6. Một số công trình nghiên cứu về QT RRTD31
1.2.1 Nội dung công tác quản trị rủi ro tín dụng:
Quản trị rủi ro tín dụng có vai trò vô cùng quan trọng đối với các NHTM, vì thế công tác QTRRTD luôn được các NHTM đặc biệt quan tâm. Theo Nguyễn Đăng Dờn (2010, trang 45), những nội dung cơ bản trong công tác QTRRTD bao gồm:
- Cơ cấu tổ chức hoạt động tín dụng và cơ cấu quản lý giám sát rủi ro tín dụng của ngân hàng: Cơ cấu tổ chức hoạt động tín dụng và cơ cấu quản lý giám sát rủi ro tín dụng là một trong những nội dung quan trọng của QT RRTD. Các cơ cấu này được xây dựng theo nguyên tắc: Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan trong quá trình cấp tín dụng cũng như quản lý giám sát rủi ro tín dụng.
- Xây dựng văn bản chế độ, quy chế, quy trình thủ tục cấp tín dụng: Một trong những nguyên nhân quan trọng làm phát sinh rủi ro tín dụng thuộc về chủ quan của ngân hàng là việc xây dựng hệ thống chính sách, chế độ, quy chế, quy trình, thủ tục cấp tín dụng thiếu đồng bộ, không tuân thủ các quy định của pháp luật, của NHNN, hoặc quá thông thoáng, không chặt chẽ. Xây dựng văn bản chế độ, quy chế, quy trình thủ tục cấp tín dụng một cách hợp lý sẽ giúp cho công tác quản lý tín dụng được thống nhất, khoa học.
- Xây dựng chính sách tín dụng: Để đảm bảo hoạt động tín dụng của NHTM phát triển theo đúng định hướng đạt được mục tiêu an toàn, hiệu quả, tăng trưởng bền vững và kiểm soát được rủi ro thì mỗi NHTM phải xây dựng được một chính sách tín dụng nhất quán, hợp lý và phù hợp với đặc điểm của ngân hàng mình về cơ bản gồm các nội dung sau:
+ Cơ chế phân cấp quyền phán quyết tín dụng
+ Xác định thị trường và lĩnh vực cho vay của ngân hàng + Xây dựng các giới hạn an toàn trong hoạt động tín dụng
+ Xây dựng chính sách khách hàng trong hoạt động tín dụng + Quy định về tài sản đảm bảo tiền vay
+ Đa dạng hoá sản phẩm tín dụng, nghiên cứu phát triển các sản phẩm tín dụng mới - Xây dựng hệ thống các công cụ đo lường và định hạng tín dụng phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh, đối tượng khách hàng, tính chất rủi ro của khoản nợ và theo thông lệ quốc tế; bao gồm:
+ Xếp hạng khách hàng: Ngân hàng tiến hành xếp hạng khách hàng thông qua chấm điểm các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính của khách hàng từ đó có chính sách tín dụng phù hợp đối với từng khách hàng và nhóm khách hàng khác nhau.
+ Phân loại khoản vay: Khoản vay được thực hiện phân loại theo chất lượng và mức độ rủi ro. Khoản vay có chất lượng cao thì có tỷ lệ rủi ro thấp và ngược lại. Việc phân loại khoản vay được thực hiện thường xuyên để theo dõi, phân tích, trích lập dự phòng và có phương án xử lý kịp thời với các rủi ro phát sinh trong từng khoản vay để giúp ngân hàng bảo toàn vốn và thu được lợi nhuận.
- Quản lý, giám sát danh mục cho vay: Các ngân hàng luôn hướng tới mục tiêu xây dựng được một danh mục tín dụng an toàn và hiệu quả. Việc quản lý, giám sát danh mục cho vay giúp cho các ngân hàng phân bổ nguồn vốn một cách hợp lý vào các lĩnh vực, ngành nghề, khách hàng, sản phẩm tín dụng theo các giới hạn quy định, thực hiện đa dạng hoá khách hàng và phương thức cho vay, tránh tập trung tín dụng quá mức, thực hiện phân tán rủi ro nhằm đạt được lợi nhuận cao nhất và hạn chế tối đa rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, thực hiện việc điều chỉnh danh mục tín dụng một cách kịp thời, hợp lý nhằm tạo sự cân đối của danh mục giữa các tài sản có độ rủi ro cao và tài sản có độ rủi ro thấp, từ đó tạo ra thu nhập hợp lý và điều tiết được rủi ro trên cơ sở rà soát, phân tích rủi ro ảnh hưởng đến khả năng giảm sút thu nhập và mất vốn của danh mục tín dụng hiện tại (do sự thay đổi môi trường kinh tế - xã hội, sự thay đổi cơ chế chính sách của Nhà nước, sự biến động của bản thân khách hàng và các nguyên nhân thuộc về ngân hàng...).
- Hệ thống kiểm tra, kiểm soát tín dụng: Hệ thống này sẽ kiểm tra việc tuân thủ các cơ chế, quy chế, quy trình nghiệp vụ và các quy định của pháp luật trong hoạt động tín dụng nhằm phát hiện ra những sai sót trong quá trình thực hiện tín dụng, từ đó có thể giúp ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra. Bộ phận kiểm tra kiểm soát tín dụng phải được xây dựng độc lập với bộ phận thẩm định cho vay để bảo đảm tính khách quan và
chính xác trong quá trình kiểm tra tín dụng và phải thực hiện một cách thường xuyên, liên tục.
- Trích lập dự phòng và xử lý rủi ro tín dụng: Việc thường xuyên thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro tín dụng nhằm chủ động xử lý rủi ro xảy ra, làm lành mạnh hoá tình hình tài chính của ngân hàng.
- Hệ thống thông tin QTRRTD: Hệ thống thông tin RRTD được xây dựng để đảm bảo cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về hoạt động tín dụng một cách đầy đủ, chính xác và thường xuyên cập nhật nhằm giúp cho việc quản lý hoạt động tín dụng một cách có hiệu quả, hạn chế các tổn thất do tình trạng thiếu thông tin gây ra.