QUẢN LÝ NHÀ NƢỚC VỀ XÂY DỰNG
2.5.3. Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do nhận thức, quan điểm, chủ trương phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh còn chưa rõ ràng, rành mạch, thiếu nhất quán, còn lo ngại phân cấp mạnh sẽ dẫn đến tình trạng cục bộ, cát cứ, phân tán. Trong chỉ đạo, điều hành còn thiếu quyết tâm, mạnh dạn từ xây dựng ban hành thể chế chính sách đến tổ chức thực hiện, chưa chú trọng tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, cụ thể:
- Về thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện tại tương đối đủ ở các lĩnh vực, các văn bản đã thể hiện sự phân cấp mạnh từ Trung ương, tuy vậy vẫn chưa đồng bộ và cụ thể, nhiều nội dung phân cấp quản lý nhà nước về xây dựng chưa đi vào thực tế cuộc sống, nguyên nhân là:
+ Các văn bản hướng dẫn (thông tư; quyết định điều hành...) ban hành chậm; một số nội dung văn bản hướng dẫn không cụ thể, khó áp dụng; hơn nữa việc phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật chỉ tập trung ở các Bộ, cơ quan trung ương, tỉnh; còn một lực lượng lớn các đối tượng thực thi pháp luật ở quận, huyện, xã chưa được tập huấn, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, việc áp dụng còn thiếu thống nhất, không tuân thủ các
quy định.
+ Một số trường hợp thực hiện phân cấp tại địa phương mang tính chất phân chia quyền lực (ví dụ: việc phân cấp cấp giấy phép xây dựng theo quy định phân cấp tại Nghị định 172/2004/NĐ-CP và Nghị định 171/2004/NĐ- CP đã giao cho Sở Xây dựng, nhưng có địa phương lại giao cho phòng trực thuộc Thành phố cấp). Đó là kết quả của việc thiếu kiểm tra của các cơ quan quản lý các cấp.
- Về tổ chức bộ máy, Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước ngành xây dựng tại địa phương. Tuy vậy, vẫn chưa thực sự có hệ thống tổ chức chuyên môn thông suốt từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, quận, huyện, xã; tại mỗi địa phương lại có sự phân công thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng khác nhau; nội dung phân cấp ở từng địa phương cũng khác nhau do điều kiện tự nhiên, xã hội khác nhau, thường là việc phân cấp ở địa phương thực hiện dưới mức quy định phân cấp hiện hành.
Việc phân cấp quản lý nhà nước về xây dựng hiện nay giao cho các cơ quan chuyên môn khác nhau (Sở Xây dựng; Sở Giao thông Vận tải; Sở Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn...) đã làm giảm tính thống nhất trong một lĩnh vực quản lý, công tác thông tin báo cáo cũng phải chờ đợi, tổng hợp gây chậm trễ trong quản lý.
- Về đội ngũ cán bộ, công chức, vai trò lãnh đạo giữ vị trí quan trọng thực hiện nội dung phân cấp quản lý nhà nước, người lãnh đạo gương mẫu, hiểu biết các chế độ quản lý mới có tác dụng lôi cuốn, thúc đẩy tiến trình thực hiện việc phân cấp. Thực tế cho thấy, có nhiều tổ chức hoạt động xây dựng có đủ điều kiện năng lực đảm nhận các công việc phức tạp trước đây phải thuê tư vấn nước ngoài nhưng vẫn còn sự chuyển biến chưa kịp thời của một số cán bộ, công chức trong việc thực hiện các quy định về quản lý xây dựng. Tính chuyên nghiệp và chuyên môn hóa chưa cao, còn thiếu nhiều chuyên gia giỏi. Việc tổ chức thi công công trình chưa được thực hiện một cách khoa học, đặc biệt là với những công trình có nhiều nhà thầu cùng tham gia thi công. Nội dung và phương pháp đào tạo cán bộ, công chức tuy có một số đổi mới nhưng vẫn chưa có cải cách cơ bản như Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đặt ra.