ADPL là một quá trình gồm nhiều giai đoạn khác nhau, được tiến hành theo một cơ chế nhất định bao gồm những khâu, những hành vi pháp lý và điều kiện pháp lý bảo đảm cho pháp luật được thi hành đúng đắn. ADPL trải qua các khâu phân tích, đánh giá toàn bộ tình huống, điều kiện, hoàn cảnh của sự việc
thực tế đã xảy ra; đối chiếu cơ sở thực tiễn với cơ sở pháp lý; lựa chọn các quy phạm pháp luật có giả định phù hợp với tình huống thực tế; ra văn bản ADPL; tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện văn bản ADPL đó trên thực tế.
ADPL hình sự của TAND được thực hiện thông qua những người tiến hành tố tụng (thẩm phán, hội thẩm, chánh án, phó chánh án) trên cơ sở tuân thủ những qui định chặt chẽ về trình tự, thủ tục của pháp luật tố tụng hình sự và căn cứ vào các tài liệu chứng cứ được thu thập trong quá trình xác định sự thật của vụ án, nhằm áp dụng những quy phạm pháp luật hình sự vào vụ án hình sự cụ thể, đối với bị cáo cụ thể khi xác định bị cáo có tội để quyết định trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự nếu có. Tuy tiến hành nhiều hoạt động ADPL hình sự cụ thể, nhưng nội dung chủ yếu trong hoạt động ADPL hình sự của Tòa án là định tội đối với bị cáo và lượng hình nếu bị cáo có tội.
Dựa trên tiêu chí về loại quy phạm pháp luật áp dụng trong hoạt động giải quyết án hình sự, có thể phân chia ADPL thành hai dạng:
+ ADPL nội dung (quy phạm pháp luật hình sự);
+ ADPL hình thức (quy phạm pháp luật tố tụng hình sự).
Dựa trên tiêu chí về trình tự thủ tục trong cả quá trình giải quyết án hình sự, có thể phân chia ADPL thành các giai đoạn:
+ ADPL trong thủ tục giải quyết án hình sự sơ thẩm; + ADPL trong thủ tục giải quyết án hình sự phúc thẩm;
+ ADPL trong thủ tục thi hành bản án và quyết định của Tòa án. Dựa trên tiêu chí phân đoạn trong quá trình giải quyết án hình sự có thể phân chia ADPL thành các giai đoạn:
+ ADPL giai đoạn chuẩn bị xét xử; + ADPL trong giai đoạn xét xử; + ADPL sau giai đoạn xét xử.
Việc phân chia ADPL trong hoạt động giải quyết án hình sự nói chung mang tính chất tương đối và chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, các dạng, loại hình ADPL trong quá trình giải quyết án hình sự thường đan xen lẫn nhau, chẳng hạn trong giai đoạn sơ thẩm hay phúc thẩm có cả việc ADPL nội dung và ADPL hình thức. Có thể nói rằng giải quyết án hình sự có nhiều khái niệm phân đoạn khác nhau, nhưng khái niệm hay phân đoạn nào thì tùy theo góc độ nghiên cứu nhưng phải tựu chung là hoạt động ADPL của TAND mang tính cụ thể cao, không mang tính trừu tượng mà mang tính hiện thực thông qua hành vi pháp lý thực tiễn và mỗi văn bản ADPL.
Tuy có nhiều cách tiếp cận các giai đoạn ADPL trong giải quyết hình sự của TAND, như cách tiếp cận theo trình tự thủ tục tố tụng, cách tiếp cận theo thẩm quyền áp dụng, nhưng nói chung các cách tiếp cận đó đều có những hạn chế nhất định. Trên thực tế thì các giai đoạn ADPL trong giải quyết án hình sự của TAND thường kết hợp theo nhiều tiêu chí, phổ biến là chia theo các giai đoạn giải quyết vụ án, thành các khâu xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, ra quyết định thi hành án, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Để thực hiện mỗi khâu đó thường có giai đoạn chuẩn bị trước khi tiến hành giải quyết.