Đối với cơ quan tư pháp

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay (Trang 103 - 104)

Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp vừa đáp ứng yêu cầu chung của quyền lực nhà nước, vừa phải phù hợp với đặc điểm về tổ chức và hoạt động của ngành tư pháp, nhất là hoạt động về tố tụng, xét xử. Sự lãnh đạo của Đảng là bảo đảm hoạt động của cơ quan tư pháp thực hiện theo đúng pháp luật: bảo đảm tính độc lập trong hoạt động điều tra xét xử, xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chống oan sai. Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp là yêu cầu tất yếu khách quan không chỉ bắt nguồn từ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước, mà còn bắt nguồn từ đặc điểm riêng của công tác tư pháp. Đổi mới, hoàn thiện nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp chính là nhằm bảo đảm cho các cơ quan này làm đúng chức năng, nhiệm vụ bảo vệ pháp luật. Xuất phát từ thực tiễn lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp thời gian qua, đặc biệt là từ những yêu cầu đặt ra đối với công tác tư pháp trong thời kỳ mới, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng cần đổi mới theo hướng sau đây:

- Cần tập trung lãnh đạo công tác xây dựng và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp một cách toàn diện;

- Xây dựng chương trình hành động của từng tổ chức đảng trong các cơ quan tư pháp và các cơ quan bổ trợ tư pháp;

- Quy chế hoá chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng trong hệ thống các cơ quan tư pháp và các cơ quan bổ trợ tư pháp; giữa các cơ quan tư pháp với nhau và giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan nhà nước hữu quan trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp;

- Tăng cường công tác kiểm tra đảng đối với các cơ quan tư pháp trong tổ chức thực hiện quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về công tác tư pháp;

- Tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức xã hội khác đối với các cơ quan tư pháp;

- Ổn định tổ chức, tăng cường năng lực của các cơ quan tham mưu của Đảng về công tác nội chính, trong đó có cơ quan tư pháp.

- Đối với các loại án thông thường, cấp uỷ đảng lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm các hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, từ đó có chủ trương lãnh đạo, kiện toàn các cơ quan đó. Nói chung, cấp uỷ đảng không can thiệp vào công tác xét xử, không chỉ thị, quy định mức tội, mức án, bảo đảm tính độc lập trong quá trình xét xử.

- Đảng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, có biện pháp ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực của một số cán bộ tư pháp.

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về phân định và quan hệ giữa lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Trong vấn đề này cần xác định rõ loại việc, tính chất công việc và quy mô công việc nào mà Đảng phải chủ động ra nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay (Trang 103 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)