Do những yếu tố chủ quan, trình độ quản lý giáo dục chưa theo kịp với thực tiễn và nhu cầu phát triển khi nền kinh tế đang chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: chưa phối hợp tốt và sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước và xã hội, chậm đổi mới cả về tư duy lẫn phương thức quản lý, chậm đề ra định hướng chiến lược và chính sách vĩ mô đúng đắn, để xử lý mối tương quan giữa quy mô, chất lượng và hiệu quả trong giáo dục.
Các văn bản pháp luật chưa được ban hành kịp thời, những vấn đề lý luận về phát triển giáo dục chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức, để định hướng cho hoạt động thực tiễn.
Quan điểm giáo dục là “quốc sách hàng đầu” của Đảng và Nhà nước chưa được nhận thức đầy đủ, giáo dục vẫn được xem là công việc riêng của ngành giáo dục, chưa tạo ra được sự liên kết, phối hợp đồng bộ giữa các ngành các cấp, các lực lượng xã hội, việc kết hợp các môi trường giáo dục còn chưa được quan tâm đúng mức.
Về mặt khách quan, trong những năm qua giáo dục nước ta còn chịu nhiều áp lực lớn về nhu cầu học tập ngày càng tăng do dân số và trình độ dân số tăng, song do lao động đang thừa nhiều, thay đổi thang giá trị xã hội, phẩm chất của người lao động… Điều đó đã ảnh hưởng khá nhiều đến việc định hướng nhân cách của người học.
Giáo dục nước ta chưa có những biện pháp hiệu quả để tác động tích cực đến những thay đổi đó.
Hơn nữa, nước ta còn nghèo, thu nhập còn thấp, nguồn tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị và đầu tư cho giáo dục còn nhiều thiếu thốn, trong lúc nhu cầu giáo dục của xã hội tăng nhanh.
Trong bối cảnh đó, dù có những yếu kém và hạn chế như trên, nhưng những thành tựu giáo dục đã đạt được trong những năm vừa qua là rất đáng trân trọng.