Thực trạng phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực Hạ tầng kỹ thuật đô thị

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý nhà nước về xây dựng (Trang 85 - 88)

QUẢN LÝ NHÀ NƢỚC VỀ XÂY DỰNG

2.4.5.Thực trạng phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực Hạ tầng kỹ thuật đô thị

tầng kỹ thuật đô thị

Hạ tầng kỹ thuật đô thị có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như đáp ứng những nhu cầu trong đời sống của người dân đô thị, do đó cần phải đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong các đô thị. Theo Ngân hàng thế giới, nếu tăng 1% đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật thì cũng tăng được 1% GDP [55, tr.196]. Trong những năm qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở các đô thị nói chung còn chưa đồng bộ, cơ chế quản lý chưa thích hợp ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển về kinh tế, xã hội, xây dựng và đời sống của nhân dân các đô thị.

Hiện nay ở cấp Trung ương, theo quy định tại Nghị định 36/2003/NĐ- CP thì Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị (hè, đường đô thị, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, công viên cây xanh, rác thải đô thị, nghĩa trang, bãi đỗ xe trong đô thị) gồm 3 nội dung chính là:

- Trình Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý quy hoạch xây dựng, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị;

- Thống nhất quản lý về hạ tầng kỹ thuật đô thị;

- Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tuy nhiên, trên thực tế có sự chồng chéo về thẩm quyền, cụ thể: Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 4/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải quy định Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải đường bộ (Điều 1), về kết cấu hạ tầng giao thông (Điều 2). Trong đó quy định việc bảo trì, quản lý sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông.

Điều 37 của Luật Giao thông đường bộ năm 2001 quy định: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe và hành lang an toàn đường bộ. Mạng lưới đường bộ gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng.

Về môi trường, Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các quy định, biện pháp bảo vệ môi trường, các chương trình, dự án về phòng, chống, khắc phục suy thoái, ô nhiễm, sự cố môi trường theo sự phân công của Chính phủ (Điều 2).

Thực trạng trên dẫn đến sự không đồng bộ, thống nhất trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị giữa các Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh (Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc quy hoạch, Sở Giao thông công chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải) thực hiện các nhiệm vụ:

+ Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định việc phân cấp quản lý khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc thẩm quyền quản lý.

+ Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, khuyến khích và xã hội hoá việc đầu tư phát triển, quản lý vận hành, khai thác và cung cấp các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị.

+ Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

+ Thực hiện các nhiệm vụ về quản lý đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định của pháp luật và của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

+ Hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện vệ sinh môi trường đô thị.

+ Chủ trì thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh các loại đơn giá, phí, giá dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Thông tư 01/2004/TTLT/BXD-BNV thì chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị chỉ giao cho Sở Xây dựng (đối với hầu hết các tỉnh) hoặc cùng với Sở Giao thông công chính (đối với đô thị loại 1); Riêng đối với đô thị loại đặc biệt giao cho 3 sở (Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc quy hoạch, Sở Giao thông công chính), tuy nhiên trên thực tế lĩnh vực này có địa phương có nhiều nhất 4 sở cùng tham gia thực hiện.

Tại cấp tỉnh (các sở, đặc biệt ở Sở Xây dựng) chưa có đơn vị riêng quản lý về lĩnh vực này, phần lớn ghép chung với quản lý quy hoạch, đô thị hoặc quản lý nhà.

Tại cấp huyện có phòng Hạ tầng kinh tế hoặc phòng Quản lý đô thị (ở quận). Nghị định số 172/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Nghị định 172/2004/NĐ-CP) chưa phân định rõ chức năng quản lý lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong thực tế phần lớn các thành phố đã thành lập Phòng Quản lý đô thị, trong đó có nhiệm vụ quản lý về hạ tầng kỹ thuật đô thị, tuy nhiên chưa bao quát hết, chủ yếu tập trung vào đường đô thị, hè phố.

Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy để thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị về cơ bản là tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, nội dung cụ thể về quản lý chưa được quy định thống nhất; công tác sắp xếp lại bộ máy theo các quy định hiện hành chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa có đơn vị riêng từ cấp tỉnh đến cấp xã để quản lý lĩnh vực này; một số nhiệm vụ còn

trùng lặp hoặc phạm vi, giới hạn nhiệm vụ chưa được làm rõ; năng lực cán bộ, đặc biệt cấp huyện còn thiếu, trang thiết bị còn hạn chế. Để đồng bộ hoá công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thì Nhà nước cần phải có chính sách và biện pháp đầu tư hợp lý và quản lý hiệu quả hơn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị ở đô thị.

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý nhà nước về xây dựng (Trang 85 - 88)