Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay (Trang 90 - 95)

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có chất lượng tốt cả về nội dung lẫn hình thức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, một đòi hỏi cấp thiết, một tất yếu khách quan của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Không sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật với chất lượng tốt sẽ không kịp thời tạo ra được môi trường pháp lý bình đẳng, thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tồn tại và phát triển, không thể quản lý xã hội

ổn định nếu thiếu pháp luật. Chính vì vậy, cần có những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ đó thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật mới đạt hiệu quả cao.

Trước hết, pháp luật phải thể hiện đúng đắn ý chí và nguyện vọng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động - số đông người trong xã hội. Nội dung của ý chí và nguyện vọng thể hiện trong luật phải phù hợp với các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội tồn tại một cách khách quan trong thời kỳ đó.

Để nguyên tắc này được thực hiện, việc xây dựng luật, pháp lệnh phải tiến hành điều tra xã hội học để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nghiên cứu lợi ích khác nhau của các đối tượng điều chỉnh. Trên cơ sở đó hình thành các quy phạm pháp luật. Tuỳ theo phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự án luật rộng hay hẹp mà tiến hành việc lấy ý kiến của nhân dân trên diện rộng hay trong phạm vi hẹp, nhằm thu hút nhân dân đóng góp ý kiến một cách thiết thực, tránh hình thức, qua loa, hời hợt. Bằng cách đó mà pháp luật sẽ thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với thực tiễn kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ. Đồng thời cũng bằng cách đó mà luật sau khi ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân tự giác chấp hành.

Hai là, pháp luật phải thể chế đúng đắn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ

Đường lối chính sách của Đảng chỉ đạo pháp luật từ nội dung đến cả hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Ngược lại pháp luật lại thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng thành các quy phạm pháp luật có tính bắt buộc chung. Do đó nhà làm luật phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này trong hoạt động lập pháp. Xa rời nguyên tắc này pháp luật thiếu sự định hướng nội dung điều chỉnh về phương diện chính trị pháp lý. Vì thế, thể chế hoá đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng thành các quy phạm pháp luật

trong các đạo luật là nguyên tắc và là đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng của luật.

Ba là, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của luật

Sự tuân thủ Hiến pháp và luật trong hoạt động lập pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhờ đó mà bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật. Để tuân thủ nguyên tắc này, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, tổ chức trong quy trình xây dựng luật, kể từ khi soạn thảo, thẩm tra cho đến khi xem xét thông qua dự án luật. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định Uỷ ban pháp luật có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật trước khi trình Quốc hội.

Cùng với các giải pháp trên, việc nâng cao năng lực lập pháp của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội cũng là nhân tố quan trọng để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong hoạt động lập pháp [31, tr.55].

Bốn là, bảo đảm sự điều chỉnh đồng bộ, có hệ thống

Xây dựng hệ thống pháp luật có hệ thống, đồng bộ là một trong những đòi hỏi quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Một hệ thống pháp luật như vậy mới có khả năng điều chỉnh có hiệu quả hệ thống các quan hệ xã hội rất đa dạng, phong phú trên nhiều phương diện mới, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá mới giải quyết tốt những mâu thuẫn xã hội phát sinh bằng các hình thức pháp lý phù hợp.

Để bảo đảm sự điều chỉnh đồng bộ, có hệ thống của luật, pháp lệnh, thì ngay từ khâu chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải xác định chương trình dài hạn với tư cách là một chiến lược lập pháp. Để làm điều đó

cần phải nghiên cứu để xác định được những vấn đề pháp lý đặt ra trong đời sống xã hội, xác định một cách toàn diện và đầy đủ những nhu cầu xã hội về điều chỉnh pháp luật. Cần phải căn cứ vào cương lĩnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, nhà nước. Chiến lược lập pháp phải đáp ứng các yêu cầu này thì mới có cơ sở để xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất.

Năm là, bảo đảm luật, pháp lệnh phải có nội dung điều chỉnh bao quát và có tính khả thi

Trong mỗi lĩnh vực của đời sống xã hội, pháp luật phải điều chỉnh một cách bao quát toàn bộ các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực đó. Khắc phục tình trạng trong một lĩnh vực quan hệ xã hội này được luật điều chỉnh, quan hệ xã hội kia lại chưa có luật điều chỉnh, dẫn đến tình trạng khập khễnh, không khả thi. Bên cạnh việc bảo đảm tính bao quát toàn diện của hệ thống pháp luật, một nguyên tắc cũng rất quan trọng trong hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh chính là tính khả thi của dự án luật, pháp lệnh.

Để làm được điều đó năng lực lập pháp của các nhà làm luật đóng vai trò quan trọng. Trước hết đòi hỏi nhà làm luật phải dựa trên các căn cứ khoa học, phải tổng kết thực tiễn, thăm dò dư luận xã hội hoặc điều tra xã hội học về khả năng tiếp nhận của nhân dân, năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, chi phí tài chính phải bỏ ra và thời gian cho quá trình điều chỉnh, mức độ công khai và minh bạch về nội dung. Tất cả phải được nhà làm luật tính toán trong quá trình soạn thảo các quy phạm pháp luật. Như vậy, để đảm bảo pháp luật có tính khả thi thì nội dung của nó phải phù hợp với thực tế khách quan và khoa học.

Tính minh bạch của pháp luật phải chứa đựng những quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh rõ ràng, dễ hiểu, người có thẩm quyền áp dụng cũng như người thực hiện quy phạm pháp luật đều hiểu giống nhau. Để góp phần làm điều đó cần thành lập một trang web riêng, đăng tải các dự thảo luật, pháp lệnh cũng như các tờ trình về nó. Trang web này được truy cập miễn phí và thiết lập diễn đàn để những người truy cập có thể thảo luận, trao đổi ý kiến góp ý về nội dung của các dự thảo luật, pháp lệnh. Trên cơ sở đó, các cơ quan có chức năng soạn thảo, thẩm định, thẩm tra luật, pháp lệnh nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh.

Việc công bố các văn bản pháp luật không chỉ cần thiết sau khi ban hành mà trước khi ban hành chính thức cũng rất quan trọng. Việc công bố các dự luật trước khi ban hành sẽ góp phần làm cho luật được tiến hành soạn thảo một cách minh bạch, nâng cao tính dân chủ trong quá trình xây dựng luật. Quá trình thảo luận rộng rãi, góp ý làm cho luật khách quan, minh bạch hơn, tránh cảm giác áp đặt chủ quan, duy ý chí.

Cùng với việc thành lập trang web, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội cần thành lập một trung tâm dữ liệu luật để nhân dân và những nhà nghiên cứu có điều kiện tham khảo [31, tr.87].

Bảy là, luật, pháp lệnh phải phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Ngày nay, nước ta đã ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương với các nhà nước và tổ chức quốc tế nghĩa là Việt Nam đã cam kết, tuân thủ các điều ước quốc tế đó. Vì thế, sau khi ký kết các điều ước quốc tế, nhà nước ta phải có nghĩa vụ nội luật hoá.

Để làm điều đó, một mặt phải rà soát các quy định trong các văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành, đối chiếu với quy định của điều ước quốc tế để

sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ quy định cho phù hợp với các điều ước quốc tế. Mặt khác, khi xây dựng luật hay pháp lệnh mới cần phải đối chiếu với các điều ước quốc tế đã ký kết để có các quy định phù hợp, tránh mâu thuẫn chồng chéo với điều ước quốc tế.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay (Trang 90 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)