Thứ nhất, Chính phủ cần duy trì và đảm bảo một môi trường ổn định, phát triển, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ đạo linh hoạt, chặt chẽ và kịp thời các chính sách về tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm đảm bảo ổn định các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai và vận hành các dự án đầu tư, dẫn đến hiệu quả tài chính của dự án không đúng theo những tính toán khi thẩm định tài chính dự án.
Thứ hai, các Bộ ngành liên quan cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện những văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư dự án một cách chi tiết, rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư cũng như trong quá trình thẩm định. Cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục cấp phép các dự án đầu tư, nhằm đưa các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế xã hội sớm được đưa vào triển khai, tránh các lãng phí nguồn lực không đáng có. Đối với mỗi lĩnh vực kiến nghị với Chính phủ và Bộ ngành liên quan có văn bản hướng dẫn trình tự thủ tục cấp phép đầu tư một cách chi tiết và công bố văn bản công khai để cho các nhà đầu tư có thể dễ dàng thực hiện. Làm được như vậy sẽ rút ngắn quá trình cấp phép, tiết kiệm chi phí đồng thời hoàn thiện hơn thẩm định tài chính dự án trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Hiện nay có nhiều lĩnh vực đầu tư quy định cấp phép chưa rõ ràng như lĩnh vực bất động sản, khoáng sản…, các văn bản quy định chồng chéo khiến nhà đầu tư phải thực hiện rất nhiều bước để có thể nhận được
giấy phép đầu tư cuối cùng, có nhiều giai đoạn bị chậm trễ ngoài dự kiến từ đó ảnh hưởng đến kết quả thẩm định tài chính của Công ty.
Thứ ba, nâng cao sự hỗ trợ thông tin của các bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư… thông qua việc thường xuyên cung cấp các thông tin về ngành, về lĩnh vực của từng bộ. Các thông tin cung cấp bao gồm các vấn đề như các chỉ số phát triển của ngành, dự báo tình hình sắp tới, danh mục các lĩnh vực đáng phát triển, các lĩnh vực đang suy yếu, các chỉ tiêu bình quân của ngành, lĩnh vực. Những thông tin này là tài liệu tham khảo quan trọng, tin cậy về xu thế phát triển ngành, lĩnh vực hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình đánh giá về ngành, về lĩnh vực mà dự án đầu tư đang thực hiện.
Tổng cục thống kê là tổ chức thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư, chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật. Hiện nay Tổng cục thống kê đã có các báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình kinh tế xã hội, tuy nhiên các số liệu cung cấp còn sơ lược và chưa có tính dự báo. Vì vậy, kiến nghị Tổng Cục thống kê nên cung cấp thông tin một cách chi tiết hơn, có hệ thống, đồng thời cũng đưa ra các dự báo ngắn hạn và trung hạn về tình hình kinh tế của cả nước cũng như của ngành.
Thứ tư, các Bộ ngành, địa phương cần phải nâng cao chất lượng, định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng vùng, địa phương và trong từng ngành, từng lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu. Đây là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp thực hiện đầu tư đúng định hướng của Nhà nước và khi các dự án đi vào hoạt động sẽ không gặp khó khăn.