2.4.3.1 Do nguồn vốn cho vay của NHCSXH có tính phụ thuộc cao
Với đặc điểm riêng của mình, nguồn vốn cho vay của NHCSXH nói chung cũng như NHCSXH Chi nhánh Thanh hóa nói riêng phụ thuộc vào sự thống nhất của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan họp cụ thể và giao chỉ tiêu cho NHCSXH Trung ương từ đó mới phân bổ cho các chi nhánh cấp tỉnh trong đó có NHCSXH Thanh hóa.Trong năm nếu Ngân sách Nhà nước chưa đủ cấp vốn để cho vay thì Chính phủ cho phép Ngân hàng huy động vốn trên thị trường để lấy nguồn vốn cho vay. Nhưng nguồn vốn này rất khó vì NHCSXH chỉ huy động mang tính thời vụ. Theo phương thức tạo vốn trong thời gian qua, nguồn vốn chủ yếu huy động thông qua NHTM quốc doanh, toàn bộ là vốn ngắn hạn (thời hạn đến 12 tháng). Khối lượng vốn huy động phụ thuộc vào mức cấp bù chênh lệch lãi suất từ Ngân sách Nhà nước hàng năm. Trong cơ cấu nguồn vốn thì nguồn vốn trung hạn chiếm 35%
trong khi sử dụng vốn cho vay trung hạn dư nợ chiếm 77.7%. Đây là vấn đề khó khăn nhất trong quản lý và điều hành vốn tín dụng cho vay hộ nghèo, ảnh hưởng đến việc hoàn trả vốn cho các Ngân hàng thương mại. Rất khó có thể phát triển mở rộng quy mô cho vay hộ nghèo nếu không cải thiện được cơ chế tạo lập nguồn vốn theo hướng ổn định nguồn vốn trung và dài hạn.
2.4.3.2Mức phân loại hộ nghèo chưa phù hợp
Tình trạng số hộ nghèo trong danh sách hàng năm thường ít hơn số hộ nghèo thực tế. Danh sách mà ban XĐGN của xã, huyện lập ra còn bị ràng buộc bởi nhiều vấn đề như chỉ tiêu thi đua xã văn hoá, tốc độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Nghị quyết đại hội Đảng bộ, khả năng ngân sách của từng địa phương dành cho công tác XĐGN, vì người nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi... chứ không căn cứ vào tiêu thức hộ nghèo đã phân định và xác định một cách khách quan. Đây là một vấn đề cần được xem xét lại.
2.4.3.3 Chưa có quy chế ràng buộc trách nhiệm đối với HĐQT- NHCSXH các cấp
Đối với Thành viên BĐD- HĐQT cấp tỉnh, huyện là các quan chức trong bộ máy quản lý Nhà nước và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên rất ít thời gian và điều kiện để thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là không có quy chế ràng buộc trách nhiệm các thành viên về kết quả hoạt động của Ban đại diện HĐQT. Các cuộc họp của Ban đại diện HĐQT thường không quá bán, Nghị quyết HĐQT và những vấn đề kiến nghị tham mưu cho Đảng, Nhà nước ở tầm vĩ mô để hoạch định chính sách, quản lý, giám sát, ban hành quy chế, cơ chế hoạt động cho NHCSXH tỉnh còn nhiều hạn chế. Đặc biệt những huyện ở vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao thường có số thành viên ít quan tâm đến công việc của Ban đại diện nhiều hơn, làm ảnh hưởng công tác giám sát của Ban đại diện đối với những vùng trọng điểm.
2.4.3.4 Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ ngân hàng và các tổ chức chính trị xã hội còn thiếu kinh nghiệm
Đội ngũ nhân viên của Chi nhánh chủ yếu là cán bộ tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, nhiệt tình năng động nhưng thiếu kinh nghiệm và những kiến thức về kinh tế tổng hợp, trong khi đặc thù khách hàng của Ngân hàng CSXH là những đối tượng thiếu kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh nên sự tư vấn cho khách hàng là rất cần thiết để đồng vốn của ngân hàng phát ra được đầu tư đúng hướng, có như vậy thì chất lượng hoạt động tín dụng đối với hộ nghèo mới được nâng cao.
Bên cạnh trình độ của cán bộ ngân hàng còn phải kể đến trình độ của các tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác. Ban chấp hành của các hội đoàn thể ở các cấp theo quy định không trực tiếp đứng ra làm tổ trưởng tổ TK&VV mà chỉ quản lý, chỉ đạo ở một số khâu nhằm tách biệt rõ ràng giữa công tác chỉ đạo điều hành và công tác quản lý hộ vay trực tiếp. Chính vì vậy người quản lý trực tiếp hộ vay vốn là Ban quản lý tổ TK&VV, thu lãi, đôn đốc hộ nộp gốc, lãi đúng hạn; kiểm tra sử dụng vốn vay, Tuy nhiên không phải ban quản lý tổ TK&VV nào cũng có trình độ, qua thực tế nhiều tổ trưởng đã tham gia vào công tác quản lý vốn vay của Chi nhánh nhiều năm nhưng quy trình, thủ tục để hướng dẫn hộ vay vẫn không nắm rõ, bộ hồ sơ xin vay gửi ngân hàng còn tẩy xoá, sữa chữa nhiều, mặc dù hàng năm Chi nhánh đều phối hợp với các cấp Hội đoàn thể nhận uỷ thác tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ và tổ trưởng tổ TK&VV tới tận cấp xã, phường. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cho vay hộ nghèo của Chi nhánh trong thời qua.
Một số cán bộ Hội và tổ trưởng tổ TK&VV chưa thấy quyền lợi và trách nhiệm của việc ký kết hợp đồng uỷ thác nên không coi trọng việc quản lý giám sát hoạt động của tổ. Có nơi việc thành lập tổ chỉ bầu tổ trưởng trên danh nghĩa, đến khi tổ trưởng đã trả xong nợ của mình thì không quan tâm đến các
tổ viên còn lại dẫn đến không ai đôn đốc nhắc nhở nợ, còn hộ vay thì cố tình chây ỳ, không trả nợ. Mặc khác cán bộ Hội chưa thật sự quan tâm giám sát các khoản nợ tồn đọng, nợ khó đòi...Vì vậy phẩm chất đạo đức của cán bộ là rất cần quan tâm, là nguyên nhân thuộc yếu tố nguồn nhân lực dẫn đến rủi ro tín dụng thể hiện qua các chỉ tiêu nợ bị xâm tiêu, chiếm dụng.
2.4.3.5 Nguồn nhân lực của chi nhánh đang còn mỏng nên rất khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đặt ra
Mỗi huyện chỉ có từ 4 đến 5 cán bộ tín dụng, bình quân mỗi cán bộ phải quản lý gần 2.046 hộ nghèo vay vốn (chưa kể đến các chương trình khác) là quá nhiều do đó, không thể đi sâu đi sát với khách hàng mà chủ yếu phải thông qua các Hội đoàn thể để theo dõi và kiểm tra việc sử dụng vốn. Do đó sự bảo toàn vốn tín dụng phụ thuộc nhiều vào hoạt động của Hội đoàn thể, vừa tạo kẽ hở cho các tiêu cực phát sinh vừa tạo khoảng cách giữa khách hàng và Ngân hàng, dẫn đến khó có thể nắm bắt được chính xác nhu cầu của khách hàng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của công tác xoá đói giảm nghèo chưa thực sự tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho Chi nhánh.
2.4.3.6 Công nghệ thông tin chưa đồng bộ
Cơ sở vật chất và trang thiết bị tin học còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về khai thác thông tin trên hộ thống. Hệ thống này được tiếp nhận từ Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt nam, nên luôn được chỉnh sửa, bổ sung, từ đó dẫn đến hệ thống trở nên chắp vá, manh mún. Đặc biệt công nghệ thông tin phục vụ cho phát triển thông tin tín dụng cần phải bổ sung nhiều tiện ích đáp ứng yêu cầu công việc.
Hoạt động tín dụng đối với hộ nghèo là hoạt động có tính rủi ro cao. Ngoài những nguyên nhân như thiên tai bão lụt, dịch bệnh cây trồng vật nuôi...thường xảy ra trên diện rộng, thiệt hại lớn còn có những nguyên nhân
khác từ bản thân hộ nghèo như thiếu kiến thức làm ăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được...ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra còn có các tồn tại khác như: Sự kém phát triển về cơ sở hạ tầng ở các vùng sâu, vùng xa là những cản trở cho việc thực hiện chính sách tín dụng hộ nghèo. Vốn tín dụng hộ nghèo chưa đồng bộ với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, cung cấp vật tư kỹ thuật cho sản xuất và tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phương thức đầu tư chưa đa dạng dẫn đến việc sử dụng vốn sai mục đích nên cần đa dạng hoá phương thức đầu tư để tạo công ăn việc làm cho nông dân nghèo...
Kết luận chương 2
Chương 2 luận văn đã nghiên cứu hiệu quả của tín dụng hộ nghèo tại Ngân hàng CSXH Thanh hoá. Trong thời gian từ năm 2006 – 2010; từ nghiên cứu, rút ra một số nhận xét chính như sau:
1.Luận văn đánh giá, phân tích về hiệu quả tín dụng đối với hộ nghèo tại NHCSXH tỉnh Thanh Hóa trong thời gian vừa qua.
2. Từ nghiên cứu, luận văn đã đánh giá những kết quả đạt được chỉ ra những tồn tại cần khắc phục và nguyên nhân dẫn tới những tồn tại trong cho vay hộ nghèo tại NHCSXH tỉnh Thanh hoá; từ đó làm cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả tín dụng đối với hộ nghèo trong những năm tiếp theo.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI