Hiến pháp 1992 đánh dấu thời kỳ đổi mới của đất nước ta kể cả về kinh tế – xã hội và tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương xuống địa phương. Bộ máy nhà nước, trong đó có HĐND cấp tỉnh có những thay đổi cơ bản để đáp ứng đòi hỏi quản lý được nền kinh tế mới, theo kịp sự phát triển của tiến trình dân chủ.
Hiến pháp 1992 và Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1994 đã xác định rõ 2 chức năng của HĐND, một trong hai chức năng đó là:
Giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân về các lĩnh vực được quy định tại các điều 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 của Luật này; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan Nhà nước,
tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương (Điều 11, Luật tổ chức HĐND và UBND).
Nhìn chung, chức năng giám sát của HĐND cấp tỉnh trong Hiến pháp và Luật không có thay đổi nhiều so với quy định trong Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1983 và năm 1989. Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND ở mỗi cấp cũng như Quy chế hoạt động của HĐND các cấp năm 1996 đã quy định mang tính cụ thể hóa thẩm quyền giám sát của HĐND cấp tỉnh. Cụ thể là:
- Về chủ thể thực hiện quyền giám sát, Thường trực HĐND vẫn không được coi là chủ thể thực hiện quyền giám sát nhưng được thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn gần như hoạt động giám sát là: đôn đốc, kiểm tra UBND cùng cấp và các cơ quan Nhà nước khác ở địa phương thực hiện các nghị quyết của HĐND; tiếp dân, đôn đốc, kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, tổng hợp ý kiến và nguyện vọng của nhân dân để báo cáo tại kỳ họp của HĐND.
- Về phương thức giám sát, bổ sung thêm hoạt động chất vấn giữa hai kỳ họp thông qua Thường trực HĐND; hoạt động giám sát cũng đa dạng hơn, không chỉ thông qua việc xem xét báo cáo mà còn giám sát trực tiếp tại địa bàn, cơ quan, tổ chức.