* Đối với ngân sách tỉnh: Qua tìm hiểu tại Sở Tài chính, tác giả nhận thấy
một số vấn đề như sau:
- Từ 2006 trở về trước, công tác cân đối ngân sách chưa được quan tâm sâu, một phần cũng do yêu cầu của công tác quản lý, mặt khác do tình hình ngân sách trong thời điểm này tương đối thuận lợi, tình trạng hụt thu ngân sách hằng năm không xảy ra, tồn quỹ ngân sách luôn luôn ở mức cao.
- Từ năm 2007, các nhà quản lý đã chú trọng công tác cân đối ngân sách, hằng năm khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 năm sau đã thực hiện lập báo cáo tình hình cân đối ngân sách năm trước báo cáo UBND tỉnh trình HĐND phê duyệt, nội dung này thường được thể hiện bằng Văn bản báo cáo tình hình thực hiện dự toán và đề xuất sử dụng nguồn tăng thu, đề xuất khắc phục hụt thu ngân sách. Báo cáo đã nêu cụ thể số liệu thu ngân sách so với chỉ tiêu pháp lệnh để đánh giá mức độ hụt thu hoặc tăng thu, đơn cử:
Bảng 2.6 – CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Đ.v.t:Tỷ đồng
Năm Nội dung Chỉ tiêu pháp
lệnh do HĐND tỉnh
giao
Thực hiện Vượt thu (+), hụt thu (-) 2008 - Thu thuế, phí và khác NS (chỉ tiêu do Bộ Tài chính giao là 1.310 tỷ) 1.330 1.368 + 38 + Ngân sách cấp tỉnh 44 + Ngân sách cấp huyện, xã 16 - Thu tiền sử dụng đất 250 323 73 2009 - Thu thuế, phí và khác NS 1.466 1.416 - 50 + Ngân sách cấp tỉnh -27 + Ngân sách cấp huyện, xã -23 - Thu tiền sử dụng đất 200 624 424 2010 - Thu thuế, phí và khác NS (chỉ tiêu do Bộ Tài chính giao là 1.513 tỷ) 1.976 1.718 -258 + Ngân sách cấp tỉnh -170 + Ngân sách cấp huyện, xã -88 - Thu tiền sử dụng đất 670 739 69
Nguồn: Báo cáo cân đối ngân sách 2008-2010 tại Sở Tài chính Lâm Đồng
Trên cơ sở số liệu tại một số nội dung thu quan trọng, tiến hành đánh giá, phân tích, thuyết minh nguyên nhân và chi tiết cụ thể tình hình tăng, giảm thu ở các cấp ngân sách, sau đó tiến hành đề xuất các giải pháp xử lý nguồn tăng thu và hụt thu đối với các cấp ngân sách. Tại nội dung này, tác giả xin phân tích khoản thu thuế phí và thu khác ngân sách – khoản thu chủ yếu trong thu NSNN để xem xét khả năng cân đối của ngân sách tỉnh Lâm Đồng được rõ nét hơn. Cụ thể việc xử lý tăng hoặc hụt thu ngân sách qua các năm như sau:
+ Tăng thu thuế, phí năm 2008 được xử lý trích 50% để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương là 22 tỷ đồng, phần còn lại để bù hụt thu cho các địa phương 16 tỷ đồng và chi đầu tư 01 hạng mục công trình là 06 tỷ đồng;
+ Hụt thu thuế phí ngân sách năm 2009 được xử lý bằng việc tạm ứng NSTW 50 tỷ đồng để bù hụt thu cho ngân sách cấp tỉnh 27 tỷ đồng và hỗ trợ hụt thu cho ngân sách cấp huyện 23 tỷ đồng. Đồng thời bố trí vào dự toán ngân sách năm 2010 để hoàn trả khoản vay 53 tỷ đồng (bao gồm cả phí vay NSTW)
+ Hụt thu thuế phí năm 2010 được xử lý bằng việc sử dụng từ nguồn NSTW bổ sung cho các chính sách khắc phục giảm, giãn thuế 111 tỷ đồng, tạm ứng NSTW 110 tỷ đồng. Hỗ trợ hụt thu cho ngân sách cấp huyện 60% số hụt thu là 51 tỷ đồng.
+ Tăng thu tiền sử dụng đất được bố trí lại cho các địa phương để chi đầu tư phát triển cho các công trình trên địa bàn nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.
Từ số liệu minh họa nêu trên cho thấy, việc cân đối ngân sách trong giai đoạn mới chủ yếu tập trung vào việc xử lý hụt thu mà chưa phản ánh được mối tương quan giữa thu và chi ngân sách trong một năm. Chưa tính toán được cụ thể số kinh phí còn dư từ các nhiệm vụ chi đã được giao trong năm để bù đắp hụt thu, bởi lẽ trên thực tế, còn một số khoản chi đã được cân đối từ đầu năm nhưng trong năm chưa có phát sinh hoặc phát sinh với số rất thấp (ví dụ nguồn dự phòng NS tỉnh 2009 bố trí là 56 tỷ đồng, nhưng chỉ sử dụng 14 tỷ đồng, còn lại 42 tỷ đồng), thì chính những khoản này đã bù đắp được phần hụt thu ngân sách. Đối với ngân sách cấp huyện cũng vậy, chỉ tính phần hụt thu mà không tính đến các khoản chi, sẽ dẫn đến tình trạng hỗ trợ cả hụt thu cho những địa phương còn dư nguồn, làm tăng gánh nặng cho ngân sách cấp tỉnh. Mặt khác, việc đi vay để bù đắp chi thường xuyên là chưa hiệu quả và hợp lý với nguyên tắc cân đối ngân sách, vì vay chỉ nên dành cho chi đầu tư phát triển.
Chúng ta đã biết chỉ tiêu pháp lệnh do cơ quan có thẩm quyền giao thường thể hiện ở hai cấp đó là chỉ tiêu pháp lệnh do Trung ương (Chính phủ, Bộ Tài chính), và chỉ tiêu pháp lệnh ở địa phương (HĐND tỉnh và HĐND huyện). Ngân sách trung ương thực hiện tính toán cân đối ngân sách trên cơ sở nguồn thu ngân sách trung ương giao và ngân sách tỉnh tính toán cân đối trên cơ sở nguồn thu Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Như vậy, một vấn đề đặt ra ở đây rõ nét nhất đó chính là 50% nguồn tăng thu ngân sách hằng năm để thực hiện cải cách tiền lương, Bộ Tài chính sẽ tính toán với địa phương theo số thực tế thu so với dự toán Bộ Tài chính giao (chẳng hạn năm 2008 Bộ Tài chính tính nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 58 tỷ đồng {(=1.368 – 1.310)* 50%) trong khi đó địa phương chỉ tính 22 tỷ đồng (tính theo dự toán HĐND tỉnh giao). Như vậy 36 tỷ đồng chưa có nguồn đảm bảo vì phần tăng thu còn lại đã phân bổ hụt thu cho các địa phương. Hoặc như đối với năm 2010, theo tính toán của địa phương thì ngân sách bị hụt thu, không có nguồn để thực hiện chế độ cải cách tiền lương. Tuy nhiên,
Bộ Tài chính tính toán nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2010 là 102 tỷ đồng {(=1.718-1.513)*50%}. Từ phân tích nêu trên, có thể khẳng định rằng, nguy cơ mất cân đối ngân sách đã xảy ra. Đó là một vấn đề cần được nghiên cứu để khắc phục.
* Đối với ngân sách cấp huyện, xã
Qua tìm hiểu kết quả thẩm định quyết toán ngân sách giai đoạn 2006-2010, hầu hết ngân sách cấp huyện, cấp xã chưa quan tâm đến công tác cân đối ngân sách, mới chỉ dừng lại ở việc xác định kết dư ngân sách hằng năm và phân tích số kết dư. Một mặt là do trình độ quản lý của các địa phương còn hạn chế, mặt khác là do hầu hết các địa phương còn nhận bổ sung cân đối của ngân sách cấp trên, số tăng thu ngân sách hằng năm không đáng kể nên chưa có sự quan tâm đến công tác cân đối ngân sách. Vẫn còn có tình trạng một số xã, thị trấn khi lập báo cáo quyết toán ngân sách xã hằng năm không phân tích được nguồn do không thực hiện các sổ phụ để theo dõi hoặc do từ các thời kỳ trước không thực hiện nên việc phân tích nguồn không được liên tục, khó theo dõi.
2.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2006-2010