2.4.1. Những thành tựu đạt được
Văn kiện Đại hội V của Đảng (năm 1982), lần đầu tiên nêu khái niệm về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý: “Xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động theo cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý là vấn đề có ý nghĩa quyết định để hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng quan trọng và cấp bách trong thời gian tới” [1, tr. 51]. Sau nhiều kỳ đại hội, lý luận về mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý đã trở thành hệ thống quan điểm của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Đây là một hệ thống quan điểm lý luận mới, được Đảng ta phát huy một cách sáng tạo từ những lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mac-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Gần đây nhất, một trong những nhiệm vụ được Đại hội Đảng lần thứ X xác định là “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước”. Văn kiện Đại hội cũng nêu rõ: “Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước; trái lại, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của Nhà nước trong quản lý đất nước và xã hội” [6, tr.51]. Các nghị quyết của Đảng đã từng bước làm rõ những phương hướng cơ bản mối quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước trên các lĩnh vực. Chất lượng lãnh đạo của Đảng được nâng cao hơn, tình trạng tổ chức đảng bao biện làm thay được khắc phục phần lớn, đã tạo tiền đề cho việc kiện toàn, phát huy vai trò và hiệu lực quản lý nhà nước. Mối quan hệ của nhà nước với các đoàn thể xã hội đã được thể chế hoá một bước; một số đoàn thể xã hội đã phát huy được vai trò tham gia quản lý nhà nước.
Nội dung Đảng lãnh đạo thể hiện trên các mặt như: đề ra đường lối đối nội và đối ngoại đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; giữ vững và tăng cường bản chất của Đảng; nâng cao bản lĩnh
chính trị, phẩm chất, năng lực lãnh đạo và năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ, đảng viên; không ngừng củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; củng cố mối liên hệ mật thiết với nhân dân, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ…
Sau hơn 20 năm đổi mới, qua kiểm nghiệm thực tiễn, ngày càng thấy rõ hơn nội dung và phạm vi lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với nhà nước và các đoàn thể nhân dân, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhìn chung, Đảng đã nêu cao được trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định về phương hướng những vấn đề trọng đại của đất nước, làm cho bộ máy hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền, các cơ quan tư pháp, được năng động hơn, chủ động hơn.
Lý luận về nhân dân làm chủ trong chế độ xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ lý luận cách mạng, là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định xã hội ta là xã hội “do nhân dân lao động là chủ” và “bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân” [11, tr.8,9]. Và Hiến pháp năm 1992 đã thể chế quan điểm này tại Điều 2: “Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức” [7, tr.123]. Sự khẳng định này là hoàn toàn phù hợp với thực tế Việt Nam. Đây là biểu hiện của vấn đề dân chủ mới ở Việt Nam. Nó xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh: mọi quyền hành và lực lượng đều tập trung nơi dân.
Thực tiễn Việt Nam qua 20 năm đổi mới cho thấy ý chí và quyền lực của nhân dân được thể hiện trong pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật, trong thể chế dân chủ của đất nước. Nhân dân thực hiện quyền làm
chủ của mình thông qua nhà nước, thông qua các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Vì vậy nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm để mọi công dân thực hiện tốt các quyền cơ bản của mình.