Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Thừa Thiên Huế đã tiến hành tổ chức lại quy trình thủ tục Hải quan đối với hàng hóa XNK thành các dây chuyền thủ tục hoàn chỉnh, giảm cửa từ chỗ một lô hàng trung bình phải qua tay 17 công chức Hải quan giảm xuống còn tối đa 4-5 công chức đối với lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra thực tế, giải toả được các nút ách tắc như việc đối chiếu nợ thuế và kiểm tra tính thuế, trả hồ sơ.
Cải cách về phương pháp quản lý theo hướng phân định rõ trách nhiệm doanh nghiệp, trách nhiệm Hải quan. Trong nội bộ Hải quan thì phân cấp, phân công rõ ràng, cá thể hóa trách nhiệm của từng công chức trong quy trình thủ tục Hải quan. Đối với doanh nghiệp thì hiểu rõ quy trình thủ tục Hải quan, chủ động trong hoạt động của doanh nghiệp.
Quy trình thủ tục Hải quan đã từng bước được cải tiến theo hướng đơn giản, hài hoà, minh bạch, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý Hải quan, vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại. Giai đoạn 2008-2010, đã rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy trình thủ tục Hải quan đối với hàng hoá XK, NK thương mại, hàng hoá gia công cho thương nhân nước ngoài, nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất hàng hoá XK, hàng hoá XK, NK chuyển cửa khẩu, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện gửi qua dịch vụ chính và chuyển phát nhanh; quy trình giám sát tại cảng biển..., góp phần giảm bớt các khâu trung gian, cá thể hoá trách nhiệm của từng công chức Hải quan tại từng khâu, cụ thể: hàng hoá thuộc luồng đỏ còn 4 bước, luồng vàng còn 3 bước và luồng xanh chỉ còn 2 bước. Đã thực hiện đơn giản, chuẩn hoá hồ sơ Hải quan, các loại chứng từ, tờ khai Hải quan; giảm bớt giấy tờ không cần thiết như:
hợp đồng đối với hàng xuất khẩu; C/O đối với hàng hưởng thuế suất ưu đãi; giấy thông báo thuế... Hiện nay, các chứng từ, hồ sơ Hải quan đã được mẫu hóa tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 của Bộ Tài chính và các Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong ngành Hải quan, Cục Hải quan Thừa thiên Huế đã tiến hành triển khai, rà soát cắt giảm 30% thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan theo đề án 30 của Chính phủ, đảm bảo đúng lộ trình đề ra.
Các đơn vị Hải quan thuộc và trực thuộc Cục thực hiện quy trình thủ tục Hải quan theo hướng đơn giãn, hài hòa, minh bạch vừa đáp ứng yêu cầu quản lý chính xác, chặt chẽ vừa đảm bảo tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch XNC trên địa bàn.
- Phân luồng kiểm tra hàng hóa
Thực hiện quản lý rủi ro, Cục Hải quan Thừa Thiên Huế đã thực hiện phân luồng kiểm tra hàng hóa. Việc phân luồng kiểm tra hàng hóa là một giải pháp quan trọng trong Đề án cải cách thủ tục Hải quan.
Thực hiện đề án “cải cách thủ tục Hải quan ở cửa khẩu” hay còn gọi là đề án thông quan 8 tiếng tại cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có biện pháp tổ chức phân luồng hàng hóa XNK theo các tiêu chí phân luồng.
Theo văn bản 2329/TCHQ-GSQL ngày 9/7/1998 của Tổng cục Hải quan, việc phân luồng được căn cứ theo hai tiêu chí: thương nhân và mặt hàng; ngoài ra các tiêu chí như xuất xứ, phương tiện vận tải, tuyết đường vận chuyển, tình hình chấp hành pháp luật của đối tượng tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cũng được xem xét, hỗ trợ trong quá trình phân luồng kiểm tra hàng hóa.
Luồng xanh dành cho những lô hàng không thuế hoặc được miễn thuế, cần giải phóng hàng nhanh và đáp ứng điều kiện sau:
+ Trong vòng một năm tính đến tháng đăng ký tờ khai, doanh nghiệp chưa bị xử lý về hành vi buôn lậu hoặc hành vi gian lận trốn thuế theo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu, hoặc doanh nghiệp có vi phạm hành chính nhưng chưa tới mức bị xử lý hành chính 5 lần liên tục trong 1 năm
Như vậy, hàng hóa XNK đưa vào luồng này thuộc các doanh nghiệp ít động cơ và khả năng buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.
Hàng hóa thuộc luồng này được ưu tiên, thủ tục kiểm tra đơn giản, tỷ lệ kiểm tra thấp, các kiểm hóa viên sẽ căn cứ vào các quy định để tự giải quyết, không phải qua ý kiến của cấp lãnh đạo đội và cửa khẩu để xin ý kiến, hàng hóa được giải phóng ngay sau khi kiểm hóa xong, không phải chờ tính thuế, thông báo thuế . Thời gian làm thủ tục không quá 4 tiếng.
+ Luồng vàng dành cho các loại hàng hóa có thuế xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp thường hay vi phạm pháp luật Hải quan. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa bị xử lý về hành vi buôn lậu trong thời hạn 1 năm tính đến tháng đăng lý tờ khai, hoặc bị xử lý hành chính từ 5 lần trở xuống trong vòng 1 năm. Hàng hóa thuộc luồng này kiểm tra với tỷ lệ cao hơn hoặc phải kiểm tra toàn bộ, phải tính thuế xong và ra thông báo thuế mới được giải phóng hàng. Thời gian làm thủ tục không quá 8 tiếng.
+ Luồng đỏ dành cho những lô hàng có giấy tờ phức tạp, các doanh nghiệp đã nhiều lần vi phạm pháp luật nghiêm trọng, doanh nghiệp đã từng bị xử lý vì hành vi buôn lậu hoặc hành vi gian lận, trốn thuế. Mặt hàng phải qua luồng đỏ gồm hàng hóa XNK chưa rõ về chính sách mặt hàng, chưa có xác nhận của các bộ ngành liên quan về vấn đề kiểm dịch động thực vật, kiểm tra chất lượng hàng hóa, văn hóa phẩm, y tế và lô hàng khó xác định mã hàng, chất lượng, xuất xứ.
Hàng hóa luồng này phải chịu kiểm tra giám sát chặt chẽ, phải hoàn tất thủ tục mới được giải phóng hàng.
Biện pháp trên đã tránh được ùn tắc tại những địa điểm làm thủ tục Hải quan, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm, giảm phiền hà, tiêu cực nội bộ. Lưu lượng hàng hóa thuộc luồng xanh thường chiếm 70-75%, mỗi lô hàng thuộc diện này chỉ làm thủ tục trong khoảng từ 1-3 tiếng và được các doanh nghiệp rất hoan nghênh, đồng thời vẫn đảm bảo cho việc quản lý.
Ngoài ra Hải quan còn áp dụng phân luồng “xanh”, “đỏ” đối với khách nhập cảnh tại cửa khẩu. Việc phân luồng đó đã đơn giản hóa việc kiểm soát của Hải quan, tạo điều kiện cải thiện lưu thông hành khách tại các cửa khẩu quốc tế, trong lúc mặt bằng cửa khẩu còn chật hẹp, lượng khách có chiều hướng ngày càng gia tăng. Do thực hiện phân luồng giảm được 2/3 lượng thời gian khách phải chờ đợi làm thủ thục Hải quan. Nếu khách khai đúng, và không phát hiện điều gì nghi vấn thì chỉ sau vài phút đã hoàn thành thủ tục Hải quan.
Tuy có nhiên theo đánh giá của cơ quan Hải quan thì trên thực tế, việc phân luồng đó mới dừng lại ở hình thức, chỉ dựa vào tính chất của hàng hóa. Từ thực tế cho thấy việc phân luồng hàng hóa chưa phát huy được mục đích đặt ra là phân loại đối tượng kinh doanh xuất nhập khẩu, để tạo thuận lợi thông quan nhanh chóng cho số đông doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật, tập trung vào kiểm tra các đối tượng có rủi ro cao trong việc vi phạm pháp luật, có hành vi gian lân, buôn lậu. Cách làm trên nhìn chung chưa khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật và chưa để cho doanh nghiệp thấy rõ lợi ích của việc tự nguyện tuân thủ pháp luật.
- Phân loại kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu
Do những bất cập trong phân luồng hàng hóa như vậy nên trong thời gian qua Tổng cục Hải quan đã đưa ra những thay đổi trong việc phân loại kiểm tra hàng hóa cho phù hợp hơn với xu thế phát triển, và phương pháp
quản lý rủi ro, những đổi mới đó đặc biệt thể hiện trong Luật Hải quan và những văn bản hướng dẫn thực hiện luật Hải quan đặc biệt là Nghị định 154/2005/NĐ-CP.
Cơ quan Hải quan căn cứ vào cơ sở dữ liệu xây dựng theo các tiêu chí Thương nhân, mặt hàng và một phần vào tuyến đường vận chuyển để quyết định hình thức kiểm tra hàng hóa theo 3 hình thức: miễn kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra xác suất thực tế hàng hóa không quá 10% lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Các quy định cụ thể đối với các tiêu chí “thương nhân”, “mặt hàng nhạy cảm” đều nêu rõ trong Luật Hải quan, trong Nghị định 154/2005/NĐ- CP. Có thể thấy rõ những ưu điểm của phân loại kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hiện nay với việc phân luồng trước đó.
Trước hết mức độ kiểm tra thực tế đã giảm xuống và được qui định rõ ràng hơn, ví dụ đối với hàng hóa kiểm tra xác suất thì cũng kiểm tra thực tế không quá 10%, trong khi đó có thể thấy rõ kể cả trong “ luồng xanh” trước đây cũng vẫn có thể phải chịu kiểm tra thực tế cho dù với tỷ lệ thấp.
Thêm vào đó việc phân loại hàng hóa kiểm tra thực tế hiện nay có nhiều tiến bộ hơn và cho thấy rõ hơn việc áp dụng quản lý rủi ro. Việc nhấn mạnh vào tiêu chí thương nhân bên cạnh tiêu chí mặt hàng đã đạt được mục đích khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện thực hiện đúng pháp luật và nhấn mạnh ưu thế của việc thực hiện tốt pháp luật.
Việc thực hiện phân loại kiểm tra thực tế hàng hóa này nhấn mạnh vào việc thu thập và xử lý thông tin sẽ giúp tăng cường áp dụng công nghệ thông tin đồng thời bổ trợ cho các nghiệp vụ khác trong quản lý Nhà nước về Hải quan cũng như các lĩnh vực liên quan khác.