Pháp luật với tư cách là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội, là các khuôn mẫu của hành vi hợp pháp, là phương tiện để Nhà nước quản lý xã hội, là công cụ để người dân thực hiện làm chủ, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước...
ADPL chính là những hoạt động pháp lý thực tiễn, đưa pháp luật vào thực tiễn đời sống xã hội. Cụ thể hoạt động ADPL hình sự của Tòa án là việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự đối với cá nhân bị Viện kiểm sát truy tố, nhằm xác định bị cáo có tội hay không? Nếu bị xác định là có tội sẽ bị áp dụng hình phạt rất nghiêm khắc, kể cả tước đoạt tính mạng. Vì vậy ADPL hình sự của TAND có vai trò đặc biệt quan trọng:
Trước hết ADPL hình sự của Tòa án có vai trò bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trước nguy cơ xâm hại của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các chủ thể khác. Tòa án phải xét xử công minh, kịp thời, đúng người đúng tội, không được làm oan người vô tội và không được bỏ lọt tội
phạm. Đề cập đến vấn đề này, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định:
Sai phạm nào cũng có thiệt hại, nhưng sai phạm của cán bộ tư pháp là hậu quả rất nặng nề. Nếu các đồng chí vì lý do gì đó, không truy tố, không xét xử người có hành vi phạm tội, bỏ lọt tội phạm, thì tội phạm hoành hành và có thể gây hậu quả lớn, có thể rất lớn, rất nghiêm trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội, cả về sinh mạng con người, kỷ cương pháp luật không nghiêm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội không được đảm bảo. Mặt khác, nếu làm oan người vô tội thì không những cá nhân người đó phải gánh chịu oan trái, đau khổ suốt cuộc đời, mà còn làm tan nát cả gia đình, con cái họ, làm cả dòng họ quê hương họ đau buồn, uất ức, mất lòng tin vào công lý, vào chế độ, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta và sẽ tạo sự bất an xã hội [4]. Bằng những bản án nghiêm minh, Tòa án đã góp phần vào việc duy trì trật tự xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tại Điều 1 BLHS 1999, góp phần tạo môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hội nhập quốc tế và cuộc sống của người dân. Áp dụng pháp luật hình sự của Tòa án có vai trò to lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thực định nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Thông qua thực tiễn xét xử án hình sự các quy phạm pháp luật được kiểm nghiệm về tính phù hợp hay chưa phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống, tính đồng bộ, toàn diện hay chưa toàn diện. Qua quá trình ADPL, các chủ thể ADPL trực tiếp phát hiện ra những lỗ hổng trong quản lý kinh tế xã hội, tính hợp lý cũng như những bất cập của chính các quy phạm pháp luật… do các nhà lập pháp không dự liệu hết các tình huống trong thực tế. Nếu các quy phạm pháp luật mang tính chung chung, khái quát dẫn đến cách hiểu và ADPL khác nhau, dễ tạo ra sự tùy tiện trong việc ADPL. Ngược lại, có quy phạm pháp luật lại quá cụ thể chi tiết, nếu tình huống thực tế xảy ra đúng dự liệu của các nhà lập pháp thì dễ ADPL, tuy nhiên các tình huống trong thực
tiễn lại rất đa dạng, phong phú, nhiều khi khác với dự liệu của quy phạm pháp luật dẫn đến lúng túng cho chủ thể ADPL. Mặt khác cũng qua công tác ADPL, còn phát hiện ra những quy phạm pháp luật lạc hậu không phù hợp với cuộc sống cần thay đổi (ví dụ BLHS sửa đổi thay đổi mức tiền từ năm trăm ngàn lên hai triệu đồng đối với một số tội chiếm đoạt tài sản, trộm cắp…); hoặc phát hiện hành vi mới, quan hệ xã hội cần phải có pháp luật điều chỉnh (ví dụ BLHS năm 1999 quy định mới một số loại tội phạm về tin học so với BLHS năm 1985). Như vậy ADPL hình sự của Tòa án góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
ADPL hình sự của Tòa án có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức pháp đối với nhân dân, thông qua các phiên tòa xét xử công khai, nhất là các phiên tòa xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án. Bằng những vụ án cụ thể, người thực, việc thực có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến dư luận và người dân, nếu vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo pháp luật, phạm tội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, đặc biệt có tác dụng răn đe đối với đối tượng có ý định phạm tội, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Kết quả ADPL của Tòa án chính là những khuôn mẫu pháp luật thực tế, pháp luật dưới nhãn quan của cơ quan tư pháp, cụ thể đối với từng vụ việc, không còn chung chung, giúp người dân tiếp cận pháp luật dễ dàng hơn. Hơn nữa quá trình xét xử Hội đồng xét xử trực tiếp giải thích pháp luật không chỉ có tác dụng đối với người tham gia tố tụng, mà còn có tác dụng đối với đông đảo quần chúng nhân dân tham dự phiên tòa để tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa hiểu rõ những gì pháp luật cho phép làm, những gì pháp luật nghiêm cấm, các biện pháp trừng trị đối với người phạm tội cũng như chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật hình sự. Bằng những bản án nghiêm minh đúng người đúng tội, đúng pháp luật Tòa án góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
ADPL của TAND có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi Tòa án
ADPL để giải quyết các vụ án hình sự cụ thể không chỉ đảm bảo đúng quy định của pháp luật mà còn phải cân nhắc phục vụ chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn cách mạng. Ví dụ: khi xét xử các vụ án phục vụ chủ trương cấm đốt pháo nổ, hoặc các vụ án phục vụ các đợt cao điểm chống buôn lậu… Tòa án thường đưa ra xử án điểm tại nơi xảy ra vụ án và quyết định hình phạt rất nghiêm khắc đối với các bị cáo này, nhằm răn đe mạnh mẽ các đối tượng có ý định phạm tội, đi ngược lại chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước. Về tội danh thì chỉ khi đủ dấu hiệu pháp lý cấu thành tội phạm mới kết tội đối với bị cáo. Nhưng khi lượng hình, để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương hoặc đường lối chính sách củ Đảng, Nhà nước, Tòa án xem xét quyết định áp dụng hình phạt chính cũng như hình phạt bổ sung trong khung hình phạt của tội danh vừa đảm bảo đúng pháp luật vừa đáp ứng được các yêu cầu phục vụ tích cực cho việc chấp hành đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng giai đoạn cách mạng. Các bản án hình sự của Tòa án luôn mang tính chính trị pháp lý. Thông qua chức năng xét xử Tòa án đã tích cực tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần quan trọng trong việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.
Tóm lại, việc ADPL hình sự của Tòa án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực chấp hành chính sách của Nhà nước và gián tiếp thực hiện đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam.