Như đã trình bày ở phần trên, hoạt động phân tích tài chính doanh nghiệp giúp doanh nghiệp xác định những điểm mạnh và điểm yếu trong tài chính doanh nghiệp. Việc hoàn thiện công tác phân tích tài chính doanh nghiệp sẽ giúp các nhà quản trị doanh nghiệp có căn cứ xác thực nhất để đưa ra các quyết định tài chính phù hợp, hữu hiệu, cụ thể bao gồm:
- Quyết định đầu tư:
+ Đầu tư tài sản cố định; + Đầu tư dự án;
+ Đầu tư trên thị trường chứng khoán. - Quyết định tài trợ:
+ Quyết định về chính sách cơ cấu vốn; + Xác định chi phí vốn, lựa chọn đầu tư.
- Quyết định về quản lý ngắn hạn: + Quản lý tiền;
+ Quản lý tồn kho; + Quản lý phải thu.
Bên cạnh các chủ doanh nghiệp, các nhà quản trị, như đã đề cập đến ở phần trên, rất nhiều đối tượng khác quan tâm đến tình hình tài chính của doanh nghiệp do các mục tiêu khác mà các chủ thể này hướng tới. Việc phân tích tài chính cũng cần phải được hoàn thiện nhằm đưa ra những kết quả chính xác, sâu sắc và toàn diện nhất, cung cấp thông tin góp phần giúp những nhóm đối tượng này đạt được mục tiêu theo đuổi của mình. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các ngân hàng, các nhà đầu tư,....
Như thế, việc hoàn thiện hoạt động phân tích tài chính doanh nghiệp không chỉ là quan trọng đối với bản thân doanh nghiệp, với hoạt động nội bộ của doanh nghiệp, mà còn hết sức cần thiết đối với các nhóm đối tượng bên ngoài.
Ngoài ra, xu hướng phát triển của nền kinh tế đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp, bao gồm việc hoàn thiện công tác quản trị tài chính, trong đó phân tích tài chính là một bộ phận không thể tách rời nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra cho doanh nghiệp rất nhiều cơ hội tiếp cận với vốn, công nghệ, thị trường mới, đồng thời cũng đặt ra vô vàn thách thức cho doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục đổi mới, cải tổ mọi mặt nhằm chuyên nghiệp hơn, hội nhập đầy đủ hơn với nền kinh tế thế giới nói chung và nền tài chính thế giới nói riêng.