8. Các tài khoản tại ngân hàng
1.3.1. Kinh nghiệm quản lý rủi ro tín dụng của một số NHTM trên thế giớ
1.3.1.1. Kinh nghiệm của các ngân hàng Singapore
- Việc phân loại tín dụng: những người ký kết các khoản tín dụng phải chịu trách nhiệm trước tiên trong việc thực hiện phân loại tín dụng chính xác dựa trên những đánh giá về tình hình tổng thể và có thể thay đổi kết quả phân loại bất cứ thời điểm nào. Các khoản cho vay được chia thành 5 nhóm nợ: Nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1); nợ cần chú ý (nhóm 2); nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3); nợ nghi ngờ (nhóm 4); nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5). Trong đó, nợ xấu là nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5.
- Việc trích lập dự phòng tổn thất cho vay: chỉ bao gồm dự phòng cụ thể, được xác định theo các tiêu chí như sau:
+ Hoạt động kinh doanh cơ bản và khả năng tài chính vững chắc của khách hàng. + Nguồn tiền mặt của khách hàng vay (bao gồm cả hỗ trợ từ bên thứ ba).
+ Chất lượng và giá trị có thể bán được của tài sản ký quỹ và TSĐB cho khoản vay. + Sự tồn tại của quyền truy đòi hợp pháp có giá trị pháp lý và có thể thi hành đối với khách hàng vay.
Đồng thời cùng với những tiêu chí trên, đối với các nhóm nợ xấu, giá trị dự phòng không được nhỏ hơn giá trị tối thiểu theo quy định của Cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore (MAS): 10% giá trị khoản vay đối với nợ nhóm 3; 50% đối với nợ nhóm 4 và 100% đối với nợ nhóm 5.
- Việc quản lý nợ xấu:Xây dựng “danh mục theo dõi” để nhận biết những dấu hiệu
cảnh báo sớm vấn đề bất ổn tín dụng. Danh mục này không phải là danh mục phân loại mà là danh sách những khách hàng nằm trong nhóm nợ đủ tiêu chuẩn và đang tồn tại những
vấn đề RRTD tiềm ẩn cần quan tâm. Họ sẽ bị xếp loại vào nhóm thấp hơn trong trường hợp dấu hiệu cảnh báo sớm có chiều hướng ảnh hưởng bất lợi.
Tối đa trong vòng 30 ngày làm việc, các khoản nợ xấu phải được cán bộ tín dụng chuyển giao ngay cho bộ phận quản lý tài sản đặc biệt để theo dõi.
Đối với các khoản nợ xấu được trích lập dự phòng đầy đủ, để phục vụ cho mục đích giám sát, MAS cho phép các ngân hàng được xóa nợ xuống còn 1 đô la Singapore, bất kể có thể thu hồi được khoản nợ đó hay không. Báo cáo danh mục các khoản nợ xấu và trích lập dự phòng cụ thể của các NHTM bắt buộc phải được nộp cho Hội đồng quản trị của NHTM và MAS để quản lý.
Với việc quản lý nợ xấu như trên, nhìn chung tỷ lệ nợ xấu của các NHTM Singapore không cao và thông thường sẽ được xử lý ngay khi có phát sinh các khoản nợ xấu này.
1.3.1.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc
- Trích lập và phân loại nợ: Theo quy định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, bộ
phận tín dụng của NHTM cần phải có các quy trình kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, kịp thời thu thập thông tin để phân loại, thiết lập và hoàn chỉnh hồ sơ phân loại, kịp thời đề xuất kiến nghị kiểm tra lại; chịu trách nhiệm về tính chân thực, tính chuẩn xác, tính hoàn chỉnh của các dữ liệu phân loại đã cung cấp; tiến hành phân loại sơ bộ tài sản theo tiêu chuẩn phân loại, đề xuất ý kiến và lý do phân loại; định kỳ báo cáo cho bộ phận quản lý rủi ro những thông tin phân loại của bộ phận tín dụng; căn cứ vào kết quả phân loại tiến hành quản lý các khoản tín dụng có sự phân biệt trong quản lý đối với từng khoản tín dụng, thực hiện các biện pháp cải tiến, loại trừ và xử lý rủi ro.
Cũng giống như ở Singapore, các khoản tín dụng tại các NHTM Trung Quốc cũng được chia thành 5 nhóm: nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1), nợ cần chú ý (nhóm 2), nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), nợ nghi ngờ (nhóm 4), nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5), trong đó nợ nhóm 3, 4, 5 được gọi là nợ xấu. Việc trích lập dự phòng tổn thất cho vay bao gồm: dự phòng chung và dự phòng cụ thể:
- Dự phòng cụ thể: vào cuối tháng, dựa theo kết quả phân loại nợ và sau khi khấu trừ giá trị tài sản thế chấp, NHTM trích lập dự phòng cụ thể theo số dư các khoản tín dụng với tỷ lệ: nhóm 1: 0%; nhóm 2: 2%; nhóm 3: 25%; nhóm 4: 50%; nhóm 5: 100%.
- Dự phòng chung: được trích hàng tháng và được xác định bằng 1% số dư cuối kỳ của các khoản tín dụng.
Khi phân loại các khoản tín dụng, NHTM Trung Quốc chủ yếu dựa trên cơ sở khả năng trả nợ và dòng tiền thuần, thiện trí trả nợ, TSĐB, trách nhiệm pháp luật về thanh toán nợ vay của khách hàng, tình hình quản lý tín dụng của ngân hàng,… Trong phân loại nợ, các NHTM Trung Quốc lấy việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng là cốt lõi, xem thu nhập kinh doanh bình thường của khách hàng là nguồn vốn trả nợ chủ yếu, TSĐB là nguồn vốn trả nợ thứ yếu. Đối với khoản cho vay mới, ngân hàng xem xét lịch sử giao dịch, tình trạng uy tín của khách hàng với ngân hàng khác. Nếu khách hàng vay là công ty mới thành lập thì chủ yếu xem xét lịch sử giao dịch, uy tín của các cổ đông. Lịch sử trả nợ của khách hàng có thể phản ánh tình trạng gia hạn, quá hạn nợ vay của họ, đây là yếu tố quan trọng cần xem xét khi tiến hành phân loại các khoản tín dụng.
- Quản lý nợ xấu: Để thực hiện xử lý nợ xấu, Trung Quốc đã thành lập 04 công ty quản lý
tài sản (AMC) năm 1999 với vốn điều lệ khoảng 5 tỷ USD (tương đương 1% tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc hiện nay) như là một giải pháp tối thượng cho vấn đề nợ khó đòi vì thông qua các AMC, NHTM có thể ngay lập tức gạt bỏ các khoản nợ khó đòi ra khỏi bảng tổng kết tài sản để trở nên lành mạnh hơn.
Theo đánh giá của các nhà quan sát thì việc lập nên các AMC để giải quyết nợ khó đòi tại Trung Quốc cũng chỉ như việc rút tiền từ túi trái nhét sang túi phải. Bản thân các AMC cũng đang phải tìm cách giải quyết số nợ tiếp nhận này.
Mặc dù có nhiều lý thuyết bàn đến việc AMC có thể làm với đống tài sản nhận về này, nhưng thực tế hầu như chẳng có gì xảy ra. Các AMC mới chỉ tìm cách bán đi được một phần những khoản nợ tốt nhất trong số những khoản nợ xấu có trong tay, vẫn còn lại tới 95% số nợ phải thanh lý, trong khi không có mấy khách hàng mới tìm đến.
Tóm lại, có thể thấy rằng các AMC ở Trung Quốc chỉ có tác dụng làm sạch bảng cân đối tài sản của các NHTM quốc doanh trước mắt, trong ngắn hạn để giúp chúng hấp dẫn hơn trong con mắt nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nguồn gốc sâu xa của vấn đề nợ khó đòi vẫn còn đó, chưa (và sẽ không) được giải quyết triệt để (vì những lý do chính trị do động chạm đến các doanh nghiệp nhà nước), và khi mà tương lai của việc thanh lý dứt điểm với tỷ lệ thu hồi cao các khoản nợ khó đòi là rất mờ mịt.
1.3.1.3. Kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức
Một trong những hình thức bảo lãnh được sử dụng phổ biến và khá thành công ở Cộng hòa Liên bang Đức là bảo lãnh của Ngân hàng Bảo lãnh. Các ngân hàng Bão lãnh được thành lập với chức năng chủ yếu là bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ngân hàng trong trường hợp các doanh nghiệp này làm ăn tốt nhưng lại không đủ tài sản thế chấp và đề nghị ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho phần tiền vay thiếu tài sản thế chấp. Theo quy định khi có rủi ro xảy ra thì ngân hàng Bảo lãnh chịu trách nhiệm tối đa là 80% mức tiền vay, còn ngân hàng cho vay chịu 20%.
Đặc biệt các ngân hàng bảo lãnh này sẽ được Bộ tài chính và Bộ kinh tế hỗ trợ và bảo lãnh lại. Các ngân hàng bảo lãnh ở Cộng hòa Liên bang Đức đã hỗ trợ rất tích cực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần đa dạng hóa thị trường vốn ở nước này, đồng thời giúp các NHTM mở rộng tín dụng cũng như quản trị tốt RRTD.
1.3.1.4. Kinh nghiệm của Mỹ
Cũng như các nước khác, các ngân hàng của Mỹ rất quan tâm đến vấn đề quản trị rủi ro đặc biệt là quản trị RRTD. Với sự cạnh tranh khốc liệt trong suốt thời kỳ kinh tế tăng trưởng, các ngân hàng đã phải chấp nhận những khoản tín dụng có chất lượng thấp hơn để tăng thêm thu nhập. Để giảm nguy cơ rủi ro, một mặt các ngân hàng đã thắt chặt điều kiện cho vay, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay mặt khác tăng cường các biện pháp quản lý RRTD, chẳng hạn như: thường xuyên gặp gỡ khách hàng, cập nhật thông tin kịp thời, chính xác, coi trọng vai trò của tài sản thế chấp...
Các ngân hàng Mỹ coi sự trao đổi thường xuyên với khách hàng về tình hình kinh doanh, các cơ hội cũng như khó khăn sẽ giúp ngân hàng hiểu rõ về khách hàng của mình hơn. Các ngân hàng Mỹ cũng đánh giá rất cao vai trò của kế hoạch kinh doanh của khách hàng, họ cho rằng: “Ai chuẩn bị không tốt, hãy chuẩn bị đón nhận thất bại”, một kế hoạch kinh doanh hay một chiến lược là một công cụ hữu hiệu để một ngân hàng hiểu thấu đáo và có cái nhìn toàn diện về công việc mà doanh nghiệp đang tiến hành.
Để đưa ra quyết định cho vay kịp thời và hiệu quả các ngân hàng cần có các nguồn thông tin tài chính chính xác. Nguồn trả nợ quan trọng nhất của các khoản vay là dòng tiền ròng của doanh nghiệp. Vì vậy các ngân hàng luôn yêu cầu khách hàng cung cấp kịp thời các báo cáo tài chính đầy đủ và hoàn thiện, dự đoán trước các luồng tiền và các khoản hoàn trả thuế. Đây là căn cứ rất quan trọng để đánh giá khả năng trả nợ của người đi vay.
Bên cạnh các kinh nghiệm để hạn chế RRTD đáng để học hỏi trên thì trong thời gian qua ,nước Mỹ cũng để lại cho các nước trên thế giới cũng như Việt Nam một bài học lớn về quản lý RRTD thông qua cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn xuất phát từ quốc gia này. Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn hoạt động cho vay có phần dễ dãi và ồ ạt - được gọi là “cho vay dưới chuẩn” - của các ngân hàng đối với người vay tiền mua nhà trả góp với hy vọng sau đó bán đi để kiếm lời.
Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2007 của Mỹ bắt nguồn từ việc các ngân hàng giảm nhẹ các tiêu chuẩn cho vay cho đối với các khoản vốn vay để mua nhà có độ rủi ro cao và từ lòng tham của thị trường. Chứng khoán hóa là một công cụ tài chính thông minh song đã bị lợi dụng vào việc xấu gây nên hậu quả khôn lường. Đây là những bài học không thừa cho bất cứ quốc gia nào trong quá trình hội nhập và phát triển.
1.3.1.5. Kinh nghiệm quản lý rủi ro tín dụng của Citibank
Một trong những tập đoàn tài chính có hiệu quả kinh doanh được đánh giá cao trên thế giới là Citigroup, trong đó Citibank đóng góp không nhỏ vào doanh thu khổng lồ của tập đoàn.
Trong hoạt động tín dụng, ba giai đoạn trong chính sách tín dụng chủ chốt của Citibank bao gồm: Hình thành chiến lược và kế hoạch cho vay; tiến hành cho vay; đánh
giá và báo cáo thực thi. Trong các giai đoạn này, trách nhiệm của các bộ phận tham gia được thể hiện một cách rất cụ thể như sau:
- Ủy ban quản lý (Management Committee): có trách nhiệm thiết lập mục tiêu hoạt động và tiêu chuẩn danh mục đầu tư đối với ngân hàng; đặt ra hạn mức tín dụng đối với ủy ban Chính sách tín dụng.
- Ủy ban Chính sách tín dụng (Credit Policy Committee): có trách nhiệm đặt ra hạn mức tín dụng cùng với ủy ban Quản lý; xây dựng chính sách tín dụng; quản lý và đánh giá danh mục đầu tư và quản lý RRTD.
- Bộ phận Quản lý rủi ro (Line Management): lập ra chiến lược kinh doanh; nhận định thị trường mục tiêu và mức chấp nhận rủi ro; gặp gỡ khách hàng và đánh giá rủi ro, xét duyệt dư nợ rủi ro; theo dõi việc hoàn trả và các hồ sơ tín dụng, theo dõi và duy trì giao dịch, giải ngân cho nhà đầu tư; theo dõi các vấn đề phát sinh trong quá trình tín dụng; xúc tiến tiến độ khoản vay.