Giai đoạn 2003 đến nay

Một phần của tài liệu Đổi mới hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Trang 35)

Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đánh dấu 1 bước phát triển về hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh. Lần đầu tiên hoạt động giám sát được quy định tập trung trong 1 chương riêng của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND và đại biểu HĐND. Tiếp theo đó, Quy chế hoạt động của HĐND đã cụ thể hóa hoạt động này.

Luật cũng như Quy chế đã quy định rõ các chủ thể có quyền giám sát, trong đó, lần đầu tiên, Thường trực HĐND được quy định rõ là chủ thể tiến hành giám sát. Chủ thể tiến hành giám sát gồm: HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND và đại biểu HĐND. Với việc quy định rõ về chủ thể giám sát đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế của HĐND trong hoạt động giám sát, nhất là Thường trực HĐND đã có “danh chính” để tiến hành giám sát.

Các hình thức giám sát cũng đã được phân định rạch ròi, trong đó, bổ sung nhiều hình thức mới như: xem xét văn bản quy phạm pháp luật, thành lập Đoàn giám sát của HĐND, bỏ phiếu tín nhiệm; Thường trực HĐND xem xét kết quả giám sát của các Ban; Ban yêu cầu các cơ quan hữu quan báo cáo, cử thành viên đến cơ quan, tổ chức để xem xét, xác minh ... Có những hình thức mà Thường trực HĐND, Ban của HĐND đã tiến hành trước khi có Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, tuy nhiên, hoạt động đó mang tính kinh nghiệm và không có tính pháp lý.

Trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động giám sát cũng đã được quy định cụ thể trong Luật và Quy chế. Các bước tiến hành rõ ràng, đã góp phần giúp các chủ thể tiến hành giám sát được thuận tiện, có bài bản.

Đối tượng bị giám sát cũng đã được quy định tương đối rõ, tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng mà Luật quy định HĐND có quyền giám sát nhưng chưa được quy định hình thức, trình tự giám sát như thế nào, như: giám sát việc tuân theo pháp luật của công dân, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang ở địa phương. Hiện mới chỉ quy định tương đối cụ thể về đối tượng giám sát là hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND.

Hậu quả pháp lý sau giám sát, việc tiếp tục theo dõi sau kiến nghị của hoạt động giám sát ... cũng đã từng bước được quy định vào trong Luật và Quy chế, tuy nhiên vẫn còn có hạn chế nhất định đối với các trườnghợp đối tượng bị giám sát không tiếp thu ý kiến của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND và đại biểu HĐND sau khi kết thúc hoạt động giám sát.

Có thể thấy rằng quy định về hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh đã được quy định, ghi nhận trong Luật và Quy chế, góp phần giúp hoạt động giám sát có hiệu lực, hiệu quả, từng bước nâng cao vị thế của HĐND cấp tỉnh.

Một phần của tài liệu Đổi mới hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Trang 35)