Cơ chế pháp luật

Một phần của tài liệu Đổi mới hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Trang 85)

Quy định về chức năng giám sát, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong hoạt động giám sát được quy định cơ bản trong Hiến pháp 1992, được cụ thể hóa trong Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và tiếp theo đó Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 làm rõ thêm quy trình, trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động giám sát. Đây là những văn bản pháp lý cơ bản, quan trọng để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

So sánh với Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1993 cũng như Quy chế hoạt động của HĐND các cấp năm 1996, những quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh đã rõ ràng, cụ thể hơn, giúp cho HĐND hoàn thành tốt chức năng giám sát của mình. Đơn thuần như quy định HĐND, Thường trực HĐND và Ban của HĐND phải có chương trình giám sát hàng năm, hàng quý và hàng tháng của mình góp phần làm cho đại biểu tự quyết được nội dung giám sát, đồng thời giám sát được việc thực hiện chương trình giám sát của HĐND.

Một số điểm nổi bật của pháp luật hiện hành giúp nâng cao năng lực giám sát của HĐND là:

- Các căn cứ để tiến hành hoạt động giám sát cũng được quy định rõ và rộng hơn như: theo đề nghị của đại biểu HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

qua thông tin đại chúng, kiến nghị và khiếu nại, tố cáo của cử tri ở địa phương...;

- Phương thức giám sát cũng được đa dạng, giám sát trong kỳ họp, giữa 2 kỳ họp với Đoàn giám sát, cử thành viên xác minh trực tiếp, xem xét báo cáo ...;

- Trình tự, thủ tục tiến hành giám sát được quy định rõ ràng, giúp các chủ thể tiến hành giám sát thuận lợi như quy định về: gửi chất vấn trong và giữa 2 kỳ họp, thành lập Đoàn giám sát, tiếp công dân và đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo, bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét văn bản quy phạm pháp luật, xem xét báo cáo sau khi kết thúc đợt giám sát...

- Nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể khi thực thi hoạt động giám sát cũng được ghi nhận theo hướng tăng quyền cho chủ thể, như: yêu cầu đối tượng bị giám sát báo cáo, xem xét xác minh tại chỗ, yêu cầu áp dụng biện pháp để chấm dứt hành vi vi phạm, xử lý người vi phạm, đề nghị HĐND xem xét hủy bỏ văn bản quy phạm trái luật, nghị quyết ...

- Những hoạt động sau khi kết thúc giám sát là một trong những điểm mới góp phần nâng cao hiệu quả giám sát, đó là: theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị, theo dõi việc thực hiện lời hứa của người bị chất vấn, ra nghị quyết về vấn đề bị giám sát khi xét thấy cần thiết ...

Những quy định của pháp luật hiện hành tuy tạo ra bước phát triển mạnh mẽ trong hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2004-2009 nhưng vẫn không tránh khỏi những hạn chế khi áp dụng trong thực tiễn. Có những quy định về hình thức giám sát của các chủ thể nhưng các chủ thể khó thực hiện do chưa có quy định trình tự, dẫn đến mỗi địa phương thực hiện khác nhau. Cụ thể là:

- Một số hình thức giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND và đặc biệt là của đại biểu HĐND chưa được quy định cụ thể trình tự tiến hành, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giám sát, như: tập hợp đề nghị của đại biểu HĐND để kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm; Thường trực HĐND xem xét việc tả lời chất vấn trong trường hợp người bị chất vấn được HĐND cho phép trả lời bằng văn bản gửi đến Thường trực HĐND; cử thành viên của Ban đến xác minh vấn đề cụ thể; ...

- Một số hình thức giám sát được luật quy định nhưng không có tính khả thi, như việc tập hợp đủ đề nghị của một phần ba số đại biểu HĐND để trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm, chưa có địa phương nào tập hợp đủ, ngay đối với Quốc hội gồm gần 500 thành viên nhưng cũng chỉ có đề nghị của chưa quá 10 đại biểu đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với 1 bộ trưởng.

Một phần của tài liệu Đổi mới hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Trang 85)