6. Một số công trình nghiên cứu về QT RRTD31
2.2.2.3 Nguyên nhân của những rủi ro tín dụng
- Nhóm nguyên nhân thuộc về khách hàng
+ Khách hàng sử dụng vốn sai mục đích (thực tế khách hàng sử dụng vốn vay không đúng với đề nghị vay vốn và phương án vay vốn tại ngân hàng).
* Công ty TNHH 1TV Thu Liên là một trong những công ty chuyên sản xuất và kinh doanh nước mắm phân phối hàng hóa không những trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa mà còn vương tới nhiều tỉnh thành trong cả nước. Việc kinh doanh của Công ty khá suôn sẻ, thị phần ngày càng được mở rộng. Ngoài việc sản xuất kinh doanh mặt hàng nước mắm, giám đốc Công ty còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Trong quá trình giao dịch với Vietinbank Khánh Hòa, Công ty được xếp hạng là khách hàng hạng bậc thân thiết nên hạn mức được phê duyệt tăng lên 15.000 triệu đồng. Cuối năm 2010, nguyên nhân một phần do các yếu tố khách quan như kinh tế thế giới suy thoái, thị trường tiêu dùng gặp khó khăn, ngân hàng siết chặt tín dụng, thì một nguyên nhân khác là thị trường bất động sản bị đóng băng, Công ty đã bị khủng hoảng vì giám đốc dùng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn vào bất động sản nên đã không kịp thời khắc phục dẫn đến mất khả năng thanh toán dẫn đến nợ quá hạn tại ngân hàng.
Nguyên nhân gây ra rủi ro tín dụng trong trường hợp này là do Công ty đã sử dụng vốn sai mục đích, hồ sơ vay vốn thể hiện vay để sản xuất và kinh doanh nước mắm nhưng thực chất đã dùng tiền để đầu tư bất động sản.
+ Khách hàng bị chiếm dụng vốn, mất cân đối tiền vay và không đủ đảm bảo nợ vay. * DNTN Hoàng có trụ sở tại đường Trịnh Phong, Nha Trang là công ty chuyên phân phối thực phẩm, bánh mứt kẹo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và khu vực lân cận. Năm 2011, DNTN Hoàng đã vay vốn tại Vietinbank Khánh Hòa để nhập thêm hàng hóa mở rộng quy mô kinh doanh với số tiền vay là 12 tỷ đồng. Tuy nhiên trong năm 2013 doanh thu bằng tiền của doanh nghiệp giảm đáng kể trong khi đó các khoản phải thu tăng lên mạnh do doanh nghiệp đã mở rộng phân phối hàng cho nhiều đại lý và
cửa hàng nhưng tỷ trọng bán chịu cao dẫn đến vốn bị chiếm dụng, lượng tiền mặt hiện tại không đủ để trả nợ cho ngân hàng.
+ Khách hàng không tiêu thụ được sản phẩm.
* Công ty CP Đường Ninh Hòa là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ mía đường tại tỉnh Khánh Hòa. Sản phẩm mía đường do công ty sản xuất ra chủ yếu bán lại cho tập đoàn Thành Thành Công - một tập đoàn chuyên kinh doanh các sản phẩm mía đường, cũng là một cổ đông của Công ty CP Đường Ninh Hòa. Do đó việc tiêu thụ sản phẩm của Công ty CP Đường Ninh Hòa phụ thuộc rất lớn vào tập đoàn Thành Thành Công. Cuối năm 2012, Công ty CP Đường Ninh Hòa vay vốn tại Vietinbank Khánh Hòa số tiền 140 tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên từ cuối năm 2013 cho đến nay ngành mía đường trong nước gặp rất nhiều khó khăn do hàng lậu tung hoành, việc tiêu thụ hàng hóa của tập đoàn Thành Thành Công giảm mạnh, lượng hàng tồn kho tăng gấp đôi so với năm trước. Đứng trước tình trạng này, tập đoàn Thành Thành Công đã giảm lượng mạnh lượng hàng mua từ Công ty CP Đường Ninh Hòa làm cho Công ty CP Đường Ninh Hòa gặp khó khăn lớn trong việc trả nợ ngân hàng vì không tiêu thụ được sản phẩm.
+ Khách hàng không có đủ hoặc không thu xếp được nguồn vốn tự có như kế hoạch. * Khách sạn 3 sao Summer trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang đã vay vốn tại Vietinbank Khánh Hòa để đầu tư xây dựng khách sạn. Trước khi tiến hành xây dựng, để làm thủ tục vay vốn chủ đầu tư đã cung cấp bản dự toán xây dựng cho ngân hàng và Vietinbank Khánh Hòa dựa vào đó để xác định mức cho vay đối với dự án xây dựng khách sạn của khách hàng. Theo quy định tại hợp đồng tín dụng, vốn vay sẽ được giải ngân song song với vốn chủ sở hữu có nghĩa là theo tiến độ hoàn thành của công trình và giấy yêu cầu thanh toán của đơn vị xây dựng, ngân hàng sẽ xác định vốn tự có của khách hàng đã tham gia vào phương án đến đâu để giải ngân. Tuy nhiên, một mặt do khách hàng không có đủ vốn tự có để tham gia, mặt khác do nhà thầu muốn nhận tiền sớm nên đã làm giấy đề nghị thanh toán sớm hơn so với quy định ban đầu làm cho số tiền được giải ngân nhanh hơn. Đến khi giải ngân hết, khách hàng không có đủ vốn tự có để tham gia vào xây dựng nên đã lấy vốn lưu động dự trù cho kinh doanh để bù đắp làm cho khách sạn Summer khi hoàn thành đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoạt động kinh doanh và dẫn đến việc trả nợ Vietinbank Khánh Hòa gặp khó khăn.
+ Khách hàng không đủ khả năng quản lý, kiểm soát được hoạt động kinh doanh dẫn đến rủi ro mất vốn.
* Công ty TNHH Tâm Hương là Công ty chuyên kinh doanh bất động sản lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và cũng là khách hàng vay vốn lâu năm của Vietinbank Khánh Hòa. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - giám đốc Công ty còn là một người rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Do đó việc giám đốc Công ty thường xuyên đi vắng ngoài lý do là các chuyến công tác còn là những chuyến đi từ thiện đến các vùng xa xôi. Vì quá tin tưởng và kế toán trưởng cũng là một người bà con và để đáp ứng tài chính cho hoạt động kinh doanh luôn trôi chảy, bà Hương đã ký khống các lệnh chi để sẵn cho kế toán trưởng có thể chuyển tiền cho các đối tác bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên việc làm này đã làm nảy sinh lòng tham của kế toán trưởng. Lợi dụng lòng tin của giám đốc, trong một thời gian kế toán trưởng đã sử dụng các lệnh chi này thay vì chuyển tiền cho các đối tác, đã chuyển tiền đến tài khoản cá nhân của kế toán trưởng. Khi sự việc vỡ lở và đưa ra Pháp luật, kế toán trưởng Công ty đã chiếm đoạt được số tiền rất lớn, lên đến khoảng 7 tỷ đồng và đã sử dụng hết vào việc cá nhân. Một phần do bị thất thoát tài chính nghiêm trọng, một phần do kinh doanh bất động sản gặp khó khăn dẫn đến việc Công ty không trả được nợ đúng hạn cho Vietinbank Khánh Hòa.
Nguyên nhân gây ra rủi ro tín dụng này là do giám đốc Công ty ôm đồm nhiều việc dẫn đến không đủ khả năng quản lý kiểm soát được hoạt động kinh doanh của Công ty và giao phó toàn bộ cho cấp dưới.
Đến nay Công ty vẫn không thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn cho ngân hàng, Công ty đã gửi đơn trình bày các khó khăn trên và xin ngân hàng chỉ trả nợ gốc mà không trả lãi vay do Công ty không còn đủ khả năng. Hiện Vietinbank Khánh Hòa đang trình cấp cao hơn xem xét quyết định.
+ Khách hàng đầu cơ theo giá trị tài sản.
+ Khách hàng chủ đích lừa đảo thường xảy ra đối với các doanh nghiệp thành lập nhiều công ty trong cùng một nhóm để vay vốn, vốn vay giải ngân ra được chuyển lòng vòng trong nhóm.
* Từ năm 1996 đến năm 2010, Trần Nam làm Giám đốc Công ty Triều Nam và lập thêm 2 pháp nhân nữa giao cho vợ và chị gái làm giám đốc, nhưng thực tế Nam là người điều hành cả 3 công ty. Để có vốn kinh doanh, Nam đã sử dụng các tài sản như
ô tô, máy xúc, máy khoan thế chấp vay vốn trung và ngắn hạn tại Vietinbank Khánh Hòa nhiều lần. Ban đầu Nam đều trả đủ cả gốc và lãi theo hợp đồng nên đến năm 2009, Công ty Triều Nam được cấp hạn mức tín dụng là 16 tỷ đồng. Với tài sản thế chấp của 3 công ty do Nam điều hành, từ tháng 4 - 11/2010, Công ty Triều Nam đã được ký kết 3 hợp đồng tín dụng vay 21 tỷ đồng. Mục đích là mua ô tô tải phục vụ sản xuất, nhưng Nam đã dùng số tiền này đáo hạn ngân hàng những khoản nợ trước đó. Đến hạn trả nợ, Nam không thanh toán được, các tài sản thế chấp Nam cũng tự ý đem bán. Cơ quan điều tra xác định, Trần Nam đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Vietinbank là 11,9 tỷ đồng. Không chỉ thế, Nam còn tự lập khống các chứng từ về nguồn gốc tài sản thế chấp không phải của Nam, làm giả giấy tờ thể hiện các công ty của Nam là chủ sở hữu và dẫn cán bộ ngân hàng đến thẩm định để vay 1,8 tỷ đồng. Ba cán bộ Vietinbank gồm Phó giám đốc Chi nhánh, Trưởng phòng giao dịch, cán bộ tín dụng là những người phải trực tiếp kiểm tra, thẩm định những tài sản mà Nam dùng để thế chấp, nhưng cả 3 đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao trong việc kiểm tra định giá tài sản thế chấp, nên không phát hiện Nam gian dối để chiếm đoạt của Vietinbank 1,8 tỷ đồng. Có thể thấy Trần Nam đã có chủ đích lừa đảo từ trước, với ý định chiếm đoạt tài sản của Vietinbank, Nam đã thành lập công ty Triều Nam và 2 công ty khác do mình điều hành với mục đích vay vốn và vốn giải ngân ra sẽ được chuyển lòng vòng trong 3 công ty dưới danh nghĩa giám đốc khác nhau nhưng thực chất chỉ do Nam điều hành.
Tóm lại, những nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng cũng bao gồm các nhóm nguyên nhân từ môi trường kinh doanh (biến động bất lợi của thị trường tài chính, khủng hoảng kinh tế, thay đổi chính sách hoặc việc thực thi các chính sách pháp luật của cơ quan công quyền kém hiệu quả, thiên tai…); các nhóm nguyên nhân từ chính bản thân khách hàng (khả năng tài chính yếu, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, năng lực quản lý điều hành của chủ doanh nghiệp yếu không có định hướng kinh doanh rõ ràng, trục lợi, tham ô, vi phạm đạo đức, lừa đảo … ) và nhóm nguyên nhân từ phía ngân hàng, trong đó nhóm nguyên nhân từ phía ngân hàng là chủ yếu và đáng quan tâm nhất đó là tâm lý chủ quan, chậm luân chuyển cán bộ quản lý để tăng cường kiểm tra chéo, thẩm định, xem xét nhu cầu vay chưa kỹ càng, buông lỏng quản lý khách hàng, nhất là khâu sử dụng vốn vay.
+ Nguyên nhân từ việc thẩm định khách hàng, hồ sơ khách hàng:
Xác định GHTD quá cao so với khả năng chịu nợ của khách hàng. Đầu tư tín dụng ồ ạt, chạy theo chỉ tiêu, theo những đòi hỏi khách hàng mà không có sự thận trọng cần thiết. Tập trung quá cao cho một mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong điều kiện cạnh tranh gay gắt tất yếu dẫn đến việc giảm thấp điều kiện cung cấp tín dụng và nới lỏng kiểm soát cho vay.
* Công ty TNHH Hoàng Hà là công ty chuyên chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Công ty vay vốn tại ngân hàng Vietcombank Nha Trang với số tiền lên đến 8,2 tỷ đồng. Do việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn và thua lỗ, công ty đã không có khả năng trả nợ cho ngân hàng Vietcombank Nha Trang. Công ty Hoàng Hà chuyển sang vay vốn tại Vietinbank Khánh Hòa với số tiền lên đến 12 tỷ đồng. Do tình hình kinh doanh không được cải thiện và tiếp tục thua lỗ nên khoản vay này hiện tại đang gặp khó khăn trong việc trả nợ. Nguyên nhân dẫn đến RRTD trong trường hợp này là do ngân hàng đã quá tập trung vào việc chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong điều kiện cạnh tranh gây gắt. Điều này làm cho ngân hàng buộc phải nới lỏng kiểm soát cho vay, tăng thêm GHTD cao hơn nhiều so với khả năng chịu nợ của khách hàng để giữ chân khách hàng dù biết rằng khách hàng đó có lịch sử quan hệ tín dụng không tốt.
Đánh giá không đúng về uy tín, năng lực quản trị, năng lực tài chính của khách hàng:
* Năm 2010, Vietinbank Khánh Hòa cho khách hàng Nguyễn Văn Năm vay vốn để kinh doanh. Khi khách hàng Phạm Thị Hoa vay vốn của khách hàng Nguyễn Văn Năm, hai bên thỏa thuận làm hợp đồng mua bán căn nhà do Phạm Thị Hoa là chủ sở hữu, bà Phạm Thị Hoa bán cho ông Nguyễn Văn Năm mà thực chất của giao dịch là thế chấp cho ông Nguyễn Văn Năm để làm bảo đảm cho khoản vay của bà Hoa với ông Năm. Ông Năm đem thế chấp tài sản này tại ngân hàng để vay vốn và đến lượt ông Năm không trả được nợ, ngân hàng tiến hành khởi kiện ông Nguyễn Văn Năm để thu hồi nợ thì phát sinh tranh chấp giữa ba bên, bà Hoa, ông Năm và Vietinbank Khánh Hòa. Theo Điều 29 Bộ luật Dân sự 2005: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu…”, chiếu theo điều này, giao dịch bà Hoa bán căn nhà cho ông Năm sẽ bị tuyên vô hiệu và việc thế chấp căn nhà làm tài sản bảo đảm
cho ngân hàng cũng sẽ vô hiệu theo. Nguyên nhân là do hiện nay chưa có những quy định minh bạch về thông tin cũng như khả năng thẩm định về năng lực tài chính của khách hàng tại các ngân hàng còn yếu kém nên ngân hàng không phát hiện ra những giao dịch giả tạo như trên và dẫn đến những rủi ro cho ngân hàng trong việc nhận tài sản thế chấp và đưa ra quyết định cho vay.
Đánh giá không đúng về tính khả thi, hiệu quả của phương án/dự án vay.
+ Nguyên nhân từ các cán bộ ngân hàng:
Khả năng quản trị của các ngân hàng chưa theo kịp với tốc độ phát triển quy mô. Từ đầu năm 2012 cho đến nay, NHTMCPCTVN đã chính thức đưa vào hoạt động 03 chi nhánh tại nước ngoài (01 chi nhánh tại Lào và 02 chi nhánh tại Đức). Tuy nhiên trong thời gian ngắn, khả năng quản trị của các nhà quản lý các ngân hàng trong đó có NHTMCPCTVN đã không theo kịp với tốc độ phát triển phát triển mạng lưới. Ngoài ra NHTMCPCTVN vẫn là ngân hàng hoạt động bằng nguồn vốn nhà nước là chủ đạo do đó việc thay đổi tư duy quản trị của nhà quản trị hiện tại hoặc thay đổi một nhà quản trị mới không dễ thực hiện nhanh chóng vì mọi sự thay đổi đều phải được chấp thuận của Chính phủ, NHNN.
Cũng từ cuộc đua mở rộng mạng lưới, gia tăng thị phần, trong quá trình cho vay các CBTD đã bỏ qua một số bước của quy trình, hạ thấp tiêu chuẩn cho vay, đánh giá sơ sài tình hình tài chính kinh doanh, khả năng trả nợ và nguồn trả nợ của khách hàng mục đích để làm hồ sơ vay vốn nhanh và cho vay được nhiều khách hàng, tăng trưởng dư nợ. Việc nhận thức chưa đầy đủ và vận dụng không nghiêm túc các chính sách quy trình tín dụng của các CBTD tại NHTMCPCTVN nói chung và NHTMCPCTVN – CN Khánh Hòa nói riêng đã làm giảm sút chất lượng tín dụng của các chi nhánh trong đó có NHTMCPCTVN – CN Khánh Hòa.
Bên cạnh việc chấp hành không nghiêm chính sách quy trình, một bộ phận CBTD có năng lực và trình độ chưa đáp ứng nhu cầu công việc, hậu quả của việc tuyển dụng ồ ạt đáp ứng nhân lực mở rộng mạng lưới.
Ngoài ra còn một nguyên nhân về vấn đề phân công CBTD quản lý khách hàng. Tại NHTMCPCTVN - CN Khánh Hòa hiện nay vẫn chưa thực hiện phân công CBTD quản lý khách hàng vay theo nhóm ngành nghề. Các CBTD hiện nay vẫn quản lý nhiều khách hàng với ngành nghề kinh doanh và vay vốn đa dạng dẫn đến việc cán bộ không am hiểu, không chuyên sâu vào một ngành nghề cụ thể làm giảm chất lượng
thẩm định khách hàng, thẩm định phương án, dự án đề nghị vay vốn.