Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân và vì dân

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền và sự vận dụng trong quá trình đổi mới ở Việt Nam (Trang 30 - 36)

1.4.1.1. Nhà nước của dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giành chính quyền, xây dựng Nhà nước kiểu mới là kết quả của sự thấm nhuần sâu sắc truyền thống văn hóa Việt Nam, những tư tưởng tiến bộ về nhà nước ở phương Tây và phương Đông, đặc biệt là những tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng đó vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, để giành chính quyền, xây dựng một nhà Nước vững mạnh thật sự của dân, do dân và vì dân, thể hiện khối đại đoàn kết dân tộc, trên nền tảng Liên minh công -nông - trí thức do Đảng lãnh đạo. Đó là một quá trình liên tục nhất quán từ lúc chưa có Nhà nước đến lúc giành được chính quyền, xây dựng Nhà nước kiểu mới, từ lúc còn thai nghén ban đầu, khi Đảng mới thành lập để lãnh đạo cách mạng, đến lúc thật sự bắt tay vào xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân tiến lên xây dựng Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước của dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nhà nước mà: "bao nhiêu quyền hạn đều của dân" [32, tr. 698], nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, nguồn gốc của quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nhân dân, nhân dân trao quyền lực cho nhà nước, nhân dân ủy quyền cho nhà nước. Nguyên tắc hiến định: "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam" [44, tr. 8]. Đó là Nhà nước mà quyền lực từ nhân dân, thuộc về nhân dân do nhân dân quyết định. Hồ Chí Minh quan niệm Nhà nước của dân là "tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam". Nhân dân là gốc của nước, là chủ thể của quyền lực, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Do đó, chính quyền là đầy tớ của dân, công bộc của dân, chứ không phải là cha mẹ dân, cai trị dân như Nhà nước của chế độ thực dân phong kiến.

Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước của nhân dân là nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình, mà trước hết là nhân dân bầu ra Nhà nước, bầu ra chính quyền các cấp. Chính sách bầu cử, ứng cử là vấn đề cốt tử của tính hợp hiến trong việc hình thành bộ máy nhà nước, tự do hay hạn chế, bình đẳng hay bất bình đẳng, giả hay thật, áp đặt hay tự do lựa chọn, cũng là chuẩn mực của việc xem xét một bộ máy chính quyền thật sự của dân hay không. Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cơ sở và điều kiện để xây dựng một nàh nước của dân cần phải thực hiện nghiêm túc ba vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, là xây dựng một chế độ bầu cử dân chủ nhằm bảo đảm chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Vì thế, chỉ một ngày sau khi tuyên bố giành độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (3/9/1945), Hồ Chí Minh yêu cầu phải "tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu" để bầu ra một nhà nước hợp hiến, hợp pháp. Ngày 17/10/1945, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 51 quy định tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người mất trí, những người mất quyền công dân. Quần chúng nhân dân là người hoàn toàn có đầy đủ quyền lựa chọn đại biểu của mình, thay mình thực hiện quản lý và giám sát nhà nước. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử 1946 đã thỏa mãn khát vọng, đáp ứng kịp thời, đúng đắn nhu cầu làm chủ của nhân dân - nhu cầu chính trị tất yếu và trọng yếu về mặt pháp lý, nó khẳng định một chính quyền Việt Nam hợp hiến đã ra đời, độc lập, bình đẳng với tất cả quốc gia dân tộc khác trên thế giới.

Thứ hai, xây dựng một cơ chế bảo đảm "quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình" [36, tr. 591], làm cho "tất cả cơ quan nhà nước phải dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân" [36, tr. 591]. Sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với toàn thể bộ máy

nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức là yêu cầu tối cần thiết nhằm bảo đảm nhân dân tiếp tục giữ được quyền lực của mình sau khi đã thực hiện thủ tục ủy quyền (bỏ phiếu bầu).

Trong tác phẩm: "Sửa đổi lối làm việc", Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hai cách thức để thực hiện việc kiểm soát hoạt động của bộ máy nhà nước và cán bộ công chức, viên chức là: cách thứ nhất: kiểm soát từ trên xuống. Nghĩa là người lãnh đạo phải có trách nhiệm trực tiếp kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình; cách thứ hai: kiểm soát từ dưới lên. Nghĩa là quần chúng nhân dân và cán bộ cùng kiểm soát hoạt động, sai lầm của người lãnh đạo, các cấp lãnh đạo và bày tỏ cách sửa chữa sự sai lầm đó. "Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên" [32, tr. 288]. Cách kiểm soát "từ trên xuống" đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, các đạo luật và văn bản pháp quy, thể hiện ở chức năng giám sát của cơ quan dân cử từ Trung ương đến cơ sở, ở hoạt động của thanh tra nhà nước, giám sát thi hành luật của Viện kiểm sát nhân dân các cấp… Vì vậy, Hồ Chí Minh đòi hỏi ngày càng phải nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan dân cử đối với Chính phủ và Ủy ban nhân dân hành chính các cấp.

Thứ ba, là xây dựng cơ chế để "nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng vơi sự tín nhiệm của nhân dân" [36, tr. 591]. Nếu cán bộ, công chức có những biểu hiện thoái hóa, biến chất thì nhân dân sẽ thu hồi những quyền đó bằng hình thức bãi miễn và trao lại quyền đó cho những người mà nhân dân tín nhiệm.

1.4.1.2. Nhà nước do dân

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì Nhà nước do dân là Nhà nước mà mọi quyền bính đều thuộc nhân dân, nhân dân thực hiện mọi quyền lực trong việc thiết lập, xây dựng và hoạt động của Nhà nước. Như vậy, nhân dân không phải chỉ lập ra Nhà nước mà phải tham gia công việc quản lý nhà nước. Hồ

Chí Minh chỉ rõ: "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ...." [32, tr. 195]. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhân dân phải sử dụng cơ quan quyền lực, người đại diện của mình để thực hành chức năng quản lý nhà nước, tham gia vào công việc Nhà nước. Nhà nước do dân tức là mọi công việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của dân. Do đó phải phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể trong công tác quản lý nhà nước và xã hội.

Nhà nước muốn điều hành, quản lý xã hội có hiệu lực, hiệu quả nhất định phải dựa vào lực lượng của dân, dựa vào sáng kiến và trí tuệ của dân. Nhà nước do dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là dân tự làm, tự lo thông qua các mối quan hệ trong xã hội, thông qua các đoàn thể, chứ không phải Nhà nước bao cấp lo thay cho dân. Chức năng của Nhà nước là quản lý điều hành xã hội ở cấp độ vĩ mô, chứ không làm thay dân, làm chủ dân thụ động, dân ỷ lại, chờ đợi.

Như vậy một Nhà nước do dân phải là Nhà nước biết phát huy cao nhất sức mạnh và trách nhiệm của nhân dân. Nhà nước do dân lập nên, do dân ủng hộ, dân làm chủ, dân là gốc của nhà nước. Vì vậy, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh nhiệm vụ của những người cách mạng là phải làm cho dân hiểu, làm cho dân giác ngộ để nâng cao được trách nhiệm làm chủ, nâng cao được ý thức trách nhiệm chăm lo xây dựng nhà nước của mình. Hồ Chí Minh khẳng định: việc nước là việc chung, mỗi người đều phải có trách nhiệm "ghé vai gánh vác một phần". Quyền lợi, quyền hạn bao giờ cũng đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ.

Người khẳng định: "Không có nhân dân thì Chính phủ không có lực lượng" [31, tr. 56]; "Lực lượng bao nhiêu là ở dân hết", "công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân", "sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân" [32, tr. 698]. Nhà nước không thể và không nên làm thay cho

dân. Mọi sự bao cấp không những không phản ánh đầyđủ, đúng đắn tính do dân mà còn triệt tiêu năng lực sáng tạo, chủ động và cách mạng của quần chúng nhân dân. Người từng nhắc nhở: "Chia công việc không khéo thành ra bao biện, nhiều việc quá thì làm sao làm được đến nơi đến chốn, vì thì giờ và sức lực người ta chỉ có chừng". Vậy nên, nhà nước chỉ làm những việc mà mỗi người dân không thể làm được hoặc không thể làm tốt hơn nhà nước. Còn những việc mà mỗi người dân làm tốt hơn nhà nước thì phải tạo khung pháp lý cho họ được tự do lao động sáng tạo để tự nuôi bản thân và đóng góp cho nhà nước. Nhà nước có nhiệm vụ tổ chức, sắp đặt kế hoạch để mỗi công dân phát huy tốt nhất quyền và nghĩa vụ của mình.

Hồ Chí Minh đã diễn đạt quyền của dân trên mấy vấn đề xây dựng Nhà nước như sau:

- Toàn bộ công dân không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc... đều được tham gia bầu cử chọn những đại biểu vào cơ quan quyền lực cao nhất.

- Cơ quan quyền lực cao nhất bầu ra Chính phủ, cơ quan hành chính cao nhất.

- Mọi hành động của cơ quan nhà nước về đối nội, đối ngoại đều chỉ là sự thực hiện ý chí của nhân dân, do nhân dân.

1.4.1.3. Nhà nước vì dân

Nhà nước vì dân là Nhà nước tất cả để phục vụ nhân dân, có trách nhiệm đối với nhân dân, kính trọng nhân dân. Theo Hồ Chí Minh thì Nhà nước vì dân là phải quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Không được có đặc quyền, đặc lợi. Đây là tư tưởng mới mẻ, nhất quán, nổi bật trong suốt cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước vì dân được thể hiện ở tinh thần: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân" [32, tr. 698]. Cán bộ, viên chức nhà nước là "đầy tớ", "công bộc" của nhân dân - Tức là những công chức chuyên thực thi

công vụ (việc công) trong các cơ quan công quyền nhà nước, không vì tư lợi, mà vì lợi ích của toàn thể nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Người nhấn mạnh: việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta. Hồ Chí Minh cũng đồng thời là một tấm gương mẫu mực của một công dân, một người đứng đầu nhà nước, một công chức thanh liêm, suốt đời phấn đấu tận tụy vì dân, vì nước.

Người nói:

Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi [31, tr. 161].

Nhà nước vì dân là một nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu, tất cả đều vì lợi ích của nhân dân, ngoài ra không có bất cứ một lợi ích nào khác. Đó là một nhà nước trong sạch, không có bất kỳ một đặc quyền, đặc lợi nào. Cả cuộc đời của Người chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh viết: "Khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh vác việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó".

Làm cho dân có ăn Làm cho dân có mặc Làm cho dân có chỗ ở Làm cho dân có học hành.

Nhà nước vì dân là Nhà nước phải có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Người yêu cầu: Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; Nếu dân rét Đảng và Chính phủ có lỗi; Nếu dân dốt Đảng và Chính phủ có lỗi.

Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: Chúng ta tranh được tự do độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập mà khi dân được ăn no mặc đủ.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền và sự vận dụng trong quá trình đổi mới ở Việt Nam (Trang 30 - 36)