Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của pháp luật

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền và sự vận dụng trong quá trình đổi mới ở Việt Nam (Trang 47 - 50)

Từ rất sớm, Hồ Chí Minh cũng đã nhận thức được vai trò của pháp luật trong điều hành và quản lý xã hội của Nhà nước. Ngay từ năm 1919 trong bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi tới hội nghị Vécxây, Hội nghị của các nước thắng trận sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Trong 8 điều của bản yêu sách thì có 4 điều liên quan đến vấn đề pháp quyền:

Điều I: Tổng ân xá tất cả những người bản xứ bị ở tù chính trị phạm

Điều II: Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu Châu; xóa bỏ hoàn toàn các toàn án đặc biệt

dùng làm công cụ khủng bố và áp bức bộ phận trung thực chất trong nhân dân An Nam.

Điều VII: Thay chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật.

Điều VIII: Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ [28, tr. 435].

Để phổ biến và tuyên truyền rộng rãi trong người Việt Nam, Người đã chuyển "yêu sách" thành "Việt Nam yêu cầu ca" để dễ nhớ, dễ truyền miệng, trong đó có câu:

Bảy xin hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền [28, tr. 438].

"Thần linh pháp quyền" gợi ta liên tưởng đến tác phẩm nổi tiếng "Tinh thần pháp luật" của Môngtexkiơ. Thần linh pháp quyền vừa nói lên tinh thần, tư tưởng pháp quyền xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động của một Nhà nước độc lập, tự do, dân chủ, vừa nói lên vị trí của pháp luật chi phối mọi tổ chức và hoạt động của Nhà nước.

Những điều nêu trong yêu sách đã chứng minh là Hồ Chí Minh đã chú ý rất sớm đến pháp luật, đến công lý, đến quyền con người. Tư tưởng "trăm điều phải có thần linh pháp quyền" là một tư tưởng rất đặc sắc của Hồ Chí Minh, điều đó chứng tỏ Người đã thấy và cho chúng ta thấy tầm quan trọng tối thượng của một Nhà nước là phải quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng phải là pháp luật của nền dân chủ thực sự.

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong tình thế cách mạng muôn vàn khó khăn, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo tổng tuyển cử bầu Quốc hội để có cơ sở xây dựng Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á - tạo cơ sở pháp lý cao nhất trong cả hoạt động đối nội và đối

ngoại, khẳng định sự ra đời hợp Hiến của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước cộng đồng quốc tế.

C. Mác - Ph. Ăngghen đã phê phán pháp luật tư sản: "Pháp quyền của các ông chủ là ý chí của giai cấp các ông được đề lên thành luật pháp, cái ý chí mà nội dung là do những điều kiện vật chất của giai cấp các ông quyết định" [22, tr. 619]. Đó là luật pháp do ý chí của số ít, thiểu số những người bóc lột. Còn luật pháp theo quan điểm Hồ Chí Minh là gì? Hồ Chí Minh xác định ý chí của luật pháp của Nhà nước ta là thuộc về giai cấp công nhân, nhân dân lao động và thuộc về dân tộc, nó bảo vệ lợi ích cho hàng triệu người lao động: "Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ vì nó bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động" [26, tr. 185]. Nó đấu tranh loại trừ áp bức bất công, thiết lập sự công bằng trên cơ sở một trật tự xã hội.

Hồ Chí Minh là người chú ý đặc biệt tới việc xây dựng hiến pháp và pháp luật. Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ vì nó bảo vệ tự do, dân chủ rộng rãi cho người lao động. Theo Hồ Chí Minh, một xã hội có trật tự kỷ cương, một Nhà nước mạnh, có hiệu lực phải quản lý xã hội bằng pháp luật. Không quản lý xã hội bằng pháp luật sẽ dẫn đến sơ hở, cán bộ dễ sinh lạm dụng quyền lực, vi phạm quyền dân chủ của người khác, của cộng đồng và xã hội, dẫn đến tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ.

Chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Trước chúng ta đã bị chế độc quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ". Điều đó cắt nghĩa tính chất gấp rút bầu Quốc hội lập hiến, rồi ban hành Hiến pháp của Hồ Chí Minh ngay trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, mặc dù hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ không thuận lợi, phải đối phó với thù trong giặc ngoài. Và, bản thân các thế lực thù địch cũng ý thức rõ

địa vị pháp lý của Quốc hội lập hiến và vai trò Hiến pháp trong tạo nên sức mạnh của chính quyền mới do Hồ Chí Minh đứng đầu, nên đã chống phá quyết liệt. Song những nỗ lực của Hồ Chí Minh đã thành công, đem đến sự thiết lập Quốc hội lập hiến và Hiến pháp dân chủ đầu tiên, tạo nền tảng cho việc xây dựng, củng cố nhà nước và tổ chức lại xã hội mới.

Hồ Chí Minh xác định, cần phải thay dần "chế độ sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật" [28, tr. 436], đã thể hiện rõ quan điểm Nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh. Pháp luật đã thúc đẩy và xác lập quyền làm chủ của nhân dân ngày càng cao. Đồng thời thông qua pháp luật, bằng pháp luật đã tạo ra hoạt động quản lý nhà nước đi vào nề nếp.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền và sự vận dụng trong quá trình đổi mới ở Việt Nam (Trang 47 - 50)