Chất lượng của hệ thống pháp luật

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay (Trang 54 - 57)

Trong hơn 20 năm đổi mới, chất lượng về nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật có những tiến bộ đáng kể. Nói một cách khái quát, các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đang dần dần tiếp cận gần hơn với những tiêu chí của một văn bản quy phạm pháp luật “tốt” - văn bản “chứa đựng đúng đắn, khách quan các giá trị chính trị – kinh tế – xã hội ở trong nước, đồng thời chứa đựng các giá trị nhân loại được thừa nhận chung” [29, tr.5].

Có thể nhận thấy, về mặt nội dung, các văn bản quy phạm pháp luật đã đáp ứng được phần nào những tiêu chí của một văn bản pháp luật trong nhà nước pháp quyền như: thể hiện đúng đắn ý chí và nguyện vọng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động - số đông người trong xã hội; phù hợp với các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội tồn tại một cách khách quan trong thời kỳ đó; phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; có nội dung hợp hiến, hợp pháp; có nội dung điều chỉnh rõ ràng, minh bạch, ổn định và có thể dự đoán trước...

Về mặt nội dung có thể thấy đường lối, chính sách đổi mới của Đảng

được thể chế hoá trong các văn bản pháp luật. Trong thời gian qua, nội dung

các dự án luật, pháp lệnh đã bám sát nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ, thể chế hoá được nhiều đường lối, chính sách đổi mới của Đảng trên nhiều lĩnh vực. Vì thế, nội dung của luật, pháp lệnh chứa đựng những tư duy pháp lý mới, làm cho luật, pháp lệnh trở thành phương tiện đầy hiệu lực để đưa đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống, làm cho đường lối, chính sách

của Đảng trở thành hiện thực. Trước hết, thể chế hoá quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng trong lĩnh vực kinh tế. Những chủ trương lớn của Đảng về “phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, về “tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân” [4, tr.129]… được cụ thể hoá trong các quy định của luật, pháp lệnh. Về vấn đề này, có thể kể đến một luật, pháp lệnh như: Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu… Việc thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng trong nội dung các dự án luật nói trên đã góp phần quan trọng tạo nên thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua.

Các đạo luật, pháp lệnh ngày càng thể hiện sâu sắc ý chí, nguyện vọng của nhân dân lao động. Không chỉ bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, các đạo luật, pháp lệnh còn phản ánh mong muốn, nguyện vọng của nhân dân trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Việc đơn giản hoá thủ tục thành lập doanh nghiệp thể hiện trong các quy định của Luật doanh nghiệp, việc làm rõ các quyền của người sử dụng đất và tạo điều kiện cho hoạt động chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong Luật đất đai, các quy định tạo cơ sở pháp lý hình thành thị trường điện lực trong Luật điện lực, việc tăng cường và tạo cơ chế cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước thể hiện trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội… là những ví dụ cho thấy các quy định của nhiều dự án luật, pháp lệnh đã phản ánh trung thực mong muốn của nhân dân, góp phần phát huy sức sản xuất và quyền làm chủ của nhân dân, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.

Để thể hiện ý chí của nhân dân lao động vào nội dung dự án luật, pháp lệnh, cơ chế dân chủ trong xây dựng pháp luật như: lấy ý kiến của nhân dân,

lấy ý kiến của các ngành, các cấp, của đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản, việc tiếp thu và chỉnh sửa dự án luật, pháp lệnh theo ý kiến của nhân dân và đại biểu Quốc hội… đã ra đời và thực hiện nghiêm chỉnh trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh đã góp phần làm cho nội dung của luật, pháp lệnh phản ánh ngày càng đầy đủ những mong muốn, yêu cầu của người dân, điều chỉnh các vấn đề dựa trên lợi ích của đông đảo nhân dân lao động.

Bên cạnh đó, các đạo luật, pháp lệnh có sự kế thừa và phát triển các giá

trị tiến bộ của nhân loại được thừa nhận chung trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng pháp luật phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo,

trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nội dung các dự án luật, pháp lệnh ngoài việc phản ánh những điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước cũng đã tiếp cận và phản ánh những giá trị tiến bộ được thừa nhận chung của nhân loại, tuân thủ những quy luật khách quan trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Các nhà lập pháp đã quan tâm tới việc học hỏi, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới, vận dụng vào điều kiện ở Việt Nam, tạo điều kiện cho việc mở rộng giao lưu hợp tác giữa nước ta và thế giới. Có những vấn đề trước đây chưa từng được đề cập trong các văn bản có giá trị pháp lý cao như hạn chế độc quyền, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, chống bán phá giá, bán hàng đa cấp, chống trợ cấp, vấn đề hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người, xác định lại giới tính… đã được đưa vào nội dung các dự án luật, pháp lệnh trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm của các nước (Luật thương mại (sửa đổi), Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật cạnh tranh, Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam…).

Một trong những yêu cầu cần thiết đặt ra đối với hệ thống pháp luật Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là bảo đảm tính minh bạch, nó trở thành yêu cầu, nguyên tắc của pháp luật quốc gia trong mối quan hệ

với pháp luật quốc tế mà quốc gia đó tham gia ý kết hay gia nhập. Đối với pháp luật, minh bạch đó là tính rõ ràng, ổn định, có thể dự đoán trước của các quy phạm pháp luật trong các đạo luật hay pháp lệnh. Nhờ tính rõ ràng, ổn định, có thể dự đoán được của các quy phạm pháp luật mà quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể được bảo vệ, hạn chế được sự lợi dụng của các bên quan hệ, nhất là sự lộng quyền, lạm quyền từ phía cơ quan hay cá nhân trong bộ máy nhà nước.

Chất lượng của các đạo luật, pháp lệnh ngày càng được nâng cao trước hết bắt nguồn từ nhận thức sâu sắc vai trò của pháp luật trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong việc phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền và mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Vì thế, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã quan tâm đến hoạt động lập pháp. Hoạt động lập pháp được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ do luật định. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng khoa học và phù hợp hơn. Các cơ quan tham gia vào quá trình lập pháp đã có sự phối hợp chặt chẽ và đề cao trách nhiệm ngày càng tốt hơn. Sự cố gắng hoàn thiện trong mỗi khâu, mỗi giai đoạn, của mỗi chủ thể trong quy trình lập pháp đã góp phần tạo nên những chuyển biến cơ bản về chất lượng của hệ thống văn bản pháp luật, làm cho các văn bản này ngày càng đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi của thực tiễn.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)