quyền của Hồ Chí Minh
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, pháp luật và đạo đức có vị trí quan trọng, gắn bó hữu cơ với nhau, không thể phân biệt mặt nào quan trọng hơn mặt nào. Cả pháp luật và đạo đức đều cần thiết như nhau, đều vì lẽ sống cũng như mục đích sinh tồn của xã hội loài người. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người phải sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa,
nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng" [30, tr. 431].
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức và pháp luật có mối quan hệ biện chứng và thống nhất với nhau. Đạo đức là gốc của người cách mạng, Người đã xây dựng một hệ thống những chuẩn mực đạo đức cách mạng làm nền tảng cho sự nghiệp cách mạng ở nước ta, mà Hồ Chí Minh còn xây dựng một hệ quan điểm về pháp luật phù hợp với quan điểm đạo đức mới.
Pháp luật và đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh đều thống nhất với nhau ở mục đích là nhằm chăm lo đến những lợi ích chính đáng của mỗi người cũng như nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo quy định của pháp luật cũng như đạo đức "ở đời". Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật được quy định bởi mối quan hệ giữa lợi ích và nghĩa vụ của công dân tạo nên sự công bằng cả về đạo đức lẫn công bằng trước pháp luật - đó là điều tối thiểu khi nói đến công bằng xã hội. Nếu không có được quan hệ hài hòa giữa đạo đức và pháp luật trong thực tế thì không thể có sự phát triển mà thậm chí còn có tác dụng ngược lại làm kìm hãm sự phát triển.
Pháp luật và đạo đức đều là những quy phạm xã hội được sử dụng với một mục đích chung để điều chỉnh hành vi của con người. Tuy nhiên, chúng khác nhau về phương thức tồn tại, về thuộc tính riêng và đối tượng điều chỉnh. Đạo đức chỉ là những quy phạm mang tính chất đánh giá như: tốt - xấu, cao thượng - hèn hạ, đáng khen - đáng chê… Quy phạm đạo đức là quy phạm không tồn tại thành văn, không mang tính quyền lực chính trị và trong trường hợp vi phạm những chuẩn mực xã hội, hành vi trái đạo đức đó chỉ bị phê phán về mặt xã hội, chứ không xuất hiện sự cưỡng chế nhà nước. Trong khi đó, pháp luật không chỉ đánh giá và chủ yếu không phải để đánh giá tính chất của hành vi, mà làm chuẩn mực lý tưởng và bắt buộc cho hành vi.
Quan hệ giữa pháp luật và đạo đức là mối quan hệ bổ sung cho nhau, "hỗ trợ" lẫn nhau trong quá trình điều chỉnh hành vi của con người. Trong cả
hệ thống các quan hệ xã hội, có nhiều nhóm quan hệ là đối tượng điều chỉnh chung của cả pháp luật lẫn đạo đức. Khi đó việc xuất hiện sự tác động lẫn nhau giữa chúng sẽ thường xuyên và cần thiết. Tuy nhiên, có nhiều quan hệ xã hội là đối tượng điều chỉnh của đạo đức, nhưng không thể là đối tượng điều chỉnh của pháp luật. Ngược lại, sẽ có rất nhiều quan hệ xã hội chỉ có thể là đối tượng điều chỉnh của pháp luật mà thôi.
Trong điều kiện hiện nay, khi đánh giá hành vi của con người, xuất phát từ tiêu chí pháp luật và đạo đức có thể xuất hiện những khả năng sau đây:
- Hành vi hợp pháp đồng thời cũng là hành vi hợp đạo đức; - Hành vi hợp pháp, nhưng không hợp đạo đức;
- Hành vi không hợp pháp, nhưng hợp đạo đức;
- Hành vi không hợp pháp và cũng không hợp đạo đức.
Trong cái nhất thể "đạo đức - pháp luật" của tư tưởng Hồ Chí Minh, - xét về cội nguồn thì Thiện, Đức có trước là cái gốc của Lệ, Luật; - xét về công dụng đối với đời sống xã hội thì: Đạo đức gây men sống, còn pháp luật là chuẩn, xác định mức độ phạm vi, phương pháp tác động của men sống ấy chỉ đạo hành động con người bảo đảm cho hành động ấy có hiệu quả đối với xã hội.
Nhưng gốc có bền thì cây mới sống và tươi tốt lên được. Cho nên, Người luôn chăm lo vun gốc "đạo đức cách mạng" của bản thân và cán bộ, công chức nhà nước. Đạo đức như là nguồn của sông, gốc của cây, gốc của người cách mạng. Nói cách khác, Đạo đức là gốc của pháp lý. Lực lượng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc làm cho pháp luật có giá trị và hiệu lực mang bản chất cách mạng bền vững trước hết phải là cán bộ. Muốn có một nền pháp lý tốt phải có những người cán bộ tốt, có lập trường vững vàng, tư tưởng thông suốt, "chí công vô tư". Do đó, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc bồi dưỡng lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ - đặc biệt
là cán bộ Tư pháp - để chính họ lại là lực lượng tiên phong thực hiện đạo đức "chí công vô tư" của Người.
Chúng ta thấy rằng các khái niệm: "công lý", "pháp lý", "đạo lý", "đạo đức" có nội dung phong phú, gắn bó chặt chẽ với nhau. Đạo lý - đạo đức là thuộc phạm trù lý tưởng, lý tưởng "chí công vô tư". Công lý và pháp lý là sự thể hiện"chí công vô tư", qua các thời kỳ cách mạng, mang nội dung thích hợp với từng thời kỳ. Hồ Chủ tịch nêu lý tưởng "chí công vô tư" và giáo dục lý tưởng đó cho cán bộ pháp lý với mức độ từ thấp đến cao, nhằm trang bị cho họ những quan điểm cần thiết, thích hợp, thiết thực nhất đủ để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng giao cho theo từng bước đi của cách mạng.
Đạo đức là gốc, pháp lý là chuẩn cho nên, để vận động thực hiện mọi chủ trương, đường lối nhiệm vụ cách mạng của Đảng và Nhà nước, Hồ Chủ tịch luôn luôn gắn đạo đức với pháp lý. Đạo đức là gốc của pháp lý nhưng không thay thế được pháp lý, không hướng dẫn được hành động một cách chính xác và có hiệu lực chắc chắn. Trái lại, pháp lý mà tách rời đạo đức thì lung lay, làm cho hành động bị chệch choạc, thậm chí mất phương hướng. Đạo đức và pháp lý như hai chân, thiếu một chân nào cũng không đi được.
Việc quản lý bằng pháp luật phải luôn đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng. Bản thân Hồ Chí Minh là tấm gương vĩ đại về sự thống nhất hài hòa giữa lý trí và tình cảm, nghiêm khắc mà vẫn bao dung, nhân ái mà không hề bao che cho những sai lầm, khuyết điểm của bất cứ ai. Kỷ cương, phép nước thời nào cũng cần và phải được áp dụng cho bất cứ ai. Do đó, Hồ Chí Minh yêu cầu pháp luật phải thẳng tay trừng trị nghiên cứu kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh dùng sức mạnh uy tín của mình để cảm hóa những người có lỗi lầm, kéo họ đi với cách mạng, giáo dục những người mắc khuyết điểm để họ tránh phạm pháp. Dưới ngọn cờ đại nghĩa, bao dung của Hồ Chí Minh, nhiều người
vốn rất mặc cảm với cách mạng đã không "sẩy chân" phạm pháp hoặc không đi theo kẻ địch.
Người luôn căn dặn cán bộ khi thi hành pháp luật thì phải có lý có tình. Bác phê phán nghiêm khắc thói quan liêu mệnh lệnh, chỉ biết đơn thuần lấy pháp luật, lấy mệnh lệnh hành chính mà đe dọa, mà ép buộc. Người nói: "Phải kiên nhẫn giáo dục quần chúng một cách có lý có tình" (Hồ Chí Minh nói có lý, có tình - chứ không phải "có tình có lý" - Người ngụ ý nhấn mạnh với chúng ta; lý trước, tình sau, tình trên cơ sở lý, lý là đạo lý, cũng là pháp lý).
Đạo đức hay pháp luật nói chung là vấn đề con người. Quan hệ đạo đức và pháp luật xét cho cùng là quan hệ giữa con người với con người trong xã hội và trong bản thân mỗi con người. Vấn đề đạo đức và pháp luật cũng như mối quan hệ giữa chúng là những vấn đề có tính xã hội, thể hiện cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, đúng và sai, tốt và xấu… mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc đấu tranh này, cái đúng, cái tốt, cái thiện nhất định thắng: "Cuộc đấu tranh ấy phải trường kỳ và gian khổ, nhưng cuối cùng thì cái ác nhất định bại, thiện nhất định thắng" [35, tr. 277].
Tóm lại, lấy đạo đức làm gốc, pháp lý làm chuẩn, xây dựng pháp lý trên đức "chí công vô tư". Để thực hiện lý tưởng "chí công vô tư" trong vận động cách mạng thì phải luôn gắn đạo đức với pháp lý, thi hành pháp luật một cách có lý, có tình. Vấn đề đạo đức và pháp luật luôn là hai vấn đề có mối quan hệ biện chứng với nhau trong suốt lịch sử xã hội loài người. Đạo đức và Pháp luật là nhất thể. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật có giá trị to lớn trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay và trong nền kinh tế thị trường, hội nhập. Tư tưởng đó thể hiện sự tác động biện chứng giữa pháp luật và đạo đức trong cuộc sống thường nhật.
Điều đặc sắc trong tư tưởng trị nước của Hồ Chí Minh là Người đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa "Pháp trị" và "Đức trị". Đó cũng là nội dung cơ bản trong tư tưởng về Nhà nước pháp quyền Hồ Chí Minh. Người khẳng định
"Luật pháp phải dựa vào đạo đức" nhưng "luật pháp phải bảo vệ đạo đức" "Đức trị" nhằm khuyên người ta những việc nên làm, "Pháp trị bắt buộc người ta phải tránh những việc nên tránh". "Đức trị là trị nước bằng tình, bằng thuyết phục, bằng đạo lý, "Pháp trị" là trị nước bằng đạo luật. "Đức trị" và "Pháp trị" trong tư tưởng Hồ Chí Minh không hề loại trừ nhau mà thống nhất bổ sung cho nhau.
Người sử dụng "Đức" để cảm hóa, ngăn chặn những thói hư tật xấu, hạn chế thấp nhất "cái ác" nảy sinh ở mỗi con người. Song nếu ai đó phạm tội thì Người nghiêm trị theo pháp luật. Người từng nói: "Không dùng xử phạt là không đúng" nhưng "chút gì cũng dùng xử phạt thì cũng không nên", "thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công" [31, tr. 163].
Khác với tư tưởng đạo đức của Khổng Tử, trong tư tưởng Hồ Chí Minh không có gì là nhất thành bất biến, vĩnh cửu mà phải luôn biến đổi theo thực tế khách quan. Người bổ sung thêm vào nội dung đạo đức cách mạng, con người xã hội chủ nghĩa phải có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đây cũng chính là những chuẩn mực giá trị có nội hàm pháp lý phù hợp với lẽ công bằng ở đời. Cuộc cách mạng trong quan niệm đạo đức ở Hồ Chí Minh là đã gạt bỏ cái cốt lõi nhất trong đạo đức Nho giáo là lòng trung thành tuyệt đối với chế độ phong kiến theo kiểu "ngu trung". Có thể nói Hồ Chí Minh đã khai thác Nho giáo, lựa chọn những yếu tố tích cực, phù hợp để phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng đúng như lời dạy của Lênin vĩ đại: Chỉ có những người cách mạng chân chính thì mới thu hái được những hiểu biết quý báu của các đời trước để lạ".