QUẢN LÝ NHÀ NƢỚC VỀ XÂY DỰNG
2.5.1. Về ưu điểm trong quá trình phân cấp
- Nội dung phân cấp quản lý nhà nước về xây dựng đã được quan tâm và thể hiện rõ trong hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật ngành xây dựng. Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật như nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị đã và đang dần được hoàn thiện. Gần đây nhất là Luật Kinh doanh bất động sản đã phân cấp quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản rất cụ thể như giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức và chỉ đạo việc cấp chứng chỉ môi giới, chứng chỉ định giá bất động sản, tuỳ vào tình hình thực tế ở địa phương có thể giao cho cấp Sở hoặc cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ.
- Phân cấp quản lý nhà nước về xây dựng đã được triển khai thực hiện trong những năm gần đây, đặc biệt các nội dung phân cấp đã được cụ thể hoá trong hệ thống pháp luật về xây dựng, nhất là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luôn gắn với các hoạt động của công cuộc cải cách hành chính.
- Cho đến nay, cơ quan trung ương giúp Chính phủ quản lý về xây dựng là Bộ Xây dựng ngoài việc cấp giấy phép nhà thầu nước ngoài (theo Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý nhà thầu nước ngoài) thì không còn trực tiếp cấp một loại giấy phép nào khác. Đó là một bước tiến đáng kể trong quá trình cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng.
- Tình hình chung ở các địa phương là việc phân cấp và uỷ quyền trong quản lý xây dựng đã được thực hiện. Đặc biệt các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã phân cấp mạnh cho cấp huyện, cấp xã. Tùy theo đặc điểm, điều kiện, khả năng của mỗi địa phương mà các quy định về phân cấp, uỷ quyền ở các mức độ khác nhau.