Kinh nghiệm của nhóm nước thành công

Một phần của tài liệu Phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 27)

1.2.1.1. Trường hợp Malaixia

Trong số các nước châu Á, Malaixia là nước có nhiều KCN nhất. Tính đến năm 2001, nước này có tới 165 KCN với gần 90 KCN đang hoạt động, số còn lại đang trong giai đoạn xây dựng [14]. Ngoài ra, nước này còn có tất cả 10 KCX được gọi là khu mậu dịch tự do (Free Trade Zone), đó là: Bayen Lepss, Pulan Jerejak và Perai Wharvao ở bang Penang; Pasir Gudang ở bang Johor, Kulim ở bang Kejan, Tangjung Keling và Batu Beredan ở bang Meleka, Ampang Glu Kelang, Sungai Way Subang và Teluk Panglime Gaang ở bang Selangor. Vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN, KCX của Malaixia đạt loại cao sau các đặc khu kinh tế ở Trung Quốc. Nguyên nhân dẫn đến thành công này là do:

- Chi phí xây dựng các KCN, KCX ở Malaixia rất thấp, chỉ khoảng 8-9 triệu USD vì nó được thiết lập ở những nơi có cơ sở hạ tầng khá phát triển.

- Phần lớn các doanh nghiệp ở KCX thuộc sở hữu hoàn toàn của các công ty xuyên quốc gia lớn như Nhật bản, Đức, Hồng Kông, Mỹ...,do vậy vốn huy động trong các KCN, KCX thường rất lớn và công nghệ sử dụng thuộc diện trình độ cao. 86,4% tổng số cổ phần của các doanh nghiệp trong 4 KCX

điển hình của Malaixia là thuộc sở hữu nước ngoài, trong số đó một nửa số xí nghiệp do nước ngoài sở hữu hoàn toàn.

- Các sản phẩm sản xuất trong KCX, KCN đều là những sản phẩm mũi nhọn, được ưu tiên phát triển và hướng mạnh ra xuất khẩu, đặc biệt là công nghiệp điện tử. Các công ty này được đầu tư dưới hình thức: lập các chi nhánh thực hiện các công việc lắp ráp sử dụng nhiều nhân công, nhất là nhân công nữ, sản xuất những sản phẩm công nghiệp có quy trình công nghệ tương đối hoàn chỉnh. Theo số liệu thống kê năm 1979, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp trong các KCX chiếm tới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Malaixia, chủ yếu là đồ điện tử, máy cơ khí, thiết bị vận tải và những mặt hàng chế biến khác. Sự phát triển của các KCX của Malaixia diễn ra trong bối cảnh bùng nổ ngành công nghiệp điện tử vào thập kỷ 1970, do vậy đây là một lợi thế giúp Malaixia có cơ hội đẩy nhanh sản xuất và xuất khẩu hàng điện tử.

- Các KCX, KCN của Malaixia có đội ngũ nhân viên, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, do vậy đã tiếp thu hiệu quả được công nghệ nước ngoài chuyển giao. Chính phủ Malaixia có những kế hoạch tranh thủ công nghệ cao, hoàn chỉnh toàn bộ các công đoạn sản xuất trong ngành điện tử, khuyến khích sử dụng nhiều vật liệu và bán thành phẩm của Malaixia thông qua một loạt các ưu đãi tài chính, do vậy các KCN KCX của Malaixia có thể du nhập được những công nghệ điện tử hiện đại nhất thế giới.

- Các KCN, KCX ở Penang của Malaixia được xây dựng ở những vị trí thuận lợi như gần sân bay (khu sản xuất hàng điện tử), gần bến cảng (khu vực đóng tàu). Mặt khác ở đây có một hệ thống giao thông phát triển mạnh cả về đường hàng không, đường biển, đường bộ và đường sắt.

1.2.1.2. Trường hợp Đài Loan

Đài Loan là một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á sáng lập ra khu gia công chế biến hàng xuất khẩu hay còn gọi là các KCX. Đài Loan có 3 KCX là Cao Hùng (thành lập năm 1965), Nam Tử và Đàm Tử

(thành lập năm 1969). Tại Đài Loan, các KCX không chỉ được coi là khu vực độc lập về hành chính mà còn là khu tổng hợp giữa sản xuất công nghiệp với mậu dịch tự do khép kín để thu hút vốn đầu tư của nước ngoài theo chính sách mở cửa nhằm giải quyết những khó khăn thiếu vốn, ngoại tệ và kỹ thuật. Tỷ lệ góp vốn đầu tư trong các KCX của Đài Loan thường là như sau: 79% vốn đầu tư nước ngoài, 11% vốn đầu tư trong nước và 10% vốn đầu tư Hoa Kiều. Tính hiệu quả tổng thể 1ha trong KCX của Đài Loan có thể thu hút tới 2 triệu USD vốn đầu tư và cứ 1.000 USD đầu tư thì xuất khẩu được 4.230 USD. Khu công nghệ cao Hsinchu được xây dựng năm 1980, đến năm 1986 đã có 59 công ty đầu tư, sau 10 năm tăng tới 180 doanh nghiệp và giai đoạn 1991-1993 tốc độ tăng đầu tư đạt 8,33%. Chỉ riêng 3 năm 1991-1993, có 673 bằng sáng chế của doanh nghiệp nước ngoài ở các khu công nghệ cao đã đưa vào áp dụng. Tỷ trọng sáng chế thuộc một số lĩnh vực đang được áp dụng rất cao, như là tích hợp: 82%, thiết bị ngoại vi máy tính là 97%. Ở Đài Loan, hầu như huyện nào cũng có KCN. Tổng cộng các khu công nghệp có kế hoạch xây dựng 3.050 nhà máy vào năm 1997 và năm 2000 đã có 2.582 nhà máy hoạt động (chiếm 84,6%) [27].

Sự thành công của các KCX, KCN Đài Loan tập trung ở ba mục tiêu chủ yếu:

+) sản phẩm làm ra đều có những mục tiêu rất rõ ràng. +) được giảm hoặc miễn thuế kinh doanh.

+) thủ tục thành lập đơn giản, thuận tiện.

Để hỗ trợ cho 3 mục tiêu trên, Đài Loan đã thực hiện đồng bộ các biện pháp vĩ mô và vi mô như:

- Gắn liền giữa các biện pháp miễn hoặc giảm thuế xuất khẩu với các biện pháp cải cách tỷ giá hối đoái, xây dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

- Đài Loan đã biết chọn thời cơ, địa điểm triển khai, chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu hợp lý theo từng giai đoạn trong quá trình hoạt động của các KCN, KCX. Bước đầu, sản phẩm xuất khẩu trong các KCX là các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp tiêu dùng, đầu tư vốn thấp, sử dụng nhiều lao động..., sau đó chuyển dần sang các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng vốn, kỹ thuật cao và có sức cạnh tranh cao.

- Đối với các doanh nghiệp nước ngoài tham gia trong KCX, họ được phép xây dựng các xí nghiệp bằng vốn của họ dưới hình thức liên doanh hoặc cổ phần trên cơ sở sử dụng nguồn lao động của nước chủ nhà. KCX là KCN sản xuất hàng xuất khẩu, vì vây các doanh nghiệp trong KCX được miễn thuế nhập khẩu hàng hoá từ nước khác. Hàng hoá trong nước được đưa vào KCX coi như là hàng hoá xuất khẩu và chịu thuế hàng hoá xuất khẩu. Những hàng hoá sản xuất trong KCX được miễn thuế doanh thu và lợi tức.

- Một trong những kinh nghiệm điển hình của Đài Loan là trong KCX, Đài Loan đã thành lập ngân hàng thương mại phục vụ cho nhà sản xuất, kinh doanh. Ngoài chức năng cấp vốn cho sản xuất, kinh doanh, ngân hàng thương mại còn đảm nhận các chức năng ký thác các khoản đầu tư, các khoản lợi nhuận của các công ty tham gia đầu tư trong KCX.

- Vai trò quản lý nhà nước trong KCN, KCX được nhấn mạnh. Đài Loan đã hình thành cơ quan chuyên trách là Cục quản lý KCX và KCN, đã đầu tư tài chính khá đầu đủ để đáp ứng phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực. KCX được quản lý linh hoạt và việc cấp giấy phép hoàn tất chỉ trong 10 ngày. Đồng thời, chính phủ cũng tạo các điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan, kho bãi, vận chuyển, hệ thống ngân hàng...

1.2.1.3. Trường hợp Trung Quốc

Các KCX, KCN ở Trung Quốc được thành lập dưới một loại hình đặc biệt, được gọi là đặc khu kinh tế, với tính chất là kinh doanh tổng hợp từ lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, tài chính ngân

hàng, thậm chí cả nghiên cứu khoa học...Đặc điểm chung của các đặc khu kinh tế Trung Quốc là như sau:

- Có vị trí địa lý thuận lợi, nằm sát nách các đô thị hoặc trung tâm có truyền thống buôn bán quốc tế như Ma Cao, Hồng Kông, Hạ Môn, gần các đường giao thông quốc tế dọc biển Đông.

- Quy mô các đặc khu kinh tế nhỏ, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, hầu hết là những vùng nông thôn nghèo nàn, nhưng được đánh giá là “căn cứ địa” để huy động vốn tổng lực của Hoa Kiều từ Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao...

- Dân số không nhiều, nhưng là cửa ngõ thông thương với thế giới bên ngoài và tiếp giáp các vùng nội địa của Trung Quốc, do vậy sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho người dân.

- Các đặc khu kinh tế được thành lập là nhằm thực hiện thí điểm chính sách mở cửa kinh tế của Trung Quốc kể từ cuối những năm 1970, nhằm huy động vốn, kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của thế giới, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá, tạo mối liên kết kinh tế tích cực với các khu vực khác của nền kinh tế Trung Quốc, nhằm thí điểm cải cách thể chế ở Trung Quốc và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Trung Quốc đã thành lập 5 đặc khu kinh tế là Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Dầu, Hạ Môn, Hải Nam. Sau hơn 20 năm thành lập, các đặc khu kinh tế này đã thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, hình thành các cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần hiện đại hoá kinh tế vùng và tạo nên mắt xích không thể thiếu cho chiến lược mở cửa kinh tế “đa tầng nấc” (bắt đầu từ ven biển, ven biên giới, ven cửa sông, tiến sâu vào đất liền) của Trung Quốc. Chỉ xét riêng đặc khu Thâm Quyến, từ một vùng chài nghèo nàn hiện nay Thâm Quyến đã là thành phố hiện đại nhất, có thành tựu kinh tế đứng đầu trong 616 đô thị và thành phố ở Trung Quốc. Tốc độ tăng GDP trung bình năm trong thời kỳ

1979-1998 là 36,5%, riêng công nghiệp tăng 53,7%, giá trị tài sản cố định tăng 45%/năm. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, tính đến cuối năm 1997 đã có 20.135 dự án với tổng số vốn đăng ký là 24 tỷ USD. Đặc khu Thâm Quyến đã thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia của hơn 60 nước trên thế giới, 65% vốn đầu tư nước ngoài tập trung ở các ngành công nghiệp hiện đại, sản xuất ra hơn 2000 mặt hàng và trên 60% sản phẩm của đặc khu được xuất khẩu ra thế giới. [10].

Nguyên nhân thành công của các đặc khu kinh tế thế hiện ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, đặc khu kinh tế Trung Quốc hình thành trên cơ sở nắm bắt được những thời cơ thuận lợi của thị trường trong nước và quốc tế. Vấn đề đáng quan tâm hàng đầu là Trung Quốc đã có những quyết định dựa vào các nhân tố khách quan. Đó là sự thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế thế giới cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 và những xu hướng mở cửa cải cách kinh tế của Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Mặt khác, Trung Quốc đã phát huy được lợi thế khi chọn địa điểm xây dựng đặc khu gần Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao, là những trung tâm tài chính và công nghiệp của thế giới. Đặc biệt, ý tưởng xây dựng đặc khu kinh tế còn dựa vào nguồn vốn to lớn của 57 triệu Hoa Kiều đang có nhu cầu hồi hương lợi nhuận và đầu tư trong nước. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Thứ hai, Trung Quốc đã lựa chọn đúng vị trí xây dựng các đặc khu kinh tế. Phần lớn các đặc khu được xây dựng ở các vị trí thuận tiện như gần đường giao thông vận tải, gần các thị trường buôn bán khu vực và quốc tế, thuận lợi cho các yếu tố đầu vào và đầu ra cho quá trình sản xuất.

Thứ ba, chính phủ đã thực hiện các chính sách ưu đãi và cơ chế hành chính thông thoáng áp dụng cho đặc khu, trong đó trung ương đã mạnh dạn phân cấp quyền lực cho chính quyền địa phương. Các chính sách đều xuất phát từ lợi ích của các nhà đầu tư, và cơ chế hành chính được đơn giản, gọn

nhẹ, tiết kiệm thời gian và chi phí. Nhìn chung, chính quyền trong các đặc khu được hưởng các quyền lợi khá ưu đãi như: được trao cho quyền lập pháp; mở rộng quyền cấp phép đầu tư nước ngoài; chính quyền đặc khu được giữ lại toàn bộ số thu ngân sách trong đặc khu và áp dụng các hình thức hợp tác khác nhau để xây dựng cơ sở hạ tầng; cán bộ nhân viên làm việc trong đặc khu được hưởng hệ thống lương đặc biệt...

Thứ tư, Trung Quốc đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân làm việc trong đặc khu một cách nghiêm túc. Trung Quốc coi đây là một vấn đề then chốt. Đối với cán bộ lãnh đạo, Trung Quốc đã tuyển chọn những người có tư tưởng cải cách, dám nghĩ dám làm, những cán bộ đã có kinh nghiệm trong công tác quản lý và được đào tạo cơ bản. Phần lớn cán bộ trong đặc khu được đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn ở những trường học nổi tiếng nhất Trung Quốc cũng như các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ, Anh, Hồng Kông...

Đối với công nhân làm việc trong đặc khu, sự tuyển chọn cũng kỹ lưỡng. Họ phải qua các kỳ sát hạch tay nghề, sức khoẻ, trình độ ngoại ngữ... Ngoài ra, công nhân trong các đặc khu luôn luôn được đào tạo kiến thức chuyên môn, tay nghề. Đặc biệt ở những ngành sử dụng công nghệ mới, họ sẽ được gửi sang các nơi sản xuất ra các thiết bị này để đào tạo và thực tập.

Thứ năm, chính phủ luôn quan tâm đến việc liên kết chặt chẽ giữa đặc khu kinh tế với các địa phương khác trong nước để cùng phát triển. Với mô hình “khu trong khu” (nghĩa là nằm trong đặc khu kinh tế là các khu khác như khu bảo thuế, KCN...; nằm trong các thành phố ở là các khu khai thác và phát triển kỹ thuật, các khu phát triển kinh tế và công nghệ...; nằm ngoài đặc khu kinh tế và các thành phố mở cửa ven biển là các tỉnh mở cửa vùng duyên hải...), chính phủ Trung Quốc đã tạo nên mối quan hệ hợp tác đan xen và bổ sung lẫn nhau giữa các “khu”, hình thành cả một vùng kinh tế mở rộng lớn.

Một phần của tài liệu Phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 27)