Bảng 7: Các mức xếp hạng khách hàng theo hệ thống XHTDNB
3.3.2. Kiến nghị đối với Ngân hàng nhà nước
3.3.2.1. Nâng cao chất lượng quản lý, điều hành
Nâng cao vai trò định hướng trong quản lý và tư vấn cho các NHTM thông qua việc thường xuyên tổng hợp, phân tích thông tin thị trường, đưa ra các nhận định và dự báo khách quan, mang tính khoa học, đặc biệt là liên quan đến hoạt động tín dụng để các NHTM có cơ sở tham khảo, định hướng trong việc hoạch định chính sách tín dụng của mình sao cho vừa đảm bảo phát triển hợp lý, vừa phòng ngừa được rủi ro.
Tiếp tục hoàn thiện quy chế cho vay, đảm bảo tiền vay trên cơ sở bảo đảm an toàn cho hoạt động tín dụng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các NHTM, quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các NHTM về việc tuân thủ quy chế cho vay và bảo đảm tiền vay.
NHNN cần phối hợp với các bộ ngành có liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu, tập trung tháo gở những khó khăn vướng mắc trong thủ tục phát mãi tài sản.
Nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể để các NHTM áp dụng chuẩn xác, kịp thời các công cụ bảo hiểm cho hoạt động tín dụng như: bảo hiểm tiền vay, quyền chọn và các công cụ tài chính phái sinh khác. Đồng thời, tổ chức đào tạo, hướng dẫn các nghiệp vụ trên để giúp các NHTM vừa đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, vừa phòng ngừa và phân tán rủi ro trong hoạt động tín dụng.
Thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm soát dưới nhiều hình thức để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những vi phạm tiêu cực trong hoạt động tín dụng nhằm đưa hoạt động tín dụng của ngân hàng vào đúng quỹ đạo pháp luật.
Chương trình thanh tra cần được xây dựng chi tiết, khoa học, thông tin được thu thập cần phân tích kỹ lưỡng, tránh mang tính hình thức, nội dung thanh tra nên được cải tiến sao cho chương trình thanh tra đảm bảo kiểm soát được NHTM, thể hiện được vai trò của mình là cảnh báo, ngăn chặn và phòng ngừa rủi ro và không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các NHTM.
Hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy thanh tra Ngân hàng theo ngành dọc từ trung ương xuống cơ sở và có sự độc lập tương đối về điều hành và hoạt động nghiệp vụ trong tổ chức bộ máy của NHNN.
Hoàn thiện và vận dụng vào thực tiễn công cụ khung sổ tay tín dụng theo chuẩn quốc tế để quản trị thống nhất hệ thống chỉ tiêu báo cáo đồng bộ.
Xây dựng tiêu chí cụ thể về đánh giá rủi ro khi thực hiện thanh tra, nội dung hoạt động ngoài thanh tra tuân thủ cần có sự giám sát, theo dõi rủi ro và tiến tới xây dựng hệ thống giám sát từ xa của Thanh tra ngân hàng thông qua mạng thông tin trực tuyến với các NHTM. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi công nghệ cao và quy chế nghiêm ngặt về bảo mật thông tin để bảo vệ bí mật kinh doanh của các NHTM.
3.3.2.3. Nâng cao chất lượng của Trung tâm thông tin tín dụng
Một trong những bộ phận được NHTM sử dụng là Trung tâm TTTD của NHNN. Và một trong những điều kiện cần thiết để thực hiện quản trị rủi ro tốt là hệ thống thông tin phải đầy đủ, cập nhật, chính xác. Chất lượng thông tin càng cao thì rủi ro trong kinh doanh tín dụng của các TCTD càng giảm. Vì vậy, việc hoàn thiện hoạt động của Trung tâm TTTD là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần chú trọng đổi mới và hiện đại hóa các trang thiết bị, thiết lập hệ thống sao cho việc thu thập cũng như cung cấp TTTD được thông suốt, kịp thời.
Việc đưa Nghị định số 10/2010/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/04/2010. Nghị định này rất có ích cho cả hai phía: ngân hàng và khách hàng, tuy nhiên nó lại tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới hiện tượng độc quyền. Do đó khuyến nghị NHNN sớm đưa ra Thông
tư hướng dẫn áp dụng Nghị định này trong thực tế, đồng thời có các biện pháp nhằm ngăn ngừa độc quyền về thông tin có thể sẽ xảy ra. Yêu cầu gắn chặt thỏa thuận giữa các công ty cung cấp TTTD sắp được thành lập với các TCTD về việc trao đổi, mua bán thông tin ngay từ đầu. Đồng thời NHNN được yêu cầu mua lại các thông tin này từ các công ty cung cấp TTTD khi mà có dấu hiệu của sự độc quyền.
Ngoài ra, NHNN cần phải có chính sách tuyển chọn và đào tạo cán bộ làm công tác quản lý Trung tâm TTTD không chỉ am hiểu về công nghệ thông tin như khai thác thông tin qua mạng và các công cụ hỗ trợ khác mà còn phải có khả năng thu thập thông tin, phân tích, tổng hợp và đưa ra những nhận định, cảnh báo thích hợp thay vì những con số báo cáo thống kê khô khan cho các NHTM tham khảo.
KẾT LUẬN
Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều biến động, hoạt động tín dụng của các NHTM hiện nay gặp khá nhiều rủi ro. Thực trạng đó là kết quả tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Để tồn tại và phát triển, các NHTM nói chung cũng như Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex phải biết vượt lên chính mình, đẩy lùi những khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong kinh doanh, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất bằng các biện pháp khác nhau.
Bài viết “ Giải pháp quản lý rủi ro tín dụng tại NHTMCP Xăng Dầu Petrolimex” là những đóng góp ý kiến của em với mong muốn giúp Ngân hàng vượt qua được những khó khăn này. Bài viết đã đạt được những kết quả sau:
1) Xây dựng một hệ thống khái niệm có tính khái quát, khoa học về RRTD, quản trị RRTD giúp ta hiểu rõ bản chất của RRTD và nội dung của công tác quản trị RRTD.
2) Trên cơ sở đó, cung cấp cho người đọc một bức tranh toàn cảnh về hoạt động quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex giai đoạn 2010-2012. Từ đó, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế đó trong hoạt động quản lý RRTD tại Ngân hàng.
3) Đưa ra một số giải pháp, kiến nghị để tăng cường công tác quản lý RRTD tại Ngân hàng.
Do trình độ nhận thức và nguồn thông tin thu thập còn giới hạn nên mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng khóa luận của em không tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, em rất mong nhận được sự giúp đỡ và góp ý của các thầy cô giáo để khóa luận được hoàn thiện hơn.
Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo Học Viện Ngân Hàng đã giúp đỡ em hoàn thành chuyên đề này.