Khái quát về Trường Đại học Tây Bắc

Một phần của tài liệu giáo dục đạo đức cho sinh viên trường đại học tây bắc qua dạy học môn tư tưởng hồ chí minh (Trang 31)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.1. Khái quát về Trường Đại học Tây Bắc

Trường Đại học Tây Bắc được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho các tỉnh Tây Bắc, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, triển khai các dịch vụ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc.

Có thể nói, sự ra đời của Nhà trường (theo quyết định số 267/QĐ ngày 30/6/1960 của Bộ Giáo dục) đã góp phần đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo cán bộ, giáo viên khu vực Tây Bắc. Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng viên và sinh viên đảm bảo về số lượng và chất lượng.

Trường gồm 10 khoa, đào tạo 26 ngành học hệ đại học và 18 ngành học hệ cao đẳng trong đó bao gồm các ngành sư phạm như Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Chính trị, Tiếng Anh, Thể chất, Tiểu học, Mầm non, Sinh - Hóa, Sử - Địa, Toán - Lý, Văn - Giáo dục công dân. Và những ngành ngoài sư phạm như Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Lâm sinh, Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật, Nông học, Kế toán, Quản trị kinh doanh. Ngoài ra nhà trường còn liên kết đào tạo đại học ngành Công nghệ thông tin, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh. Nhà trường cũng đã liên kết với một số trường đại học: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, mở được 26 lớp thạc sỹ thuộc các chuyên ngành: Ngữ văn, Toán học, Lịch sử, Địa lý, Hóa học Chính trị, Vật lý, Khoa học máy tính, Giáo dục Thể chất, Nông học, Lâm sinh, Kinh tế, Quản lý giáo dục… Địa bàn tuyển sinh được mở rộng quy mô toàn quốc, chất lượng tuyển đầu vào ngày càng được nâng cao.

Số sinh viên Nhà trường ở cả 3 hệ Cao đẳng, Đại học chính quy và Đại học liên kết đào tạo hiện nay là 8 906 sinh viên. Trong đó hệ Cao đẳng là 1 653 sinh viên, hệ đại học chính quy là 6 917 và hệ Đại học liên kết đào tạo là 336 sinh viên. Sinh viên trường Đại học Tây Bắc đến từ rất nhiều các dân tộc khác nhau. Dân tộc Kinh là 2 473 sinh viên còn lại là sinh viên các dân tộc thiểu số như Thái, Mường, Kháng, H’ Mông, Sán Chỉ, Tày, Khơ Mú, Dao, Hà Nhì, La Ha, Giáy, Lào… và 61 du học sinh Lào.

Trường chuyển xuống cơ sở mới tại tổ 2 phường Quyết Tâm thành phố Sơn La được 6 năm, cơ sở vật chất bước đầu được hình thành đã phần nào đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu và hoạt động của sinh viên trong trường.

Trường có tổ chức Đoàn vững mạnh, kinh nghiệm, thường xuyên tổ chức các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các câu lạc bộ trẻ… đã tạo được môi trường học tập, sân chơi lành mạnh lôi cuốn được đông đảo sinh viên tham gia đồng thời giúp rèn luyện lý tưởng, kỹ năng sống, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, Nhà trường còn tồn tại nhiều khó khăn do yếu tố khách quan mang lại. Trường được xây dựng tại tỉnh Sơn La nằm ở trung tâm vùng Tây Bắc, là một tỉnh biên giới nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu. Sinh viên Trường Đại học Tây Bắc phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ,... Họ có sự hạn chế về nhiều mặt như trình độ nhận thức, điều kiện kinh tế, các tập tục của bản làng. Tính cộng đồng rất cao, múa hát tập thể và rượu cần là nét văn hóa đặc trưng của họ vì vậy sinh viên dân tộc thiểu số hay bỏ học đi uống rượu hoặc nghỉ học quá số buổi nhà trường cho phép trong những dịp lễ hội. Trung thực, thẳng thắn, có tính tự ái, tự ti cao khi bị học lại, trượt ca hoặc bị xúc phạm họ sẵn sàng bỏ học.

Tình yêu nam nữ thể hiện rất sớm, một số trường hợp sinh viên nữ đã lập gia đình, có con sau đó mới thi đỗ và học nên thường xuyên phải xin nghỉ

học khi con ốm đau. Không ít sinh viên sẵn sàng xin bảo lưu, thậm chí là bỏ học để lập gia đình riêng, sinh con.

Khả năng tài chính của một số sinh viên vùng đặc biệt khó khăn là rất hạn hẹp nếu không được sự hỗ trợ của nhà nước, các nhà hảo tâm thì rất có thể các em phải bỏ học đi tìm việc làm kiếm tiền.

Một phần của tài liệu giáo dục đạo đức cho sinh viên trường đại học tây bắc qua dạy học môn tư tưởng hồ chí minh (Trang 31)