0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (91 trang)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức

Một phần của tài liệu TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VÀ SỰ VẬN DỤNG TRONG QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM (Trang 44 -45 )

Hồ Chí Minh đã xây dựng một hệ thống các quan điểm cơ bản về đạo đức cán bộ, vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Công tác cán bộ bao gồm việc xác định chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tiêu chuẩn đến tuyển chọn, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ.

Cán bộ là nhân tố quyết định cho sự thành bại của cách mạng, là cái gốc của mọi công việc, là tiền vốn của đoàn thể, là cái dây chuyền của bộ máy, là đầy tớ thật trung thành của nhân dân, có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong. Ngày nay, chúng ta nói rằng, cán bộ quyết định tất cả, tức là nói đến vai trò, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, viên chức nhà nước trong việc đưa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, đến với nhân dân.

Hồ Chí Minh đề cập đến các phẩm chất cần thiết của người cán bộ, công chức, ngoài tài năng, chuyên môn nghiệp vụ phải có đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức thì là người vô dụng. Để bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả, cần phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện một đội ngũ cán bộ, viên chức có các tiêu chuẩn cơ bản như: trung thành với Nhà nước cách mạng và nhân dân; hăng hái, thạo việc, giỏi chuyên môn; có mối quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân; dám quyết đoán, dám phụ trách, dám chịu trách nhiệm với cương vị mình phụ trách; có bản lĩnh cách mạng trước các tình huống khó khăn: thắng không kiêu, bại không nản; trung thực, có chí tiến thủ, có ý thức tự phê bình và phê bình; có lòng bao dung nhưng không bao che…Người dạy cán bộ tư pháp: "Cần phải nêu cao gương Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" [32, tr. 382].

Đạo đức của người cách mạng "không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong" [35, tr.248].

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ, đảng viên phải ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng, không ngừng học tập. Người tự đánh giá và nhắc nhở cán bộ lãnh đạo: Sau tám mươi năm trời bị áp bức, bị bóc lột, và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm, vừa học. Chắc chắn chúng ta sẽ phạm khuyết điểm nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm. Người căn dặn: "Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ…Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý; Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm; Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm" [28, tr. 355-357].

Hồ Chí Minh cũng không quên nhắc nhở: Trách nhiệm của lãnh đạo là phải tích cực nêu ra, "phải phê bình để giúp cán bộ sửa chữa có lý có tình". Trong trường hợp cụ thể này; lý là: "phê bình bằng công văn", tình là lấy "tình nghĩa bầu bạn mà nói riêng". Không vì công mà quên lỗi, không vì lỗi mà quên công; đó là cách "chí công vô tư", mà Hồ Chí Minh đã sử dụng để rèn luyện và cất nhắc cán bộ.

Hồ Chí Minh yêu cầu phải tẩy sạch thành kiến hẹp hòi, đưa tất cả nhân tài cùng tham gia phụng sự Tổ quốc. Nếu họ có đôi chút khuyết điểm, về tư cách hoặc xu hướng chính trị còn sai lầm thì phải thúc đẩy họ, nêu gương sáng cho họ, cảm phục họ bằng việc làm, bằng gương hy sinh, gương chiến đấu, rồi lôi kéo họ tiến theo con đường tiến triển của dân tộc. Hồ Chí Minh chủ trương Chính phủ phải biết cách đem nhân tài tham gia cuộc kháng chiến của dân tộc, để khi kháng chiến thắng lợi, họ sẽ trở nên những phần tử hữu ích cho quốc gia trong công cuộc kiến thiết.

Một phần của tài liệu TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VÀ SỰ VẬN DỤNG TRONG QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM (Trang 44 -45 )

×