* Tháo gỡ các vướng mắc chồng chéo trong quy định của pháp luật về thủ tục Hải quan
Thủ tục Hải quan dựa trên các cơ sở pháp lý sau:
- Do các văn bản pháp luật về Hải quan quy định, theo đó Tổng cục Hải quan là cơ quan thay mặt Chính phủ, Bộ Tài chính cụ thể hoá các quy định của pháp luật thành quy trình nghiệp vụ để các đơn vị Hải quan làm căn cứ tác nghiệp – tạm gọi là “Luật thủ tục”.
- Chính phủ, các Bộ, ngành là người quy định các chính sách về thuế, chính sách mặt hàng và cơ chế điều hành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như các rào cản phi thuế quan khác - tạm gọi là “Luật nội dung”
Trên thực tiễn, nhiều khi “Luật nội dung” lại quyết định và điều chỉnh “Luật thủ tục”, rõ ràng đây là một bất cập lớn trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính về Hải quan, cần phải được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ thoả đáng và kịp thời.
* Phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế
Cùng với chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, quá trình mở cửa và hợp tác với các nước trên thế giới được thúc đẩy mạnh mẽ ở nước ta kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI (1986). Chủ trương đó đã được hiến định tại Hiến pháp 1992 (điều 14) : “... Thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, xã hội khác nhau; trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi...”, Việt Nam tiến hành đổi mới cơ chế quản lý kinh tế cùng thời điểm trên thế giới đang diễn ra những thay đổi to lớn về chính trị và kinh tế.
Toàn cầu hóa và khu vực hóa được thể hiện qua sự hình thành và củng cố của các tổ chức kinh tế và khu vực. Dưới tác động của xu hướng này, nhiều tổ chức kinh tế, thương mại trên toàn cầu và hơn 40 tổ chức liên kết khu vực đã ra đời, trong đó đáng chú ý là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với 153 quốc gia thành viên (tính đến 23/7/2008), chiếm hơn 90% tổng giá trị thương mại quốc tế, các liên kết khu vực như EU, ASEAN, NAFTA và các tổ chức đa phương khác.
Toàn cầu hóa và khu vực hóa được quyết định bởi nhiều yếu tố liên quan tới công nghệ, thị trường và chính sách, nổi lên là : sự cạnh tranh gia tăng trong kinh tế thế giới thúc đẩy tìm kiếm những thị trường có lợi nhất cho
hàng xuất khẩu và nguồn nhập khẩu rẻ nhất. Đối với xu thế khu vực hóa, ngoài những nguyên nhân trên, còn có những tác động khác như những mục tiêu quốc phòng, an ninh, hợp tác kinh tế để tranh thủ những yếu tố bổ trợ... Toàn cầu hóa và khu vực hóa có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nhau và cùng nhằm mục tiêu thúc đẩy trao đổi hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động. Liên kết khu vực vừa củng cố quá trình toàn cầu hóa vừa giúp các nước trong từng khu vực bảo vệ lợi ích của mình. Mặt khác, toàn cầu hóa, khu vực hóa cũng làm cho sự cạnh tranh giữa các thực thể kinh tế trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Trong xu hướng toàn cầu hóa ngày càng tăng, bất cứ nước nào không muốn bị gạt ra khỏi dòng chảy phát triển đều phải nỗ lực hội nhập vào xu thế chung, có những điều chỉnh chính sách thích hợp, giảm dần hàng rào thuế quan và dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan, làm cho việc trao đổi hàng hóa, luân chuyển vốn, lao động, công nghệ và kỹ thuật trên phạm vi thế giới ngày càng thông thoáng hơn.
Nghị quyết 07/NQ-TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị đã một lần nữa khẳng định đường lối mở cửa, hợp tác kinh tế của Việt Nam, coi hội nhập kinh tế là một chính sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác với tất cả các nước với các thể chế chính trị khác nhau, đã phá được thế bao vây cô lập về chính trị, cấm vận về kinh tế, thiết lập quan hệ ngoại giao với trên 167 nước trong đó có tất cả các nước lớn, phát triển quan hệ thương mại với hơn 140 nước, quan hệ đầu tư với gần 70 nước và vùng lãnh thổ. Đồng thời chúng ta đã khai thông được quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như IMF, WB, ADB….
Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã tham gia vào các tổ chức, diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu
Á - Thái Bình Dương (APEC) ...Ngoài ra, trong lĩnh vực Hải quan, Hải quan Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) mà tiền thân là Hội đồng hợp tác Hải quan từ năm 1993. Với mục tiêu thuận lợi hoá thương mại quốc tế, các tổ chức khu vực và quốc tế đều đã đề ra và thực hiện nhiều chương trình nhằm đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục Hải quan, thống nhất biểu thuế xuất nhập khẩu và dỡ bỏ những hàng rào thương mại. Những chương trình cải cách thủ tục Hải quan đều dựa trên những điều ước quốc tế quan trọng về Hải quan như Công ước Kyoto về đơn giản và hài hòa thủ tục Hải quan, công ước về Hệ thống thống nhất phân loại và mã hóa hàng hóa (Công ước HS), Hiệp định trị giá Hải quan (Hiệp định thực hiện Điều 7 GATT)...
Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước Kyoto vào tháng 10 năm 1997 với mức độ chấp nhân 3 phụ lục A1, B1, C1 có bảo lưu một số điều. Việt Nam cũng đã chính thức áp dụng danh mục mô tả mã hóa hàng hóa theo Công ước HS từ ngày 1/1/2000 và chính thức áp dụng phương pháp tính trị giá Hải quan theo Hiệp định thực hiện Điều 7 - GATT. Những điều ước quốc tế trên được nhiều nước tham gia và được coi là những chuẩn mực mà bất kỳ một nước nào muốn hội nhập vào nền kinh tế thế giới phải đạt được.
Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cùng 6 nước thành viên khác đã ký kết Hiệp định Hải quan ASEAN ngày 1-3-1997 và hàng năm đều tổ chức hội nghị cấp cao về Hải quan các nước ASEAN. Hải quan các nước ASEAN đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực và thực hiện những chương trình hành động chung về thuế quan, đơn giản hóa thủ tục để sớm đưa Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) trở thành hiện thực và đẩy nhanh tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Hội nghị cấp cao Hải quan các nước ASEAN lần thứ VIII tại Myanmar ngày 28 - 29/7/2000 đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó nêu rõ: “ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tầm nhìn Hải quan ASEAN 2020” nhằm đạt
được tiêu chuẩn quốc tế về Hải quan, sự thành thạo, tính chuyên nghiệp, sự phục vụ tuyệt vời và sự thống nhất thông qua thủ tục Hải quan được hài hòa hóa, để thúc đẩy thương mại và đầu tư, bảo vệ sức khỏe và lợi ích của cộng đồng.
Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế đã tham gia, ký kết. Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực tháng 12/2001 đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ nói riêng và quan hệ thương mại quốc tế nói chung, mở ra một giai đoạn mới cho nền kinh tế hướng vào xuất khẩu của nước ta.
Điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế này yêu cầu ngành Hải quan phải cố gắng nỗ lực kết hợp yếu tố con người với trang thiết bị hiện đại, mặt khác phải sớm hoàn thiện pháp luật Hải quan. Các qui định của pháp luật Hải quan phải sát hợp với các định chế của pháp luật quốc tế, không những đảm bảo chức năng hành chính công quyền, bảo vệ chủ quyền, an ninh kinh tế quốc gia, mà còn phải bảo đảm hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động giao thương quốc tế.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu
Thông quan nhanh chóng, đúng chính sách, pháp luật cho hành khách, hàng hóa, phương tiện vận tải phục vụ kịp thời hoạt động kinh doanh, sản xuất, đời sống, an ninh, quốc phòng… nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần tạo thuận tiện cho hoạt động XNK, du lịch, đầu tư… phát triển; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế, chống các biểu hiện gây phiền hà sách nhiễu, tiêu cực, làm tròn vai trò “chiến sĩ biên phòng trên các mặt trận kinh tế”.
Tạo chuyển biến căn bản trong hoạt động quản lý Nhà nước về Hải quan; xóa bỏ những thủ tục thiếu đồng bộ, chồng chéo, rườm rà, phức tạp đã và đang gây trở ngại trong việc tiếp nhận và xử lý công việc giữa cơ quan Hải quan với cá nhân tổ chức có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh; xây dựng và thực hiện các thủ tục Hải quan công khai, minh bạch,
thống nhất, đúng pháp luật, vừa tạo thuận tiện, nhanh chóng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư du lịch phát triển, vừa có tác dụng quản lý chặt chẽ, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về Hải quan, giữ vững kỷ cương pháp luật, vừa hạn chế tệ quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tham nhũng tiêu cực.
- Nâng cao chất lượng bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức
Gắn cải cách thủ tục hành chính với thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của ngành và xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch, vững mạnh; tạo chuyển biến rõ rệt ở từng cấp, từng đơn vị, từng cán bộ, công chức Hải quan, vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới.