- Ở tất cả các nước, cơ sở pháp lý cho vấn đề phân cấp quản lý NSNN đều rõ ràng, ổn định và đồng bộ giữa chính sách về tài chính với các chính sách khác.
- Hệ thống ngân sách của các nước độc lập với nhau, ngân sách cấp nào do cấp đó quyết định và giao cho chính quyền cùng cấp thực hiện. Quốc hội chỉ quyết định Ngân sách trung ương. Trên cơ sở đó, các cấp hoàn toàn tự chủ trong việc quyết định ngân sách của mình, nhờ đó cũng chủ động trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chi, hạn chế ỷ lại vào cấp trên.
- Xu hướng chung trong phân cấp quản lý thu chi NSNN ở các nước là luôn đảm bảo vai trò tập trung của ngân sách trung ương (NSTW), ngân sách địa phương (NSĐP) được thiết kế thu không đủ chi cần sự hỗ trợ của NSTW, chính sự hỗ trợ này đảm bảo tính thống nhất của nền tài chính quốc gia thông qua sự chi phối, điều tiết của NSTW.
- Các nước đều quy định những tiêu thức trợ cấp, bổ sung ngân sách cho các địa phương một cách rõ ràng bằng việc xây dựng những công thức tính toán số cần trợ cấp. Tiêu chí về dân số của các địa phương thường được các nước dựa vào làm căn cứ chủ yếu để xác định mức trợ cấp.
- Việc quản lý vay nợ của các cấp chính quyền địa phương được quản lý hết sức chặt chẽ và thường do Chính phủ Trung ương quy định trong những trường hợp cụ thể.
- Dự báo thu ngân sách là căn cứ quan trọng để lập ngân sách. Trên cơ sở dự báo các nguồn thu và số thu ngân sách, Chính phủ mới có thể lập dự toán các khoản chi ngân sách. Trong khuôn khổ tài khóa trung hạn, thu ngân sách cũng được dự báo trong trung hạn làm cơ sở hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách chi tiêu công. Dự báo trung hạn về thu ngân sách sẽ là cơ sở quan trọng cho việc lập kế hoạch trung hạn về chi ngân sách, phân bổ ngân sách theo
mục tiêu ưu tiên trong trung hạn phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả chi tiêu công
- Xây dựng Chương trình đầu tư công để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn
Kết luận chương 1
Nghiên cứu phần cơ sở lý luận trên đây, chúng ta thấy rằng NSNN có vai trò rất quan trọng trong việc cung ứng nguồn tài chính cho hoạt động của bộ máy nhà nước, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững, đồng thời là công cụ điều tiết thị trường, bình ổn giá cả và kiềm chế lạm phát. Đó là tiền đề cho việc hoạch định các chính sách để quản lý, phân cấp quản lý và cân đối ngân sách đảm bảo cho các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước được thực thi một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, vấn đề quản lý, phân cấp quản lý ngân sách là những vấn đề không phải đơn giản trong quá trình thực thi ở các cấp chính quyền địa phương. Chính vì vậy việc nghiên cứu các cơ sở lý luận có vai trò rất quan trọng. Ngay cả việc cân đối ngân sách, có một số ý kiến cho rằng đó là vấn đề thuộc tầm vĩ mô, chủ yếu ở ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, đó là vấn đề của tất cả các cấp ngân sách đều phải quan tâm để xây dựng, hoạch định một ngân sách bền vững, phục vụ phát triển kinh tế địa phương góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Từ cơ sở lý luận nêu trên, chúng ta đã hiểu rõ thêm về ngân sách, về nội dung phân cấp quản lý ngân sách và cân đối ngân sách, điều đó sẽ giúp cho chúng ta trong quá trình phân tích tình hình thực tế để đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý của một số cơ quan ở Trung ương và các cấp chính quyền địa phương.
CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGÂN SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2006-2010
2.1. TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2006-2010
Lâm Đồng nằm trên cao nguyên thứ ba và cao nhất của vùng đất Tây Nguyên, cao nguyên Lâm Viên – Di Linh (cao 1.500m so với mặt biển), 70% diện tích là núi rừng, phía bắc giáp tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, phía đông nam giáp các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; Phía Tây giáp các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai. Với diện tích tự nhiện 9.765 km2, Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính: 02 thành phố và 10 huyện {gồm: Thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc (trước đây là thị xã Bảo Lộc), huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lạc Dương, Đam Rông}. Thành phố Đà Lạt là trung tâm hành chính - kinh tế - xã hội của tỉnh. Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao, có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình từ 18- 250C, thời tiết ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Toàn tỉnh có khoảng 255 ngàn hecta đất nông nghiệp, trong đó có trên 200 ngàn hecta đất bazan thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, chè. Ngoài ra còn có một diện tích tương đối lớn tập trung cho việc trồng hoa, rau. Giá trị từ cà phê, chè, rau, hoa đã mang lại những giá trị cấp cao cho Lâm Đồng. Giai đoạn 2006-2010, tình hình kinh tế xã hội của Lâm Đồng thể hiện cụ thể ở một số mặt trọng tâm sau đây: