Thực trạng hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền và sự vận dụng trong quá trình đổi mới ở Việt Nam (Trang 69 - 72)

2.1.1.1. Những thành tựu nổi bật

Thành tựu nổi bật là nước ta đã bắt đầu thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật. Hệ thống pháp luật từng bước được sửa đổi, bổ sung, xây dựng phù hợp với yêu cầu của công cuộc đổi mới. Các văn bản pháp luật đã ban hành bao quát nhiều lĩnh vực, nổi bật là về kinh tế, tạo ra hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế nhiều thành phần, tạo điều kiện mở rộng hợp tác đầu tư của nước ngoài và quan hệ kinh tế đối ngoại. Các luật về tổ chức bộ máy nhà nước đã cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp mới về cơ cấu bộ máy nhà nước, tạo tiền đề cho việc kiện toàn, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy một bước quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trước hết là dân chủ về kinh tế, những cơ chế, chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của kinh tế tư nhân, quyền sử dụng đất lâu dài của hộ nông dân với nội dung quyền sử dụng được mở rộng. Điều đó góp phần giải phóng sức sản xuất, khai thác mọi tiềm năng của đất nước, phát huy nhiệt tình sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện dân chủ hóa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong bầu cử, ứng cử, trong thảo luận xây dựng các dự án luật, sinh hoạt dân chủ trong cơ quan dân cử, trong các tổ chức xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng… có tiến bộ rõ rệt. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đã

được đổi mới một bước. Cơ cấu, chất lượng đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân có nhiều tiến bộ hơn. Sinh hoạt của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã phát huy dân chủ, khắc phục bệnh hình thức, chất lượng các kỳ họp được nâng cao. Trên cơ sở Luật Tổ chức Chính phủ, chức năng, quyền hạn của Chính phủ được xác định rõ hơn. Tổ chức hoạt động và điều hành của Chính phủ từng bước được đổi mới. Viện kiểm sát và Tòa án các cấp xác định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở mới. Việc chuyển sang chế độ bổ nhiệm thẩm phán, thành lập Tòa án kinh tế, Tòa hành chính là những bước tiến mới của hoạt động tư pháp nước ta.

2.1.1.2. Những tồn tại và hạn chế trong hoạt động của bộ máy nhà nước

Trước yêu cầu mới, hoạt động của nhà nước ta đang thực sự bộc lộ nhiều khuyết điểm và yếu kém như:

Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước còn kém hiệu lực và hiệu quả, bộ máy vẫn cồng kềnh, nạn quan liêu, tham nhũng ngày càng nghiêm trọng. Nhiều vấn đề lý luận về tổ chức nhà nước chưa được quan niệm thống nhất dẫn đến phân định trách nhiệm, quyền hạn, quan hệ giữa các cấp chưa rõ ràng; nhiều vấn đề như: nhà nước pháp quyền; quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công rành mạch ba quyền: - lập pháp, hành pháp và tư pháp; tổ chức Hội đồng nhân dân các cấp… tuy đã được ghi vào nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, nhưng cách hiểu còn khác nhau, vướng mắc trong thực tiễn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động nhà nước.

Bộ máy quản lý nhà nước các cấp, nhất là ở cơ sở còn yếu kém. Tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm ở một bộ phận công chức, nhất là ở các cơ quan trực tiếp giải quyết công việc của nhân dân và doanh nghiệp, chậm được khắc phục. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nhất là tổ chức hội đồng nhân dân, còn những điều bất hợp lý. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu. Dân chủ trong xã hội còn bị vi phạm. Kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi không nghiêm.

Công tác quản lý nhà nước nhìn chung còn yếu và lúng túng trong bước chuyển sang nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế. Chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và quản lý sản xuất kinh doanh cần tiếp tục phải được làm rõ. Quản lý nhà nước trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội chưa được tăng cường đúng mức.

Tệ quan liêu, tham nhũng chưa được khắc phục có hiệu quả, vẫn phổ biến và đang phát triển nghiêm trọng, là một hiểm họa, nguy cơ làm tha hóa bộ máy và công chức nhà nước, hủy hoại bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta. Bộ máy nặng nề, cồng kềnh với những thủ tục hành chính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho nhân dân, thiếu công khai cho dân biết, dân kiểm tra. Mặt khác, trong công tác quản lý đã có những sơ hở tạo điều kiện cho sự phát triển của nạn quan liêu, hối lộ, nhũng nhiễu nhân dân. Trong quá trình đổi mới đất nước đòi hỏi chúng ta phải tìm được biện pháp, cơ chế hữu hiệu khắc phục tình trạng đó.

Đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước còn yếu, chưa ngang tầm với nhiệm vụ. Đội ngũ viên chức có nhiều nhược điểm, hạn chế, nhưng hạn chế lớn nhất là chưa được đào tạo cơ bản về pháp luật, về quản lý hành chính, quản lý kinh tế trong điều kiện mới, chưa hoàn thiện chức danh và tiêu chuẩn công chức nhà nước; chưa xây dựng được quy trình tuyển chọn và đánh giá công chức. Đội ngũ công chức hiện nay vừa thừa, vừa thiếu, vừa yếu, thừa những người kém năng lực, đạo đức nghề nghiệp, thiếu những công chức trung thành, tận tụy, thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ. Chúng ta còn thiếu rất nhiều chuyên gia giỏi vừa có lý luận vừa có thực tiễn, biết vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm thế giới vào điều kiện Việt Nam với tinh thần độc lập, tự chủ.

Sự lãnh đạo của Đảng ở các cấp đối với bộ máy nhà nước còn có tình trạng vừa bao biện làm thay, vừa buông lỏng. Một số cán bộ trong bộ máy nhà nước có xu hướng thoát ly khỏi sự lãnh đạo của tổ chức Đảng. Đến nay, trên

thực tế chưa định hình được phương thức lãnh đạo mới. Vì vậy, một mặt, vẫn còn hiện tượng tổ chức Đảng bao biện làm thay, can thiệp sâu vào những công việc thuộc chức năng điều hành của Nhà nước. Thậm chí, có trường hợp dùng Nghị quyết của cấp ủy thay cho quyết định của nhà nước và lại trái pháp luật. Mặt khác, lúng túng trước tình hình mới, thực chất là buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng, nhất là sự lãnh đạo về chủ trương và công tác kiểm tra của Đảng, nhấn mạnh quyền của thủ trưởng, của giám đốc, coi nhẹ sự lãnh đạo tập thể của cấp ủy. Điều đó là do ý thức đảng của một số cán bộ nhà nước, cán bộ chuyên môn chưa đầy đủ; hơn nữa, kiến thức và năng lực lãnh đạo của nhiều cấp ủy còn hạn chế, nhất là trước những vấn đề mới trong quản lý kinh tế, quản lý nhà nước.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền và sự vận dụng trong quá trình đổi mới ở Việt Nam (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)