NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
1.3.1 Phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh là phương pháp xem xét một chỉ tiêu phân tích bằng cách dựa trên việc so sánh với một chỉ tiêu cơ sở. Đây là phương pháp đơn giản và được sử dụng nhiều nhất trong phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng như phân tích và dự báo các chỉ tiêu kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực kinh tế vĩ mô.
Để áp dụng phương pháp so sánh và phân tích tình hình tài chính của công ty trước hết phải xác định số gốc để so sánh. Việc xác định số gốc để so sánh là tuỳ thuộc và mục đích cụ thể của phân tích. Gốc để so sánh được chọn là gốc về mặt thời gian và không gian. Kỳ phân tích được chọn là kỳ thực hiện hoặc là kỳ kế hoạch. Giá trị so sánh có thể chọn là số tuyệt đối, số tương đối hoặc là số bình quân. Để đảm bảo tính chất so sánh được của chỉ tiêu qua thời gian, cần đảm bảo thoả mãn các điều kiện so sánh sau đây:
- Phải đảm bảo sự thống nhất về nội dung kinh tế của chỉ tiêu - Phải đảm bảo sự thống nhất về phương pháp tính các chỉ tiêu - Phải đảm bảo sự thống nhất về đơn vị tính các chỉ tiêu
Khi so sánh mức đạt được ghi trên các chỉ tiêu ở các đơn vị khác nhau ngoài các điều kiện đã nêu, cần đảm bảo các điều kiện khác như: cùng phương hướng kinh doanh, điều kiện kinh doanh tương tự nhau.
Tất cả các điều kiện kể trên gọi chung là đặc tính “có thể so sánh được” hay tính so sánh được của các chỉ tiêu phân tích. Ngoài ra, cần xác định mục tiêu so sánh trong phân tích tình hình tài chính. Mục tiêu so sánh trong phân tích là xác định mức biến động tuyệt đối và mức biến động tương đối cùng xu hướng biến động của chỉ tiêu phân tích.
- Phương pháp số tuyệt đối: Là hiệu số của hai chỉ tiêu là chỉ tiêu kỳ phân tích và chỉ tiêu cơ sở.
- Phương pháp số tương đối: Là tỷ lệ phần trăm (%) của chỉ tiêu kỳ phân tích so với chỉ tiêu gốc để thể hiện mức độ hoàn thành hoặc tỷ lệ của số chênh lệch tuyệt đối so với chỉ tiêu gốc để nói lên tốc độ tăng trưởng.
- So sánh giữa số thực tế kỳ phân tích với số thực tế của kỳ kinh doanh trước nhằm xác định rõ xu hướng thay đổi về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đánh giá tốc độ tăng trưởng hay giảm đi của doanh nghiệp.
- So sánh giữa số thực tế kỳ phân tích với số kỳ kế hoạch nhằm xác định mức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch của doanh nghiệp.
- So sánh giữa số liệu của doanh nghiệp với số liệu trung bình, tiên tiến của ngành, của doanh nghiệp khác nhằm đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt, xấu, khả quan hay không khả quan.
- So sánh theo chiều dọc để xem xét tỷ trọng của từng chỉ tiêu so với tổng thể. - So sánh theo chiều ngang của nhiều kỳ để thấy được sự biến động cả về số tuyệt đối và số tương đối của một chỉ tiêu nào đó qua các niên độ kế toán. Trên cơ sở đó đánh giá được tình hình hoạt động của doanh nghiệp tốt hay xấu, tăng hay giảm.
- So sánh xác định xu hướng và tính chất liên hệ giữa các chỉ tiêu.
Trong phân tích tài chính, các hệ số tài chính được phân thành các nhóm hệ số đặc trưng phản ánh những nội dung cơ bản theo các mục tiêu của hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là các nhóm hệ số về cơ cấu nguồn vốn, về khả năng thanh toán, về khả năng sinh lời, về tình trạng tài chính của công ty.
Mỗi nhóm hệ số lại bao gồm nhiều hệ số chi tiết hay riêng lẻ phản ánh từng bộ phận tài chính của công ty. Trong mỗi trường hợp khác nhau, tuỳ theo mục tiêu phân tích có thể lựa chọn các nhóm chỉ tiêu khác nhau phù hợp với mục đích phân tích cụ thể từng công ty.
Phương pháp so sánh là một trong những phương pháp rất quan trọng. Nó được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất trong bất kỳ một hoạt động phân tích nào của doanh nghiệp. Trong phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp, nó được sử dụng rất linh hoạt và đa dạng.