Đảng lãnh đạo Quốc hội bằng những quan điểm định hướng về xây dựng Hiến pháp, các đạo luật, các chính sách lớn, các vấn đề trọng đại về quốc kế, dân sinh… Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội nhằm phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của Quốc hội hướng vào thực hiện đường lối của Đảng, thể hiện đầy đủ tinh thần dân chủ trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội.
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội theo phương thức Bộ Chính trị chỉ nêu định hướng, quan điểm, nguyên tắc, chủ trương, giải pháp lớn, còn Quốc hội vẫn thảo luận và quyết định theo đa số. Ban chấp hành trung ương đưa ra Quốc hội những định hướng lớn về xây dựng và sửa đổi hiến pháp, các đạo luật lớn, các vấn đề kinh tế, xã hội trọng đại; các định hướng phát triển kinh tế-xã hội hàng năm; giới thiệu nhân sự ứng cử vào các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội thảo luận và bầu cử theo luật định.
Trước khi Quốc hội họp, Bộ chính trị nghe Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội báo cáo về chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội và cho ý kiến chỉ đạo. Đảng lựa chọn và giới thiệu đảng viên có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức ứng cử vào các chức vụ chủ chốt của bộ máy nhà nước và sang hoạt động ở Quốc hội.
Trung ương và Bộ Chính trị thông qua Đảng đoàn Quốc hội và các đảng viên là đại biểu Quốc hội để lãnh đạo hoạt động của Quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội có trách nhiệm lãnh đạo Quốc hội thực hiện đúng đắn đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Đảng đoàn Quốc hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đảng viên là đại biểu Quốc hội. Thuyết phục, vận động các đại biểu Quốc hội ngoài Đảng làm theo đường lối, quan điểm của Đảng. Trong trường hợp cần thiết, cần tổ chức quán triệt nghị quyết của Đảng trong các đảng viên là đại biểu Quốc hội trước khi đưa ra bàn bạc. Hoặc khi cần thiết, người đại diện của Đảng trình bày quan điểm của Trung ương với Quốc hội để Quốc hội thảo luận.