Những nội dung cơ bản trong cải cách thủ tục Hải quan của 3 nước Malaysia, Philippin, Trung Quốc
* Thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến thương mại quốc tế và quy chế Hải quan
Hải quan 3 nước Malaysia, Philippin, Trung Quốc đều thừa nhận sự quan trọng của nhiệm vụ này trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Điều này đòi hỏi các nước đang triển vươn lên chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế để làm cho môi trường kinh doanh và đầu tư có độ hấp dẫn cần thiết.
- Xác định trị giá theo Điều 7 GATT/WTO:
+ Malaysia, cơ quan Hải quan đã chủ động thành lập một uỷ ban chuyên trách về triển khai xác định trị giá theo GATT/WTO với hệ thống chân rết ở tất cả các cục Hải quan tỉnh, đã triển khai áp dụng hiệp định từ ngày 1/1/2000. Nhóm công tác chính gồm 8 cán bộ chuyên trách của Hải quan cục, và mỗi Hải quan tỉnh bố trí 2 cán bộ tham gia, nhóm làm việc suốt 5 năm từ năm 1996, trong đó tập trung vào điều chỉnh Luật Hải quan 1967. Bên cạnh đó, Malaysia còn xây dựng quy định hướng dẫn xác định trị giá do Bộ
trưởng Bộ Tài chính ban hành. Hải quan Malaysia luôn ý thức vấn đề bảo vệ nguồn thu và tạo môi trường hấp dẫn cho đầu tư thông qua áp dụng trị giá GATT/WTO.
+ Hải quan Philippin đã triển khai thực hiện Xác định trị giá GATT/WTO từ ngày 1/1/2000, trên cơ sở ý thức đầy đủ tầm quan trọng của của công tác này, đã thành lập uỷ ban bao gồm đại diện các đơn vị nghiệp vụ liên quan đến phân loại hàng hóa, xác định thuế suất và xác định trị giá tính thuế. Trong triển khai, cơ quan Hải quan đã tiến hành bảo lưu quyền được sử dụng bảng giá tối thiểu trong một thời gian ngắn và chỉ áp dụng đối với một số nhóm hàng cụ thể.
+ Đối với hiệp định xác định trị giá GATT/WTO, quan điểm nhìn nhận cơ bản là bản thân cơ quan Hải quan phải tự chủ động chuẩn bị điều chỉnh và thuyết phục các cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện phương pháp này sẽ có lợi cho doanh nghiệp trong nước về dài hạn với việc tham gia vào thị trường quốc tế. Trung Quốc đã có thời gian 14 năm nghiên cứu về phương pháp xác định trị giá và đã thực hiện Hiệp định này ngay sau khi Trung Quốc chính thức trở thành thành viên của WTO. Tuy nhiên Trung Quốc cũng nhấn mạnh cần có những bước đi thích hợp và áp dụng một số biện pháp tạm thời, phương pháp này còn mới mẻ với các doanh nghiệp Trung Quốc và cần trang bị, đào tạo cho người thực hiện để đảm bảo khả năng ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao.
Thực hiện hiệp định này đòi hỏi phải thiết lập hệ thống kiểm tra sau thông quan và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với các cơ quan thuế nội địa của từng quốc gia. Hệ thống kiểm tra sau thông quan đã đi vào khai thác tại Hải quan Malaysia, Philippin và Hải quan Trung Quốc.
Trong quá trình thực hiện Hiệp định này cả 3 nước đồng nhất quan điểm cho rằng chất lượng chuyên gia về xác định trị giá đóng vai trò quyết
định trong xác định trị giá do tính chất kỹ thuật cao. Cơ cấu tổ chức nghiên cứu thực hiện ở các nước trên cho thấy cần tăng cường vai trò của Hải quan địa phương, trước hết là của các đơn vị lớn trong ngành. Bên cạnh đó còn phải ban hành và đưa vào sử dụng mẫu tờ khai trị giá và chứng từ này là chứng từ bắt buộc trong bộ chứng từ làm thủ tục thông quan. Mẫu này đồng thời giúp phân tách các thành phần kiến tạo nên trị giá Hải quan.
Hải quan 3 nước đều cho rằng, cải tiến các phương pháp xác định trị giá và quy trình thủ tục sẽ mang lại màu sắc mới cho môi trường đầu tư cũng như tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp. Để thực hiện các công việc này cần:
Về mặt pháp lý: Cần nhanh chóng điều chỉnh luật pháp trong nước cho phù hợp. Kinh nghiệm cho thấy phương pháp xác định trị giá theo GATT/WTO tạo điều kiện phát triển cho sự năng động của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thương mại quốc tế, do đó đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế
Về việc thực hiện: cần thiết lập uỷ ban có nhiệm vụ nghiên cứu và tiến hành những khuyến nghị cải cách và tổ chức đào tạo thực địa, đồng thời ban hành những chứng từ cần thiết như Tờ khai trị giá để trợ giúp cho công tác phân tích và đối chiếu xác định giá.
Về mặt tổ chức bộ máy và đào tạo: để thực hiện các biện pháp có hiệu quả theo hướng hiện đại hóa, cần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ thực hiện tốt nhiệm vụ. Một trong những hoạt động được hết sức coi trọng trong thực hiện các cam kết quốc tế là đào tạo mang tính cơ bản cho các lãnh đạo cao cấp của toàn bộ hệ thông các cơ quan Hải quan.
Về giáo dục tuyên truyền: Hải quan cần có các chương trình đào tạo ngắn hạn và phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp, đây phải được coi là
phần trọng yếu trong chiến lược “Tự nguyện chấp hành pháp luật” và nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và công chúng.
- Công ước Kyoto
Đối với Malaysia và Philippin việc thực hiện công ước Kyoto không đặt ra vấn đề khó khăn lớn nào cả, do họ đã tổ chức được cơ cấu một uỷ ban chuyên trách với đội ngũ cán bộ tận tụy. Bên cạnh đó họ đã tham gia Công ước Kyoto 1974 nên hầu hết các vấn đề đều đã được nghiên cứu. Điều quan trọng hàng đầu là cần xây dựng ý chí chính trị trong chấp nhận những cam kết mới và điều chỉnh những vấn đề mà luật pháp trong nước còn chưa phù hợp. Đây không chỉ dừng ở mức độ đối chiếu những vấn đề chưa phù hợp mà còn phải xem xét cả hệ thống pháp lý và nghiên cứu những tác động của việc thực hiện những cam kết mới đối với doanh nghiệp trong nước.
Trung Quốc đã ký Công ước Kyoto sửa đổi 15/6/2000. Để tiến hành công việc này, Hải quan đã chủ động xây dựng một kế hoạch công tác chi tiết về nghiên cứu những yếu tố tác động của Công ước.
Về mặt pháp lý: các phụ lục tổng quát phải được thực hiện một khi họ tiến hành ký kết tham gia Công ước này. Bởi lẽ đó, đòi hỏi Hải quan phải nghiên cứu tổng thể tất cả các văn kiện. Với tầm nhìn tổng thể Công ước Kyoto sửa đổi và những cam kết quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả của bộ máy Hải quan và đồng thời là một bộ phận của chiến lược tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế toàn cầu của WTO và WCO. Để thực hiện Công ước này cần có ý chí quyết tâm điều chỉnh những vấn đề không phù hợp và chiến thắng những lực cản không chấp nhận thay đổi.
Về tổ chức bộ máy và đào tạo: cần tiến hành tập trung trí tuệ của cán bộ triển khai các hoạt động nghiên cứu và đồng thời đổi mới cơ chế trên thực địa. * Nhìn chung Công ước Kyoto sửa đổi không hoàn toàn mới đối với các nước nói trên, cho nên các nước chỉ cần điều chỉnh những vấn đề mà
Công ước năm 1974 chưa cụ thể hóa và chưa mang tính bắt buộc cho phù hợp với những qui định mới. Tuy nhiên chủ đề này đặt câu hỏi đó với loại hình đào tạo truyền thống và khẳng định sự cần thiết tiến hành đào tạo liên tục và cập nhật thường xuyên kiến thức cho đội ngũ cán bộ Hải quan.
- Thực hiện Công ước HS:
Hải quan 3 nước không gặp khó khăn gì trong việc thực hiện HS, cùng danh mục biểu thuế tuân thủ toàn bộ các nội dung của Công ước và danh mục HS do Hội đồng hợp tác Hải quan ban hành
* Qui chế thủ tục và phân luồng trên cơ sở sử dụng công nghệ quản lý rủi ro
Trên cơ sở phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và trao đổi quốc tế, thủ tục Hải quan và quy trình nghiệp vụ phải được nhanh chóng cải tiến, trên cơ sở ứng dụng công nghệ quản lý rủi ro và lựa chọn trọng điểm kiểm tra để đạt hiệu quả như mong muốn. Hải quan của cả 3 nước đều nhận định tăng cường kiểm tra sẽ làm giảm tốc độ thông quan hàng hóa và làm tăng chi phí phục phụ của cơ quan Hải quan, đồng thời cũng làm tăng phí tổn cho người chịu kiểm tra. Trong lĩnh vực này cần chú ý đến xu hướng chuyển mạnh của hầu hết các cơ quan Hải quan quốc tế, từ đảm nhận tiếp nhận dữ liệu ngoài hệ thống vào trong hệ thống kiểm tra và quản lý của Hải quan. Do được chuẩn bị, Hải quan Philippin đã tiếp nhận bàn giao tất cả các mảng công việc như kiểm tra trước khi xếp hàng xuống tàu, làm thủ tục Hải quan, phân xếp luồng hàng của SGS kể từ tháng 3/2000 mà vẫn đảm bảo thực hiện chu toàn các nhiệm vụ.
Hải quan các nước này đều cho rằng không thể kiểm tra 100% hàng hóa vì nhiều lý do, trong đó cơ bản là làm chậm quá trình giải phóng hàng và làm tăng chi phí. Do đó cần thiết phải áp dung công nghệ quản lý rủi ro và tiến hành kiểm tra trọng điểm.
Về hệ thống chứng từ làm hồ sơ Hải quan, Hải quan của Malaysia và Philippin sử dụng mẫu tờ khai chứng từ hành chính duy nhất, hoàn toàn phù hợp với mẫu chuẩn của Liên hợp quốc và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Họ đều hi vọng đạt được những thoả thuận với các bạn hàng thương mại chủ yếu để sử dụng đúng tờ khai xuất của mình làm tờ khai nhập khẩu của nước đối tác nhập hàng. Qua đó tạo thuận lợi cho thâm nhập thị trường và giảm thiểu chi phí sản xuất, bên cạnh đó họ hoàn toàn chấp nhận các ấn chỉ do hệ thống tự động hóa phát hành.
Theo kinh nghiệm của Hải quan Trung Quốc, cần tập trung cao vào kiểm soát Lược khai hàng hóa (Manifest), nhằm đảm bảo hàng khai phù hợp với thực tế. Họ đòi hỏi các hãng vận tải và giao nhận cùng các hãng làm dịch vụ liên quan đến hàng hóa phải cung cấp bản Lược khai qua dữ liệu điện tử trước khi hàng đến cùng với xuất trình bản Lược khai của phương tiện vận tải khi làm thủ tục.
* Cải tiến cơ cấu tổ chức ngành Hải quan phục vụ hiện đại hóa và tinh giản tổ chức
Kinh nghiệm các nước cho thấy, cơ cấu tổ chức ngành Hải quan cần xây dựng trên nền tảng xử lý thông tin ở mọi cấp. Đây là lĩnh vực mà Hải quan Trung Quốc tập trung theo khuyến nghị của Quốc vụ viện và đã có kết quả hết sức khích lệ. Kinh nghiệm của Trung Quốc và Malaysia cho thấy cần triển khai các công việc sau:
+ Xác định rõ quyền hạn cụ thể của các đơn vị và vị trí làm việc
+ Phân tách quyền hạn quản lý rủi ro khỏi quyền hạn giám sát thi hành pháp luật
+ Phân loại đội ngũ nhân viên
+ Sát nhập các đơn vị có chức năng chồng chéo
+ Giảm bớt các khâu trung gian và tập trung tăng cường cho lực lượng cơ động
Tại Hải quan Malaysia và Hải quan Philippin, triển khai hiện đại hóa được tách khỏi quá trình tinh giản biên chế, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực và phản ứng không có lợi từ chính nội bộ. Trường hợp Trung Quốc thì có khác biệt đáng kể do quá trình này được hậu thuẫn trực tiếp của Quốc vụ viện.
Qua khảo sát thấy rõ, bố trí lực lượng Hải quan không nhất thiết phải tuân theo địa dư hành chính mà cần phải căn cứ vào hiệu quả công tác kiểm tra giám sát, mức độ đóng góp hàng năm của các đơn vị Hải quan. Đặc biệt Hải quan Trung Quốc cho rằng vấn đề điều hòa quan hệ giữa nhiều cấp quản lý, cụ thể là giữa các cấp quản lý ngành dọc của Hải quan và giữa các cấp lãnh đạo chính quyền tại trung ương và địa phương, đóng vai trò trọng yếu.
* Cải cách và hiện đại hóa bắt nguồn từ cơ chế điều hành và hệ thống bộ máy
Điểm chung nhất là 3 nước đều nhấn mạnh đến áp dụng công nghệ quản lý mới trên cơ sở quản lý hệ xử lý thông tin nghiệp vụ. Tăng cường phân cấp xử lý hằng ngày cho các đơn vị Hải quan Cục và nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân cán bộ Hải quan. Để thực hiện cải cách đòi hỏi phải tổ chức lại quy trình tác nghiệp, thiết lập phương thức mới, hợp lý hóa các bộ máy nghiệp vụ và sử dụng nguồn nhân lực trong toàn ngành. Hải quan Trung Quốc đặc biệt chú trọng vào cải tổ những khâu kiểm tra và rà soát, điều chỉnh lại các khâu có thẩm quyền ra quyết định. Bên cạnh đó tập trung kiểm soát các nguồn thông tin và chuyên môn hóa các khâu cụ thể. Cũng nhằm mục đích quản lý hàng thực tế, Hải quan Philippin đã tách riêng lực lượng giám sát kho bãi cổng cảng thành lực lượng Cảnh sát Hải quan nhằm tăng thêm chức năng và vai trò kiểm tra giám sát trong toàn bộ hệ thống thuộc cảng Manila.
Để đảm bảo tính thống nhất và đồng nhất trong chỉ đạo nghiệp vụ, mô hình quản lý mới đặt ra nhu cầu tập trung thông tin lên cấp trung ương, định hình các quyết định liên quan đến phân luồng kiểm tra trọng điểm và quản lý rủi ro, tăng cường phân cấp xử lý trực tiếp cho Hải quan địa phương.
* Kinh nghiệm từ quá trình cải cách thủ tục Hải quan ở một số quốc gia:
- Thực hiện các cam kết quốc tế là điều kiện tiên quyết cho quá trình hiện đại hóa và cải cách tủ tục Hải quan. Đây là sự đóng góp trực tiếp của Hải quan vào quá trình tạo thuận lợi cho thương mại phát triển và phát triển kinh tế bằng cách tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. - Tăng cường hiệu quả hoạt động của Hải quan các cấp, dựa trên cơ sở áp dụng thống nhất, đồng nhất hệ thống pháp luật quốc gia. Qua đó hạn chế sự tuỳ tiện trong triển khai các chỉ đạo nghiệp vụ.
- Xây dựng một chính sách chiến lược cho riêng ngành Hải quan căn cứ vào các chương trình kinh tế của Chính phủ và đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của giới doanh nghiệp. Để tiến hành hiện đại hóa và cải cách, vai trò của cơ quan Hải quan cần phải nâng cao, Hải quan cần được giao thêm nhiệm vụ mới, tập trung vào các lĩnh vực như thu thêm các loại thuế gián thu và thuế khác, đồng thời tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và vận chuyển trái phép.
- Nâng cao vai trò quyết định của đội ngũ chuyên gia đối với những nội dung mang tính kỹ thuật cao và vai trò này phải được các cấp có thẩm quyền cao nhất ủng hộ. Kết hợp kiến thức chuyên môn với phương tiện xử lý thông tin hiện đại.
- Tự động hóa quy trình thủ tục Hải quan và các công việc có liên quan đến nghiệp vụ Hải quan
Chương 2
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN