Chất lượng thẩm định tài chính dự án nói riêng và chất lượng thẩm định dự án tại COECCO đã cải thiện hơn so với thời gian trước đây. Mặc dù vậy, chất lượng thẩm định tài chính dự án của Công ty vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:
Thứ nhất, thẩm định tài chính dự án của Công ty chưa đáp ứng được nhu cầu ra quyết định đầu tư, kết quả thẩm định tài chính một số dự án chưa bao hàm được hết những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm về tài chính dự án. Hầu hết các kết quả thẩm định thể hiện ở báo cáo thẩm định dự án của Công ty đều chỉ dừng lại ở các chỉ tiêu tổng lợi nhuận của dự án, NPV, IRR, trong khi các chỉ tiêu quan trọng khác như thời gian hoàn vốn PP, điểm hòa vốn BP, chỉ tiêu doanh lợi PI, B/C ... chưa thấy các báo cáo thẩm định đề cập đến. Những nội dung về rủi ro và các giải pháp hạn chế rủi ro của dự án chưa được phân tích một cách thấu đáo. Những giả định được đưa ra không dựa trên cơ sở khách quan, khoa học và phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của cán bộ thẩm định dự án. Trong ví dụ thẩm định tài chính dự án Tổ hợp chung cư cao tầng, biệt thự, trung tâm thương mại COECCO, đây là báo cáo thẩm định được thực hiện gần đây nhất của Công ty và được xem là có chất lượng nhất từ trước đến nay, tuy nhiên các giả định, các cơ sở thực hiện dự án cũng chỉ ở mức độ hạn chế. Yếu tố đầu vào để xác định tổng mức đầu tư, chi phí, doanh thu, khả năng tiêu thụ sản phẩm của dự án chủ yếu dựa vào các quy định, định mức của Nhà nước, chưa phản ánh được hết những thông tin về giá cả thị trường, hoạt động cạnh tranh…
Thứ hai, thời gian thẩm định dự án nói chung và thẩm định tài chính dự án nói riêng mặc dù đã được rút ngắn hơn rất nhiều so với trước đây nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tận dụng cơ hội đầu tư trong xu thế thị trường cạnh tranh như hiện nay. Tại Công ty Hợp tác kinh tế không có quy định cụ thể về thời gian thẩm định dự án. Trong một số trường hợp, thời gian thẩm định tại Phòng đầu tư được
tiến hành khá nhanh, thông thường là từ một đến hai tuần, tuy nhiên dự án cần phải được các cấp chủ quản tái thẩm định và thông qua, thời gian chờ phê duyệt ở các cấp Hội đồng thành viên, Quân khu, Bộ Quốc phòng… thường rất lâu, có khi kéo dài tới vài tháng làm ảnh hưởng đến việc tận dung cơ hội đầu tư của Công ty. Chẳng hạn, trong thẩm định dự án Chung cư cao tầng, biệt thự, văn phòng làm việc, trung tâm thương mại COECCO, dự án sau khi đã được phòng Đầu tư thẩm định và được Tổng Giám đốc đề nghị đầu tư dự án được gửi lên Hội đồng thành viên ngày 12/01/2011, đến ngày 04/06/2011 Hội đồng thành viên mới ra nghị quyết thông qua dự án, sau đó hồ sơ dự án được gửi qua Bộ tư lệnh Quân khu 4 trình Bộ Quốc phòng phê duyệt, thời gian chờ phê duyệt dự án tại Bộ Quốc phòng phải kéo dài thêm ít nhất là 3 tháng.
Thứ ba, một số dự án không đạt hiệu quả cao như kết quả thẩm định. Một số dự án sau khi thẩm định và đi vào thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những biến động theo chiều hướng xấu dẫn đến hoạt động không thực sự hiệu quả. Tổng vốn đầu tư của một số dự án đã tăng mạnh trong quá trình đầu tư do ảnh hưởng của những biến động lớn trên thị trường hoặc do trong quá trình thẩm định cán bộ thẩm định đã không xác định đúng nhu cầu vốn hàng năm, dẫn đến việc tiến độ dự án chậm, hiệu quả đầu tư giảm, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Ví dụ: Dự án đầu tư Khách sạn Xiêng Khoảng tại nước CHDC ND Lào, được thực hiện năm 2009. Đây là một dự án đầu tư ra nước ngoài khá phức tạp, việc tính toán và lập dự án có rất nhiều hạn chế. Là một dự án đầu tư ra nước ngoài, trong khi cán bộ lập dự án lại thực hiện tương tự các dự án đầu tư khách sạn tại Việt Nam. Do ngành nghề kinh doanh khách sạn Công ty đang thực hiện rất tốt, một số khách sạn trong nước vận hành khá hiệu quả nên cán bộ thẩm định tự tin vào nhận định và chủ quan trong thẩm định. Dẫn đến việc sau khi dự án được phê duyệt và thực hiện đầu tư, biến động về tỷ giá tiền VNĐ và tiền Kip Lào đã đẩy tổng mức đầu tư tăng lên gần 50%. Vốn đầu tư tăng nhanh khiến cho Công ty không thể xoay sở trong việc huy động vốn và thực hiện đúng tiến độ dự án, các nội dung đầu tư quan trọng bị cắt giảm, chỉ 60% phòng khách sạn được đầu tư đầy đủ, cấp khách sạn từ chỗ xác định là 3 sao
đã phải điều chỉnh lại thành khách sạn bình dân. Phải đến năm 2010 mới tiếp tục đầu tư bổ sung các hạng mục như thang máy và các phòng còn lại.
Chất lượng thẩm định tài chính dự án đầu tư ở Tổng công ty Hơp tác kinh tế còn có một số biểu hiện hạn chế như trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan và khách quan như sau:
* Nguyên nhân chủ quan:
Thứ nhất, công tác tổ chức, quy trình thẩm định dự án chưa khoa học, hợp lý Các quy định của Công ty liên quan đến công tác tổ chức thẩm định tài chính dự án trong hoạt động đầu tư chưa được hoàn thiện, quy trình về thẩm định tài chính dự án chưa được ban hành chính thức. Phân công công việc giữa các phòng ban chưa rõ ràng, một số công việc chồng chéo giữa các phòng dẫn đến thời gian thẩm định dự án kéo dài không cần thiết. Chẳng hạn trong dự án Chung cư cao tầng, biệt thự, văn phòng, trung tâm thương mại COECCO, dự án sau khi đã được Phòng đầu tư thẩm định, Tổng giám đốc trình Hội đồng thành viên thông qua dự án thì Ban thư ký Hội đồng thành viên tiến hành thẩm định lại dự án. Điều đáng chú ý ở đây là Ban thư ký Hội đồng thành viên là cơ quan không có chuyên môn về thẩm định, khi tiến hành xem xét lại dự án mất rất nhiều thời gian, yêu cầu phòng Đầu tư giải trình các thông tin đưa vào dự án trong khi dự án sau khi thẩm định đã được bảo vệ trước Ban giám đốc và đã giải trình các nội dung trước khi thông qua.
Quy trình và các quy định về thẩm định dự án chưa được ban hành nên không tạo được cơ chế phối hợp thường xuyên giữa các phòng ban, đồng thời trách nhiệm của các phòng về vấn đề chuyên môn trong mỗi dự án cũng không được phân định rõ ràng, gần như các dự án đều do phòng Đầu tư phải chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định, kể cả những vấn đề không thuộc chuyên môn của phòng như vấn đề về kỹ thuật máy móc, công nghệ, nhân sự… Không quy định rõ ràng trách nhiệm của các phòng trong việc thẩm định đồng nghĩa với việc các phòng sẽ không chủ động tự giác tham gia thẩm định dự án dẫn đến thời gian thẩm định dự án sẽ bị kéo dài, làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định dự án nói chung.
Việc phân công các bộ phận trong việc lập và thẩm định dự án tại Công ty chưa được khoa học, đối với dự án do Phòng đầu tư trực tiếp lập dự án sẽ không có bộ phận thẩm định độc lập, hay nói cách khác không có đơn vị thẩm định lại dự án do Phòng đầu tư lập. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số dự án lớn của Công ty do Phòng đầu tư lập dự án không được thẩm định, báo cáo thẩm định nếu có cũng chỉ mang tính đảm bảo đầy đủ thủ tục để phê duyệt dự án góp phần làm cho chất lượng thẩm định tài chính dự án không cao.
Thứ hai, Nội dung và phương pháp thẩm định tài chính dự án còn một số điểm bất cập.
Nội dung thẩm định liên quan đến tổng mức đầu tư của dự án vẫn còn một số điểm chưa đầy đủ và chính xác. Tiến độ vốn đầu tư chưa được xem xét kỹ, trong một số dự án gần như không thẩm định vấn đề này. Trong ví dụ trên tiến độ vốn đầu tư được tính theo kiểu phân bổ theo tỷ lệ phần trăm cho các năm, cách tính này là không chính xác, mà phải tính nhu cầu vốn theo tiến độ công việc cụ thể. Có nhiều trường hợp không đề cập đến vốn lưu động thực hiện dự án trong tổng mức đầu tư, mà chỉ đề cập đến vốn cố định và vốn dự phòng. Ở ví dụ trên, cán bộ đầu tư cũng đã không đề cập đến vốn lưu động ròng của dự án. Việc không tính toán vốn lưu động có thể gây ra sự thiếu hụt vốn sau khi dự án đi vào thực hiện. Ngoài ra, cán bộ đầu tư thường sử dụng các định mức và suất đầu tư được Nhà nước ban hành để tính tổng mức đầu tư. Trong một số trường hợp các định mức nhà nước ban hành chỉ mang tính chất về quản lý hành chính nên không hoàn toàn hợp lý trong hoạt động kinh doanh, nếu sử dụng định mức thì cán bộ thẩm định phải điều chỉnh để phù hợp với đặc điểm tình hình thị trường, địa điểm đầu tư.... Trong ví dụ trên, suất vốn đầu tư xây dựng và thiết bị không được tính theo định mức Nhà nước nên không có cơ sở.
Các chỉ tiêu tài chính dự án sử dụng để phân tích chưa thực sự đầy đủ. Trong hầu hết các dự án được nghiên cứu, cán bộ thẩm định chỉ sử dụng các chỉ tiêu như NPV, IRR để làm căn cứ lựa chọn dự án, trong khi một số các chỉ tiêu khác rất quan trọng đối với một số dự án thì không thấy sử dụng, chẳng hạn chỉ tiêu thời gian
hoàn vốn hay chỉ tiêu điểm hòa vốn rất quan trọng trong các dự án sản xuất kinh doanh thì không thấy báo cáo thẩm định nào đề cập đến. Ngoài ra, các chỉ tiêu tài chính khác như chỉ tiêu doanh lợi PI, chỉ tiêu doanh thu chi phí B/C… cũng nên được phân tích để Công ty có thể xem xét khía cạnh tài chính dự án dưới nhiều góc độ, từ đó có thể đưa ra kết luận hợp lý.
Lựa chọn tỷ lệ chiết khấu chưa hợp lý, chưa thống nhất. Việc lựa chọn tỷ lệ chiết khấu thường mang tính chủ quan và phụ thuộc trực tiếp vào quyết định của cán bộ thẩm định. Trong dự án Chung cư cao tầng, biệt thự, văn phòng làm việc, trung tâm thương mại COECCO tỷ lệ chiết khấu là 15%, thực chất việc lựa chọn tỷ lệ chiết khấu này dựa trên cơ sở lãi suất tiền gửi ngân hàng, một số dự án khác sử dụng tỷ suất chiết khấu là chi phí vốn bình quân theo cơ cấu vốn hay lãi vay ngân hàng, trong một số trường hợp tỷ suất chiết khấu được lấy bằng bình quân giữa lãi vay (tỷ lệ vốn vay) và lãi suất gửi ngân hàng (tỷ lệ vốn tự có), do vậy lãi suất chiết khấu chưa thống nhất, không chính xác nên hiệu quả tài chính còn sai số lớn. Việc áp dụng lãi suất chiết khấu gần như đồng nhất ở trên là chưa phù hợp, bởi các dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau có mức rủi ro khác nhau, từ đó có mức kỳ vọng lợi tức khác nhau. Doanh nghiệp không thể đòi hỏi mức lợi tức ở các dự án bất động sản lại giống như các dự án sản xuất gạch, dự án khai thác đá, dự án trồng rừng… chính vì vậy không thể áp dụng mức lãi suất chiết khấu như nhau ở các dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Dự án chưa tính đến các biện pháp phòng ngừa rủi ro. Một đặc điểm quan trọng của các dự án đầu tư là có độ rủi ro rất cao. Nhiều khi các dự án chỉ tính đến hiệu quả tài chính thông thường thì khả thi nhưng khi so sánh tương quan với các nhân tố rủi ro có thể xảy ra của dự án thì dự án không còn khả thi nữa. Dự án Chung cư cao tầng, biệt thự, văn phòng làm việc, trung tâm thương mại COECCO cũng không đề cập đến việc phân tích độ nhạy và các biện pháp phòng ngừa rủi ro khác cho dự án. Một số dự án có phân tích độ nhạy, tuy nhiên việc thực hiện còn rất thủ công trên Excel. Các phương pháp đánh giá phổ biến chưa được nghiên cứu để học tập và ứng dụng vào thẩm định một cách toàn diện (mô phỏng Monter Carlo, hàm
Scenarior…). Với các rủi ro từ cơ chế chính sách, tỷ giá, lạm phát… thì khả năng lượng hóa chính xác là rất khó. Hơn nữa khi đánh giá rủi ro của dự án giai đoạn khai thác vận hành là rất khó khăn bởi cán bộ thẩm định không phải là các chuyên gia thị trường.
Thứ ba, hạn chế về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của cán bộ thẩm định. Công ty Hợp tác kinh tế có một đội ngũ cán bộ thẩm định được đào tạo cơ bản, nhiệt tình, năng động. Tuy nhiên, số lượng cán bộ có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thẩm định tài chính dự án còn hạn chế. Mặt khác, do một số cán bộ phải thực hiện nhiều công việc kiêm nhiệm khác nhau nên họ không thể tập trung chuyên sâu vào thẩm định tài chính.
Thứ tư, nguồn thông tin phục vụ dự án mặc dù khá phong phú và mức độ cập nhật khá cao, tuy nhiên cách thức xử lý thông tin, mức độ chọn lọc và sử dụng thông tin còn hạn chế nên dẫn đến nguồn thông tin không đầy đủ và thiếu độ tin cậy. Các thông tin về sản phẩm, giá cả, thị trường… chỉ mới dựa trên những đánh giá chung chung, khái quát chứ không đi vào phân tích cụ thể. Một số thông tin đưa vào dự án chỉ mang tính tượng trưng, chỉ để cho dự án có đầy đủ các nội dung phân tích chứ không chú trọng đến tính chính xác của thông tin đưa vào dự án. Cơ sở dữ liệu không được hệ thống hoá, chưa xây dựng được các định mức, đơn giá, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu nhanh chính xác các thông tin cần thiết trong quá trình thẩm định.
Thứ năm, trang thiết bị và công nghệ phục vụ cho thẩm định tài chính dự án chưa hiện đại. Mặc dù Công ty Hợp tác kinh tế đã trang bị đầy đủ hệ thống máy tính cho chuyên viên đầu tư, song hiện tại Công ty chưa có một phần mềm tin học hỗ trợ cho thẩm định tài chính dự án. Mọi phân tích đánh giá về tài chính dự án đều được chuyên viên đầu tư thực hiện thông qua phần mềm Excel.
* Nguyên nhân khách quan:
Bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ nội tại Công ty, những hạn chế trong chất lượng thẩm định tài chính dự án còn bắt nguồn từ các nguyên nhân khách quan sau:
Thứ nhất, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án tại doanh nghiệp Tổng công ty nhà nước nói chung và tại Tổng công ty Hợp tác kinh tế nói riêng còn nhiều bất cập. Cụ thể trong điều lệ của Công ty do Bộ Quốc phòng quy định dự án có tổng mức đầu tư trên 40% tổng tài sản của Công ty phải do Bộ Quốc phòng phê duyệt. Quy định này không hoàn toàn hợp lý với tất cả các dự án đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Thông thường dự án đầu tư bất động sản có tổng vốn đầu tư rất lớn, vượt quá mức quy định nói trên, tuy nhiên vốn để thực hiện dự án bất động sản được huy động từ rất nhiều nguồn, trong đó nguồn huy động lớn nhất là vốn góp của khách hàng. Vốn tự có của Công ty trong các dự án