Công khai, minh bạch tài sản, thu nhập và hoạt động của cơ quan, tổ chức

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay (Trang 107 - 109)

quan, tổ chức

Công khai, minh bạch là yếu tố quan trọng nhất của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phải thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập và xác minh bản kê khai theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng. Người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. “Trong trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản không trung thực thì bị xoá tên khỏi danh sách ứng cử, người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai tài sản không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến” [8, tr.41].

Mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức đều phải công khai, từ hoạt động tài chính, thu chi ngân sách, mua sắm công, xây dựng cơ bản, quản lý đầu tư dự án xây dựng, huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân cho đến các khoản viện trợ, tài trợ. Tất cả các hoạt động này đều phải được thực hiện công khai, minh bạch bằng nhiều hình thức như: công bố tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp thông tin theo yêu cầu…

Đối với việc quản lý dự án đầu tư xây dựng thì dự án quy hoạch đầu tư xây dựng phải được lấy ý kiến nhân dân địa phương nơi quy hoạch. Đối với những dự án đầu tư xây dựng từ ngân sách địa phương phải được Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định. Dự án đầu tư xây dựng sau khi được quyết định phê duyệt phải được công khai để nhân dân giám sát.

Trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, các cấp ngân sách phải công khai chi tiết số liệu dự toán và quyết toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn. Đơn vị dự toán ngân sách có nguồn thu và các khoản chi từ các khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân phải công khai mục đích huy động, kết quả huy động và hiệu quả sử dụng. Việc phân bổ, sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước cho các dự án, chương trình, mục tiêu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải công khai cho cơ quan, tổ chức hữu quan và nhân dân nơi trực tiếp thụ hưởng biết.

Đối với việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng công trình, lập quỹ trong phạm vi địa phương phải lấy ý kiến nhân dân và được Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, việc sử dụng các khoản đóng góp này phải được công khai để nhân dân giám sát và phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.

Đối với các lĩnh vực xã hội khác, việc công khai, minh bạch cũng phải được thực hiện đúng quy định pháp luật. Làm tốt được điều này thì việc phòng, chống tham nhũng sẽ đạt được kết quả khả quan.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay (Trang 107 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)