Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay (Trang 73)

Để có thể khắc phục những yếu kém nêu trên để tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không thể không tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân của những yếu kém đó. Có thể nhận thấy những tồn tại, hạn chế trên đây xuất phát từ bốn nguyên nhân chính sau đây:

Thứ nhất, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa

của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong điều kiện kinh tế- xã hội phát triển còn thấp. Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa xuất phát điểm từ một nền sản xuất nông nghiệp nhỏ, kém phát triển, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của các cuộc chiến tranh kéo dài, đồng thời duy trì quá lâu cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung, bao cấp, trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, tư tưởng tập trung quan liêu bao cấp… Vì vậy, việc tìm tòi, xây dựng một mô hình nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện nêu trên là một vấn đề không đơn giản, hơn nữa đây là một vấn đề mới về lý luận chưa có tiền lệ trên thế giới. Do vậy, đây không thể là công việc của một vài năm mà là công việc của nhiều thập kỷ,

đòi hỏi sự tìm tòi, khai phá, đúc kết kinh nghiệm một cách bền bỉ và kiên trì.

Thứ hai, nhiều vấn đề lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã

hội chủ nghĩa và về nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân chưa được nghiên cứu một cách cơ bản và có hệ thống, chưa xác định rõ vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chưa xác định rõ nội hàm của nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Điều này phản ánh rõ thực trạng thiếu nghiên cứu lý luận thấu đáo, thiếu tổng kết thực tiễn kịp thời làm căn cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách xây dựng pháp luật. Do đó, nhiều vấn đề lớn, quan trọng được nêu trong nghị quyết của Đảng nhưng thiếu hoặc không rõ nội dung, định hướng nên chậm, khó được thể chế hóa thành pháp luật. Ví dụ như, do chưa làm sáng tỏ mối quan hệ quyền tự do kinh doanh và chức năng quản lý nhà nước, chưa nghiên cứu để xác định rõ các tiêu chí phân định chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sản xuất-kinh doanh, vì vậy pháp luật của chúng ta vẫn mang tính hỗn hợp các nguyên tắc của cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung và cơ chế thị trường; trong không ít trường hợp nhà nước vẫn can thiệp bằng con đường hành chính trong một số lĩnh vực quan trọng… Hệ quả tất yếu của vấn đề là sự không rõ ràng về mặt pháp lý và vì vậy hiệu quả điều chỉnh của pháp luật còn nhiều hạn chế, vai trò thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển chưa thực sự rõ nét.

Do đó, một số chính sách của Nhà nước còn mang nặng tính giải pháp tình thế, thiếu định hướng tổng thể với tầm nhìn chiến lược, khó và chậm đi vào thực tiễn nhưng chưa được kịp thời đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân để rút ra bài học và các giải pháp xử lý, khắc phục. Việc thể chế hoá chính sách của Đảng, nhà nước thành pháp luật thiếu tính hệ thống, thiếu tính toàn diện và chậm so với yêu cầu thực tiễn.

Thứ ba, ý thức, nhận thức sống và làm việc trong môi trường pháp luật

của nhân dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ý thức pháp luật của cán bộ, công chức thi hành pháp luật chưa đáp ứng được đòi hỏi của công vụ được giao và yêu cầu của nhà nước pháp quyền. Tư tưởng, nếp sống thời bao cấp và sự điều hành của nhà nước chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính góp phần dẫn đến thái độ xem nhẹ vai trò của pháp luật từ phía người dân và tình trạng buông lỏng, có khi thả nổi từ phía cơ quan nhà nước trong quản lý xã hội bằng pháp luật. Thói quen ứng xử theo pháp luật vẫn chưa hình thành trong xã hội, một số tàn dư của chế độ cũ, tư tưởng cục bộ, bản vị, nếp nghĩ “phép vua thua lệ làng” vẫn còn rơi rớt, tồn tại.

Thứ tư, hiện nay còn thiếu những giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm đổi

mới tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Các thiết chế thi hành pháp luật trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường còn chậm đổi mới. Sự bất cập trong công tác cán bộ làm cho lực lượng cán bộ chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng so với yêu cầu nhiệm vụ tham mưu và tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ pháp lý còn manh mún, thiếu đồng bộ. Việc quy hoạch cán bộ còn hình thức và ít tác dụng. Đặc biệt là chế độ tiền lương chưa có tác dụng khuyến khích cán bộ, công chức tận tâm làm việc. Công tác giáo dục chính trị và đạo đức nghề nghiệp chưa được quan tâm thoả đáng trong khi một bộ phận đáng kể cán bộ, công chức chưa hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật, vì vậy, chưa phát huy được vai trò nòng cốt, chủ động, gương mẫu của đội ngũ này trong tổ chức thi hành pháp luật. Những biểu hiện sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội nghiêm trọng có tổ chức của cán bộ, công chức, nhất là những người có chức, có quyền trong Đảng, trong cơ quan nhà nước, trong các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp chậm được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh,

gây quan ngại và làm giảm đáng kể lòng tin của nhân dân vào hiệu lực thực tế của pháp luật và bộ máy nhà nước. Mặt khác, chưa có cơ chế cụ thể, hữu hiệu và các điều kiện cần thiết để thực thi quyền giám sát của xã hội, của nhân dân đối với việc thi hành pháp luật.

Chương 3

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay (Trang 73)