợp đồng, các cơ chế khuyến khích và bảo đảm tự do đầu tư; cơ bản xóa bỏ chế độ nhà nước độc quyền về ngoại thương; giảm dần sự can thiệp của cơ quan nhà nước bằng các biện pháp hành chính và các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại nói chung và các hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng.

- Dân chủ hóa đời sống xã hội từng bước được mở rộng, không những tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước mà còn được thể hiện ngay trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Vai trò của báo chí, của các tổ chức xã hội và các tổ chức phi xã hội ngày càng được tăng cường.

- Tạo cơ sở pháp lý cần thiết để từng bước thực hiện công bằng xã hội, phát huy, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

- Cải cách tư pháp tuy chưa đồng bộ như cải cách lập pháp và cải cách hành chính, nhưng đã có thành tựu quan trọng. Đã có những điều chỉnh nhất định về tổ chức, bộ máy của tòa án, viện kiểm sát, các cơ quan điều tra, thi hành án, bổ trợ tư pháp. Các tòa kinh tế, lao động, hành chính được thành lập thêm tại Tòa án nhân dân tối cao và các tòa án cấp tỉnh, bảo đảm việc xét xử được chuyên môn hóa. Nguyên tắc độc lập của tòa án khi xét xử được quan tâm củng cố thông qua việc tái lập chế độ bổ nhiệm thẩm phán thay chế độ bầu; cải thiện đáng kể chế độ chính sách đãi ngộ đối với thẩm phán. Hoạt động xét xử của Tòa án có sự tham gia ngày càng nhiều của luật sư, sự quan tâm của xã hội và ngày một công khai hơn. Do đó, việc giải quyết các vụ án, vụ việc thận trọng, chính xác, khách quan hơn.

- Hoạt động bổ trợ tư pháp như luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, công chứng… được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp, nhằm giúp đỡ công dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của họ, góp phần bảo đảm an toàn về mặt pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế.

2.1.2.2. Một số tồn tại và bất cập

Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, đồng bộ: Dù đã được đổi mới căn bản nhưng hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta vẫn là một hệ thống pháp luật của quá trình chuyển đổi từ cơ chế kinh tế tập trung - bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường, nhiều thành phần. Tính chất chuyển đổi quá độ này làm cho pháp luật nước ta luôn nằm trong quá trình biến động mạnh mẽ và chưa thể hình thành một hệ thống pháp luật có tính ổn định lâu dài. Điều này được thể hiện khá rõ trong thực tiễn làm luật ở nước ta. Trước sức ép của nhiều tình huống phát triển nhiều văn bản được ban hành và chỉ được xem như những giải pháp tình thế, ít xuất phát từ sự thống nhất, đồng bộ của pháp

luật, do không được xây dựng trên cơ sở phương pháp hệ thống hóa các văn bản pháp luật. Vì vậy, dẫn đến tình trạng: các văn bản mới được ban hành, lại không chỉ rõ những văn bản nào thuộc ngành luật ấy bị hủy bỏ hoàn toàn, bị hủy bỏ bộ phận. Tính chất các quan hệ xã hội với tính cách là đối tượng điều chỉnh của các ngành luật rất đặc thù và chưa thật sự ổn định do sự biến đổi mau lẹ của sự phát triển xã hội bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trước tình hình ấy, trong hầu hết các ngành luật, sự mâu thuẫn tiếp tục gia tăng và do sự thay đổi ngay bản thân các quan hệ xã hội đã dẫn đến sự lạc hậu nhanh chóng của các văn bản pháp luật, kể cả các văn bản pháp luật vừa mới được ban hành. Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật hiện hành, mới chỉ thực hiện được mục tiêu phá vỡ cơ chế cũ và bước đầu thiết lập cơ chế kinh tế mới. Do vậy, hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta mới chỉ là hệ thống pháp luật hướng tới nền kinh tế thị trường. Điều đó, có nghĩa là: ta chưa có một hệ thống pháp luật của sự phát triển vững bền.

Mặt khác, chúng ta chưa có quan niệm chung, thống nhất về hệ thống pháp luật với các yếu tố cấu thành hệ thống pháp luật và vai trò, vị trí của mỗi yếu tố trong hệ thống đó. Chúng ta chưa xây dựng được cơ chế thi hành pháp luật, chưa quan tâm đúng mức đến các điều kiện về tổ chức, nhân sự và tài chính để bảo đảm thi hành pháp luật. Nhiều luật mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính chất khung còn những vấn đề cụ thể, thậm chí cả vấn đề khó thì giành cho văn bản hướng dẫn thi hành. Luật đã có hiệu lực, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành thì còn chưa được thi hành. Trong khi đó, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành có khi lại trái với luật, pháp lệnh, làm giảm đáng kể hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh.

Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật chưa cao: Nhiều quy định - đặc biệt là quy định của pháp luật về kinh tế không rõ ràng, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, trái với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế… làm giảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Khi soạn thảo văn bản mới, không liệt

kê cụ thể những văn bản nào hết hiệu lực thi hành. Hơn nữa, pháp luật chưa được hệ thống hóa và pháp điển hóa thường xuyên, gây khó khăn cho việc tiếp cận, thực hiện đầy đủ và đúng pháp luật.

Khung pháp luật thiếu toàn diện: Một số lĩnh vực quan trọng về kinh tế thị trường, an ninh xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Năng lực xét xử của thẩm phán, nhất là thẩm phán tòa án địa phương vẫn còn hạn chế, thủ tục tố tụng phức tạp, rườm rà tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư nước ngoài, khi giải quyết tranh chấp tại tòa án Việt Nam; thậm chí ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam cũng tìm kiếm phương thức giải quyết tranh chấp khác. Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án còn chậm chạp khó khăn trong khâu thi hành. Tình hình trên làm cho niềm tin của nhân dân vào công lý bị giảm sút.

Thông tin về pháp luật và dịch vụ thông tin pháp luật chưa kịp thời, tập trung, thống nhất, chính xác, cập nhật, phổ biến rộng khắp… Chưa có cơ chế trách nhiệm vật chất đối với thông tin sai, thông tin không đầy đủ. Các cơ quan nhà nước chưa thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc gửi đăng công báo các văn bản quy phạm pháp luật.

Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật chủ yếu còn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, thường xuyên về nghiệp vụ. Hiệu quả của việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao, còn nặng về phong trào, hình thức, nhất là đối với nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chưa chú trọng xây dựng một hệ thống tư vấn, trợ giúp, cung cấp dịch vụ pháp lý mạnh, thật sự hữu hiệu, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy giúp công dân, tổ chức và doanh nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Chưa tạo ra cơ chế hữu hiệu thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào công tác thông tin pháp luật Trong điều kiện pháp luật chưa hoàn chỉnh,

sự đồ sộ về số lượng văn bản, phức tạp về cấp độ văn bản, hệ thống tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa hiệu quả…thì việc phát triển mạnh các cơ quan tư vấn, trợ giúp pháp lý là một định hướng quan trọng. Đáng tiếc là trên lĩnh vực này, chúng ta còn bỏ ngỏ, chưa quan tâm đúng mức.

Ý thức tôn trọng pháp luật của một số cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chưa cao. Nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật không phải do kém hiểu biết mà nguyên nhân chính là ý thức coi thường pháp luật, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng vì quyền lợi của mình mà đặt những quy định mang tính "cát cứ" gây cản trở cho việc thi hành pháp luật, trong khi chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát đối với các cơ quan công quyền. Quy định pháp luật về quyền giám sát của xã hội, của nhân dân đối với việc thi hành pháp luật khá rõ, nhưng còn thiếu cơ chế cụ thể, hữu hiệu, để nhân dân và xã hội thực hiện quyền giám sát đối với thực thi pháp luật, nhất là các điều kiện để thực hiện quyền giám sát còn rất nhiều; trong đa, ngay cả tính công khai, minh bạch còn là một vấn đề cần được khắc phục.

Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc.

Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tính tối thượng của luật, về vai trò, vị trí và ý nghĩa của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội nên chưa tự giác thi hành có khi còn coi thường pháp luật. Đến nay, pháp luật vẫn chưa đồng bộ, chất lượng nhiều văn bản pháp luật chưa cao, khó tránh khỏi những sơ hở bị lợi dụng. Đặc biệt là thi hành pháp luật không nghiêm, kỷ cương phép nước lỏng lẻo. Điều nghiêm trọng nhất là một số cơ quan và nhân viên nhà nước lại chính là những người làm sai pháp luật, cố ý làm trái hoặc lợi dụng những sơ hở trong văn bản pháp luật; có ngành, địa phương ban hành quyết định vượt thẩm quyền và trái với văn bản pháp luật của nhà nước. Tình trạng buôn lậu, xuất nhập khẩu trái phép, thu chi trái ngân sách, cấp và bán đất sai quy định diễn ra nghiêm trọng. Có một số nơi, hành vi trái pháp luật của chính quyền lại được cấp ủy đồng tình, bao che,

thậm chí, cấp ủy ra nghị quyết để chính quyền thực hiện. Thêm vào đó, sự suy thoái về năng lực phẩm chất đạo đức của cán bộ nhà nước cũng diễn ra ngày càng đáng báo động.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền và sự vận dụng trong quá trình đổi mới ở Việt Nam (Trang 72)