Hai chủ thể tiến hành giám sát quan trọng, thường xuyên chính là Thường trực HĐND và các Ban của HĐND, vì vậy, hoạt động giám sát của 2 chủ thể này tốt hay không tốt sẽ có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động giám sát chung của HĐND. Bên cạnh hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong giám sát thì chất lượng của Thường trực HĐND và Ban của HĐND quyết định không nhỏ tới năng lực giám sát.
Nếu so với Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1993, Thường trực HĐND cấp tỉnh đã tăng 01 người, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Uỷ viên thường trực, trong đó, Chủ tịch HĐND hầu hết hoạt động kiêm nhiệm; Trưởng hoặc Phó trưởng ban của HĐND đã bắt buộc phải có ít nhất 1 vị trí hoạt động chuyên trách, một số ít địa phương bố trí cả 2 hoạt động chuyên trách. Như vậy, trong nhiệm kỳ 2004-2009, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách đã tăng, có nơi tăng từ 1 lên đến 5 đại biểu chuyên trách.
Đối với Thường trực HĐND, hoạt động đã mang tính tập thể hơn trước khi có 3 người, đảm bảo mọi quyết định được thực hiện theo đa số, khi Phó chủ tịch và Uỷ viên thường trực là những người có bản lĩnh, trình độ sẽ giúp cho hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND có hiệu quả, điều hòa, phối hợp tốt hoạt động của các Ban.
Đối với Ban của HĐND, chất lượng hoạt động không chỉ dựa vào Trưởng hoặc Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách mà là toàn bộ thành viên của Ban. Thông thường, Ban của HĐND cấp tỉnh có từ 5 đến 7 thành viên, các thành viên này công tác ở các ngành, tổ chức xã hội, và nhiều thành viên là lãnh đạo chính quyền địa phương cấp huyện. Chính vì vậy, trách nhiệm càng đặt nặng nên vai của đại biểu hoạt động chuyên trách. Việc lựa chọn tốt Trưởng, Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách giúp Ban chủ động trong hoạt động của mình, tích cực tổ chức tiến hành các hoạt động giám sát của Ban. Một thực tế là Trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thường là cấp ủy viên hoặc không là cấp ủy, nên rất e ngại và nể đối với Trưởng hoặc Phó Ban của HĐND hoạt động kiêm nhiệm là Thường vụ cấp ủy Đảng. Khi Ban của HĐND tiến hành giám sát mà có thành viên Đoàn giám sát là Thường vụ cấp ủy thì các cơ quan, tổ chức bị giám sát tuân thủ nghiêm chỉnh, không có thái độ bất hợp tác. Mặt khác, với vị trí là Thường vụ cấp ủy thì Trưởng hoặc Phó trưởng Ban có nhiều kênh và nhiều thông tin giúp cho hoạt động của Ban của HĐND. Bên cạnh đó, lựa chọn các thành viên của Ban có hiểu biết về lĩnh vực hoạt động của từng Ban, có điều kiện, thời gian tham gia hoạt động chung của Ban sẽ góp phần sử dụng sức mạnh, trí tuệ tập thể tốt, nâng cao chất lượng giám sát của Ban.