Thứ nhất, Các yếu tố về tình hình kinh tế vĩ mô
Các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước như chính sách tiền tệ, chính sách khuyến khích hay hạn chế đầu tư, chính sách tài khóa… những biến động ở thị trường tài chính, về sự tăng giảm giá cả hàng hóa, lạm phát hay khủng hoảng… là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thẩm định tài chính dự án. Nếu quá trình thẩm định tài chính dự án mà bỏ qua các yếu tố này, chắc chắn kết quả đạt được sẽ không đáng tin cậy và có độ rủi ro rất cao. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tổng vốn đầu tư, nguồn huy động vốn, lãi vay (thị trường vốn), chi phí nguyên vật liệu, doanh thu, giá bán, cung cầu… (thị trường hàng hóa), tác động đến dòng tiền và những chỉ số tài chính. Trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động về tình hình kinh tế vĩ mô, rất khó để đưa ra nhận định cũng như độ tin cậy cho dự án được lập, chất lượng thẩm định tài chính cũng vì vậy bị ảnh hưởng rất nhiều, hầu hết các quyết định đầu tư trong trường hợp này đều dựa vào cảm tính của ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Ngoài ra, tình hình kinh tế chính trị của các nước trong khu vực và thế giới có những biến động sẽ có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, chính trị trong nước, dẫn đến các thông tin và dự đoán liên quan đến dự án sẽ không chính xác và điều này làm giảm chất lượng thẩm định tài chính dự án, gây ra quyết định sai lầm cho chủ đầu tư.
Thứ hai, hành lang pháp lý, quy định của Nhà nước.
Hành lang pháp lý, cơ chế chính sách của Nhà nước đóng vai trò là khuôn khổ định hướng hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế. Dự án đầu tư được lập và kiểm tra dựa trên các điều kiện pháp lý được cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành. Nếu dự án không được lập và thẩm định dựa trên những quy định chung của Nhà nước, những ngành nghề bị cấm, hoặc không vận dụng được những ưu đãi của Nhà nước đối với lĩnh vực dự án đề cập đến… thì không thể nói là dự án có chất lượng được.
Nếu các chính sách và quy định có nội dung đầy đủ, rõ ràng, doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để thẩm định dự án đầu tư mang lại hiệu quả cao và phòng tránh được các rủi ro khách quan. Ngược lại, những khiếm khuyết trong những quy định của Nhà nước, không rõ ràng, hay sự thay đổi chính sách chủ trương... đều có thể gây khó khăn, tăng rủi ro đối với kết quả hoạt động của dự án cũng như đối với hoạt động thẩm định tài chính dự án.
Thứ ba, các quy định và quy chế quản lý của cơ quan chủ quản đối với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ngoài việc chấp hành các văn bản quy định pháp luật về hoạt động sản xuất kinh doanh thì còn phải chấp hành các quy định của cơ quan chủ quản thể hiện ở điều lệ và các quy chế tổ chức hoạt động doanh nghiệp. Nếu các quy định này tạo cho doanh nghiệp một cơ chế vận hành chủ động, phát huy được khả năng tự chịu trách nhiệm đối với các quyết định của doanh nghiệp thì sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Ngược lại, nếu đơn vị chủ quản không tạo được điều kiện tốt để doanh nghiệp chủ động kinh doanh thì doanh nghiệp rất khó để phát triển. Đặc biệt trong điều kiện thị trường nhiều biến động như hiện nay, quyết định chậm đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại về mặt kinh tế và bỏ qua cơ hội đầu tư.
Chương 2. THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG THẨM ĐỊNH TÀI CHÍNH DỰ ÁN TẠI TỔNG CÔNG TY HỢP TÁC KINH TẾ (COECCO)