M. S SAGHARAKSHITA
Thiền và Hài cú
Trong thế giới thi ca nhân loại, Hài cú của Nhật là thể thơ ngắn nhất. Có người dịch sang tiếng Việt là Bài cú.
Một bài thơ hài cú chỉ gồm ba câu, theo thứ tự tiết tấu đa âm của Nhật ngữ là câu đầu 5, câu giữa 7 và câu cuối 5. Tuy ngắn gọn đến thế, hài cú đủ khả năng chuyên chở cảm xúc và ánh lóe sáng đột xuất của trực giác. Trong hài cú, không có loại chữ nghĩa hay hình ảnh mang tính tượng trưng. Nó chộp lấy sự sống đang tuôn trào rồi tĩnh lặng và nói gọn gàng thành lời.
Hài cú mang tính bất nhị nguyên và quả thật không có chỗ hiện diện cho con người và cái tôi của tác giả. Bài hài cú cô đọng những chất liệu trông có vẻ đơn giản của cuộc sống hàng ngày — chiếc lá đang lìa cành, tuyết đang rơi, ao nước, con ruồi, con cóc, cánh bướm, v.v.
Hài cú trình bày với người đọc một lối nhìn vào cuộc sinh hoạt của vạn vật và đạt tới giác ngộ, dù chỉ một thoáng qua. Hài cú không phải là Thiền nhưng Thiền là hài cú. Nói theo lời R.H. Blyth, "Hài cú là
đóa hoa sau cùng của văn hóa phương đông."
Hài cú được nâng lên thành một thể thơ và giữ cố định cho tới ngày nay bởi thi hào vĩ đại Tùng Vĩ Ba Tiêu (Matsuo Bashò, 1644-1694). Hầu hết các bài hài cú của ông đều có liên quan tới thiên nhiên. Ông rất yêu thiên nhiên và con người. Nơi con người, ông thấy được sự ưu đãi của thiên nhiên, vũ trụ, sự quí báu vô cùng khi được làm người.
Có thể kể thêm các thi sĩ Nhật khác như Buson, Issa, Ryokan và Shiki. Cùng với các bộ môn nghệ thuật của Nhật thẩm thấu Thiền tính, hài cú gợi lên tính chất sabi, nghĩa là sự tĩnh mịch, cô đơn và an nhiên tự tại, cùng với tính chất wabi, nghĩa là vô ngã, đơn sơ và mộc mạc.
Thơ hài cú nói chung thường đề cập tới tứ thời bát tiết, như lộc non mùa xuân, cành khô mùa thu. Và chừng mực như mọi bộ môn nghệ thuật "hữu Thiền", hài cú biết dừng lại khi cảm thấy đã nói vừa đủ. Hài cú của Ba Tiêu:
Ta không thích trẻ con,
Ai nói vậy sẽ không thấy được Những nụ hoa chớm nở.
(Nguyễn Tường Bách dịch) hoặc:
Con bướm
Ðậu trên chiếc chuông trong đền Thiu thiu ngủ.