- Phân cấp quản lý nhà nước gắn chặt với lộ trình cải cách hành chính,
PHẦN KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
I. KẾT LUẬN
Phân cấp quản lý nhà nước về xây dựng là xu thế tất yếu trong công cuộc cải cách hành chính của ngành xây dựng và cũng là một đòi hỏi có tính khách quan của công cuộc đổi mới ở nước ta phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới. Kết quả phân cấp quản lý nhà nước về xây dựng tác động đến từng doanh nghiệp và người dân trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế – xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Những kết quả phân cấp qua thực tiễn đã nhận được sự đồng tình của nhân dân trên mọi góc độ kinh tế – xã hội.
Quá trình triển khai phân cấp quản lý bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, đặc biệt trong việc triển khai hướng dẫn thi hành văn bản pháp luật. Tuy nhiên, phân cấp là một quá trình lâu dài, cần được thực tế chứng minh cũng như cần sẵn sàng sửa đổi, bổ sung, cập nhật để các quyết định phân cấp ngày càng tiến tới hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2007 và những năm tiếp theo của Bộ Xây dựng sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian tới, ngành xây dựng cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, tiếp tục bổ sung quyền hạn, trách nhiệm cho chính quyền địa phương đi đôi với kiểm tra, giám sát, cải cách thủ tục hành chính. Quá trình phân cấp sẽ từng bước hoàn thiện và đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010.
II. KIẾN NGHỊ
Để tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng theo yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước về xây dựng là một yêu cầu bức thiết và giải pháp để thực hiện thành công đó là cụ thể hóa hơn nữa quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp quản lý, quy định rõ hơn mối quan hệ giữa quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống quản lý ở trung ương và địa phương.
Để tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt hiệu quả cao, Chính phủ cần quy định rõ nội dung, lộ trình và trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và cơ chế phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện phân cấp; tiến tới xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong các ngành, lĩnh vực, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của Chính phủ. Trước mắt, cần sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Nghị định 86/2002/NĐ-CP, Nghị định 36/2003/NĐ- CP, đồng thời rà soát sửa đổi các nghị định khác quy định chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo giữa các bộ, ngành cho phù hợp với tình hình mới của công cuộc cải cách hành chính. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Phân cấp, Bộ Luật xử phạt vi phạm hành chính làm tiền đề cho quá trình thực hiện phân cấp của các Bộ, ngành và địa phương.
Với tư cách là bộ chủ quản, trước mắt Bộ Xây dựng cần tập trung xây dựng Luật Quy hoạch xây dựng đô thị, Luật Hạ tầng kỹ thuật; hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn xây dựng, chi phí quản lý đầu tư xây dựng; hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Cục, Vụ, Viện, Thanh tra theo nghị định của Chính phủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư xây dựng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong hoạt động xây dựng. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để quản lý
và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tập thể, tư nhân, dịch vụ công nâng cao năng lực và có cơ hội tham gia tích cực thực hiện các dự án, công trình xây dựng có quy mô lớn, phức tạp ở trong và ngoài nước.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần nghiên cứu phân cấp cho chính quyền cấp huyện tăng cường lực lượng thanh tra xây dựng ở cấp huyện, cấp xã theo điều kiện, đặc điểm của địa phương; tập trung thực hiện những nội dung đã được phân cấp nhưng không lạm dụng làm trái, gây phiền hà cho nhân dân. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý có thể xây dựng mô hình cụ thể phù hợp với hoàn cảnh địa phương./.
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC TÁC GIẢ THAM GIA ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN VĂN ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN VĂN
1. Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ RD06 (1999) "Nghiên cứu rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật ngành xây dựng" (TS. Bùi Sĩ Hiển- Chủ nhiệm). Biên bản nghiệm thu số 81/HĐKHKT ngày 16/6/1999 của Hội đồng khoa học- công nghệ chuyên ngành Bộ Xây dựng theo Quyết định 112/QĐ-BXD ngày 30/1/1999.
2. Dự án sự nghiệp kinh tế cấp Bộ RD 33-03 (Thư ký): "Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng. Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật và vai trò quản lý nhà nước của ngành xây dựng, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế" (TS. Phạm Gia Yên - Chủ nhiệm) theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng số 661/QĐ- BXD ngày 13/5/2003. Biên bản của Hội đồng nghiệm thu ngày 18/12/2005.
3. Dự án sự nghiệp kinh tế cấp Bộ theo Hợp đồng 03/HĐ-SNKT ngày 5/4/2005 (Thư ký) "Điều tra, khảo sát thị trường bất động sản. Nghiên cứu, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bất động sản làm cơ sở xây dựng Luật kinh doanh bất động sản" (KS. Chu Văn Chung- Chủ nhiệm) theo Quyết định 239/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 7/3/2005. Biên bản của Hội đồng nghiệm thu ngày 8/5/2007.