5. Kết cấu của luận văn
1.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý thu thuế tài nguyên
1.1.5.1. Yếu tố chủ quan
* Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác quản lý thuế tài nguyên
Với vai trò là người thực thi luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, cán bộ thuế đóng vai trò nòng cốt, quyết định đến hiệu quả của công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thuế tài nguyên nói riêng.
Thuế tài nguyên cùng với các sắc thuế khác được quy định, hướng dẫn thực thi bởi Luật và các văn bản dưới luật. Những quy định này được tuyên truyền rộng rãi và phổ biến đến NNT để NNT nắm rõ và thực hiện đúng quyền lợi và nghĩa vụ thuế của mình. Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện, NNT hoặc do sự thiếu quan tâm hiểu biết, hoặc do cố tình trốn, gian lận thuế nên phát sinh rất nhiều các tình huống mà nếu cán bộ thuế không vững về chuyên môn nghiệp vụ, sẽ không thể hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản là lĩnh vực hoạt động phức tạp, địa bàn quản lý rộng, có tính đặc thù do tài nguyên khoáng sản luôn gắn liền với tự nhiên, việc khai thác sử dụng là khó kiểm soát, đặc biệt là khai thác và sử dụng nhỏ lẻ. Các đơn vị khai thác tài nguyên cũng luôn tìm cách lách luật để trốn tránh nghĩa vụ thuế, càng đòi hỏi người cán bộ thuế phải am tường luật pháp và trau dồi kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để xử lý kịp thời và triệt để, tránh thất thu NSNN, mặt khác đem lại hiệu quả quản lý về mặt xã hội.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý thuế được hiểu bao quát về cả tài, cả đức, nói như Bác Hồ, người cán bộ phục vụ quần chúng nhân dân phải “vừa hồng vừa chuyên”, để không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà phải được lòng dân, dân trong giác độ quản lý thuế chính là NNT, người trực tiếp đóng góp vào số thu NSNN để có nguồn chi cho phát triển kinh tế xã hội, phát triển đất nước.
Xã hội luôn phát triển vận động không ngừng, quan điểm chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước cũng có những thay đổi cho phù hợp với thực tế. Về phương diện quản lý thuế nói chung và quản lý thuế tài nguyên nói riêng, các chính sách cũng luôn được cập nhật, bổ sung những yếu tố mới, sửa đổi những yếu tố chưa hợp lý để ngày càng làm hoàn thiện hơn các văn bản quy phạm pháp luật, để quản lý có hiệu quả hơn. Cán bộ thuế, người trực tiếp đại diện Nhà nước thi hành pháp luật về thuế cũng luôn phải cập nhật, trau dồi, học hỏi chính sách pháp luật cũng như nghiệp vụ chuyên môn để truyền đạt, hướng dẫn tận tình cho NNT cũng như kiểm tra, giám sát NNT thực hiện đúng đắn nghĩa vụ thuế của mình.
* Cơ chế phối hợp giữa các phòng chức năng trong cơ quan thuế và giữa cơ quan thuế với các cơ quan hữu quan
Bộ máy hoạt động của cơ quan thuế bao gồm các phòng ban chức năng, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của tổ chức, đứng đầu là người lãnh đạo. Công tác quản lý thuế cũng được quản lý theo từng phòng chức năng, chịu trách nhiệm công việc tương ứng với các quy trình quản lý thuế. Để tạo thành một thể thống nhất, quản lý hiệu quả thuế nói chung và thuế tài nguyên nói riêng, nhất thiết phải có sự phối hợp giữa các phòng ban chức năng trong cơ quan thuế.
Công tác quản lý thuế theo quy trình quy định rõ nhiệm vụ của từng bộ phận, từng bước công việc trong quá trình quản lý thuế, và bước công việc nào phối hợp cùng với phòng ban nào và phòng ban nào có chức năng nhiệm vụ cùng phối hợp thực hiện. Điều này tạo ra sự tương tác, gắn kết giữa các phòng ban, để vừa có sự chuyên sâu trong quản lý, vừa có sự liên kết giữa các bộ phận để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của ngành là thực hiện tốt công tác quản lý thuế.
Quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản tạo ra mối liên hệ giữa rất nhiều các cơ quan tổ chức, không chỉ cơ quan thuế, có rất nhiều các cơ quan khác cùng tham gia, tác động vào để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản của
quốc gia như Sở Tài nguyên môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh,... Do đó, trong công tác quản lý thuế tài nguyên, phải có sự phối hợp với cơ quan thuế với các cơ quan hữu quan để cùng đưa ra các giải pháp vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật về thuế tài nguyên, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và các quy định cụ thể của địa phương. Điều này tạo sự nhất quán giữa cơ quan thuế và các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Bởi bản thân thuế tài nguyên là nguồn thu quan trọng của ngân sách địa phương do được điều tiết 100% cho ngân sách địa phương (trừ dầu khí) theo Luật NSNN.
1.1.5.2. Yếu tố khách quan
* Trình độ và ý thức tuân thủ pháp luật của NNT
NNT là người trực tiếp đóng góp, tạo số thu NSNN thông qua việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. NNT là người bạn đồng hành của cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế, cơ quan thuế không thể quản lý thuế tốt nếu như không có sự hợp tác của NNT.
Với cơ chế “tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm”, NNT có nhiều hơn sự chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, nhưng đi cùng với đó là việc phát sinh nhiều tình huống vi phạm pháp luật về thuế do NNT hoặc không am hiểu tường tận về quy định pháp luật về thuế, hoặc do trình độ nghiệp vụ liên quan tới thuế hạn chế, hoặc do cố tình trốn thuế, gian lận thuế. Đòi hỏi cơ quan thuế phải sát sao hơn trong công tác phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật về thuế, kiểm tra và giám sát việc khai thuế, nộp thuế của NNT.
Thuế tài nguyên là loại thuế đặc thù do sản phẩm chịu thuế là tài nguyên, lấy từ thiên nhiên, và thuộc sở hữu của Nhà nước. Và mô hình chung, Nhà nước là của dân, chính bởi lẽ đó mà đối tượng khai thác tài nguyên vẫn thường tự cho mình quyền được khai thác và thu lợi nhuận từ tài nguyên đó trong khi lơ là nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Thuế tài nguyên vẫn được coi là sắc thuế mới và luôn được xem xét để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, chính vì vậy, bản thân NNT một mặt không cập nhật kịp thời và đầy đủ quy định, một mặt vẫn giữ thói quen lấy từ thiên nhiên không phải trả phí, nên gây rất
nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Số thu từ thuế tài nguyên không lớn, người nộp thuế tài nguyên không nhiều (so với các sắc thuế khác), nhưng công tác quản lý thuế tài nguyên luôn đòi hỏi sự đầu tư, quan tâm và giám sát quản lý chặt chẽ của cơ quan thuế. Rõ ràng là trình độ và ý thức của NNT trong việc tuân thủ quy định về thuế tài nguyên là rất quan trọng đối với công tác quản lý thuế tài nguyên.
* Sự thay đổi của hệ thống chính sách pháp luật thuế tài nguyên
Sự thay đổi về hệ thống chính sách thuế tài nguyên là tác động mang tính vĩ mô và sự tác động này mang ý nghĩa đối với công tác quản lý thuế tài nguyên bởi thuế tài nguyên được quy định thực hiện trong chính sách pháp luật thuế tài nguyên.
Thời điểm bắt đầu có quy định về thuế tài nguyên là năm 1990 với Pháp lệnh về thuế tài nguyên, những quy định mang tính chất khởi đầu và bao quát, tất yếu trong quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập và yêu cầu được sửa đổi. Năm 1998, Pháp lệnh thuế tài nguyên sửa đổi ra đời, có quy định chi tiết hơn, rõ ràng hơn về loại tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu của nhà nước, về đối tượng chịu thuế, về căn cứ tính thuế,... Tuy nhiên, trong quá trình thực thi vẫn phát sinh những vấn đề vướng mắc, bất cập cần được bổ sung, sửa đổi, rất nhiều các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành sửa đổi bổ sung và cho đến khi Luật thuế tài nguyên ra đời năm 2009. Sự ra đời của Luật thuế tài nguyên đánh dấu việc hệ thống hóa đối với chính sách pháp luật về thuế tài nguyên. Và sau khi Luật thuế tài nguyên được đưa vào sử dụng, Bộ Tài chính cũng ra các văn bản hướng dẫn thi hành để hướng dẫn chi tiết.
Mỗi lần bổ sung, sửa đổi chính sách về thuế tài nguyên là một lần giúp công tác quản lý thuế được hoàn thiện hơn. Có những thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế, nhưng lại thắt chặt các quy định trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT; có những thay đổi giúp cho NNT thực hiện
quyền lợi và nghĩa vụ thuế tốt hơn. Nhưng nhìn chung, sự thay đổi về hệ thống chính sách có tác động đến cách thức quản lý thuế của cơ quan thuế.