NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
1.3.4. Các phương pháp phân tích khác
Ngoài các phương pháp phổ biến trên đây, các nhà phân tích còn kết hợp sử dụng một số phương pháp phân tích khác như: Phương pháp Dupont, hương pháp liên hệ trực tuyến, phương pháp liên hệ phi trực tuyến, phương pháp xác định giá trị theo thời gian của tiền, phương pháp hồi quy, phương pháp chỉ số, phương pháp đồ thị, phương pháp toán kinh tế… Các phương pháp nói trên được sử dụng cho những mục đích phân tích nhất định và trong những trường hợp nhất định.
Phương pháp Dupont là phương pháp phân tích dựa trên mối quan hệ tương hỗ giữa các chỉ tiêu tài chính. Mô hình Dupont được sử dụng để phân tích và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Mô hình này cho phép đánh giá sự tác động tương hỗ giữa các đại lượng tài chính, biến một chỉ tiêu tổng hợp thành một hàm số của các biến số nhằm xác định các yếu tố tác động đến chỉ tiêu phân tích. Ví dụ: tách hệ số khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE) hay hệ số khả năng sinh lời của tài sản (ROA)... thành tích số của chuỗi các hệ số có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Phương pháp đồ thị là phương pháp trình bày và phân tích bằng các biểu đồ, đồ thị và bản đồ. Phương pháp đồ thị thiết kế các chỉ tiêu tài chính dưới dạng đồ thị,
phương trình, sử dụng con số kết hợp với các hình vẽ, đường nét và màu sắc để trình bày các đặc điểm số lượng của hiện tượng từ đó nhận diện thông tin nhanh và chính xác để đưa ra các quyết định thích hợp. Chính vì vậy, ngoài tác dụng phân tích giúp ta nhận thức được những đặc điểm cơ bản của hiện tượng bằng trực quan một cách dễ dàng và nhanh chóng, phương pháp đồ thị còn là một phương pháp trình bày các thông tin thống kê một cách khái quát và sinh động, chứa đựng tính mỹ thuật, thu hút sự chú ý của người đọc, giúp người xem dễ hiểu, dễ nhớ nên có tác dụng tuyên truyền cổ động rất tốt. Đồ thị có thể biểu thị: Kết cấu của hiện tượng theo tiêu thức nào đó và sự biến đổi của kết cấu, sự phát triển của hiện tượng theo thời gian, so sánh các mức độ của hiện tượng, mối liên hệ giữa các hiện tượng, trình độ phổ biến của hiện tượng, tình hình thực hiện kế hoạch. Các loại đồ thị thường dùng bao gồm: Biểu đồ hình cột, biểu đồ tượng hình, biểu đồ diện tích (hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật), đồ thị đường gấp khúc và biểu đồ hình màng nhện.
Ví dụ: Để đưa ra quyết định mua cổ phiếu ta dựa vào các dạng đồ thị biểu diễn các chỉ tiêu cơ bản về cổ phiếu:
- Khối lượng giao dịch của CP. - Chỉ số P/E.
- Giá biến động.
- Các chỉ tiêu DPS, EPS, ROI, ROE…
Phương pháp hồi quy là một phương pháp được sử dụng chủ yếu để ước lượng, dự báo các sự kiện xảy ra trong tương lai trên cơ sở nghiên cứu những dữ liệu phản ánh các sự kiện diễn ra trong quá khứ để tìm ra quy luật về mối quan hệ giữa chúng. Mối quan hệ giữa sự kiện sẽ diễn ra trong tương lai và sự kiện đã diễn ra trong quá khứ thể hiện qua phương trình hồi quy. Về thực chất, phương pháp hồi quy nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của một hay nhiều biến số (biến giải thích hay biến độc lập) đến một biến số khác (biến kết quả hay biến phụ thuộc) nhằm dự báo diễn biến kết quả dựa vào các giá trị đã biết trước của biến giải thích.