4. Những bài học từ nền giáo dục Việt Nam thời Lý – Trần cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay
4.1. Bài học về việc xác định rõ tính chất của nền giáo dục Việt Nam
Thời đại Lý Trần là điểm khởi đầu của quốc gia phong kiến Đại Việt, do đó giáo dục trong thời đại ấy cũng mang rõ tính chất của nền giáo
dục phong kiến, của số ít người trong xã hội chứ không phải là nền giáo dục đại chúng.
Ngày nay, khi chúng ta đang trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì nền giáo dục cũng phải mang tính chất xã hội chủ nghĩa. Đó phải là nền giáo dục đại chúng, giáo dục phải thuộc về số đông nhân dân lao động, thuộc về giai cấp công nhân, vừa phải mang tính chất của nền giáo dục dân tộc, khoa học và hiện đại.
Để thực hiện được tính chất đó chúng ta cần phải có những biện pháp cụ thể như:
Thứ nhất, đẩy mạnh sự nghiệp xã hội hoá giáo dục bằng việc hoàn thiện và đa dạng hoá các loại hình trường và các loại hình thức giáo dục, xây dựng xã hội học tập đáp ứng nhu cầu học thường xuyên, học suốt đời của nhân dân.
Thứ hai, thực hiện công bằng trong giáo dục. Đây là biện pháp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong sự nghiệp giáo dục nước ta, bảo đảm học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân tạo mọi điều kiện để người nghèo có cơ hội học tập, người giỏi được phát huy tài năng.
Thứ ba, áp dụng khoa học công nghệ thông tin vào trong giáo dục, ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại vào trong công tác đổi mới nội dung và phương pháp học tập.
Thứ tư, kết hợp giáo dục những giá trị truyền thống với những thành tựu hiện đại để thực hiện được nhiệm vụ giáo dục của mình.